Việt Nam lãng phí:Nhễ nhại học gánh nợ công chức đắp chăn

( PHUNUTODAY ) - Với sự lãng phí và hiệu quả công việc mang lại từ cơ quan công sở, người ta lại ngao ngán cho bộ máy hành chính công ở Việt Nam.

Những kiểu lãng phí điện của Việt Nam khiến nhiều người phải xót xa. Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến từ  "chùa" khiến người dân lại cảm thấy nhàm chán bởi cứ chùa là người ta cho phép mình sử dụng vô tội vạ, chỉ cần mình thích. Lẽ ra, việc sử dụng điện này nên cân đối lại cho hợp lý và ai xứng đáng được dùng hơn ai.


Sau khi đăng tải bài viết về sự lãng phí điện năng ở cơ quan công sở nhà nước, nhiều độc giả bày tỏ ý kiến bất bình vì sự lãng phí và vô trách nhiệm của cán bộ cơ quan nhà nước. Mọi người cứ đổ lỗi "cha chung không ai khóc", điện nước đã có nhà nước lo nên mạnh ai người ấy cứ hưởng.

Mặc dù chưa hề có một cuộc khảo sát xung quanh việc công chức đã sử dụng thời gian công, được trả bằng tiền thuế dân, để làm những việc “tư”, dù điều đó bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy hằng ngày: Café, nhậu nhẹt, chơi game, xem phim, buôn cổ phiếu, buôn dưa lê đến “nóng máy, chập điện”, thậm chí, nội trợ kiểu “nhặt rau bí, cắt râu tôm” ngay trong giờ làm việc, ngay trong phòng làm việc, ngay trong cái gọi là công sở thì diễn ra thường xuyên.

Việc mở điều hòa ngồi nhặt rau bí, buôn chuyện của các văn phòng nhà nước diễn ra hàng ngày. Điều hòa chạy hết công suất, điện năng ba pha... khiến nhiều người chăm chỉ làm nội trợ ở cơ quan hơn là ở nhà, thậm chí nhiều người còn tranh thủ điện chùa, điều hòa mát lạnh cày game đến khuya mới chịu về nhà. Lý do của điều này là gì ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng ai muốn nói.

Trong khi công chức nhặt rau bí mát lạnh thì học sinh học bài mồ hôi như tắm
Trong khi công chức nhặt rau bí mát lạnh thì học sinh học bài mồ hôi như tắm


Còn nhớ, dư luận cả nước từng sôi sục trước phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng công chức hiện nay, ông thẳng thắn chỉ ra rằng “Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Với sự lãng phí và hiệu quả công việc mang lại từ cơ quan công sở, người ta lại ngao ngán cho bộ máy hành chính công ở Việt Nam.

Thay vì trang bị những thiết bị phòng lạnh, điện thoại cho những công chức làm nội trợ gia đình trong giờ làm việc, chúng ta có thể dành những khoản trang bị ấy vào việc khác. Hiện nay, ở rất nhiều nơi còn nghèo đói thiếu thốn. Trong khi dùng thuế từ nhân dân trả tiền điện, tiền nước cho những người ăn không ngồi rồi chúng ta có thể dùng tiền ấy để phát triển thế hệ mầm xanh của đất nước. Người viết muốn đề cập đến việc sử dụng điện công không hợp lý.

Không dám mang công chức ra so sánh với người nông dân bởi mọi so sánh này đều trở nên khập khiễng. Nông dân vốn nghèo và khổ nhất rồi nên chúng tôi chỉ đơn cử một trường hợp để so sánh với trường hợp sử dụng điện lãng phí, không đúng mục đích để bạn đọc cùng nghe và suy ngẫm. Chẳng phụ huynh nào lạ lẫm với hình ảnh của đứa con nhỏ của mình môi hôi nhễ nhãi ngồi dưới ghế nhà trường để học. Cả một lớp học 60 học sinh chia nhau hai hoặc bốn chiếc quạt trần. Thời tiết 30 độ C các em đã khó chịu, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C người lớn ngồi một mình một quạt còn không chịu nổi huống chi các em vừa lắng nghe bài giảng.

Quạt trần có đấy nhưng các em cũng không được sử dụng quạt trần hết công suất vì gió mạnh sẽ làm bay sách vở. Chính vì thế mới có hình ảnh học sinh vừa viết bài, một tay cầm quyển vở khẽ khẽ lấy thêm chút gió trời. Hình ảnh này không phải ở các vùng nông thôn, miền núi mà ngay ở thủ đô Hà Nội vốn nổi tiếng văn minh và sung sướng. Nhìn hình ảnh ấy khiến nhiều bà mẹ thương con mà lại trách cái bộ phận công chức kia đang ngày đêm sử dụng điện "chùa" lãng phí giá cho các em vào ngồi nhờ tránh nóng một hai tiết học cũng giúp các em lắm rồi.

Cái nắng cháy trời vào mùa hè, các phòng học không được lắp máy điều hòa khiến học trò thì nhễ nhại mồ hôi còn cô thì giảng bài trong trạng thái “ướt như tắm”. Thế mới thấy, nhân viên nhà nước cũng có người sướng, người khổ. Hình ảnh trên nhiều người bảo sao không lắp điều hòa cho học sinh để các em có thể thoải mái học tập, thay vì mải miết chống nóng.

Nhưng để lắp điều hòa ở trường học đâu có dễ. Nhà trường phát động phụ huynh góp tiền mua điều hòa cho con nhưng mà học sinh học nay lớn này, mai trường khác biết học cố định phòng nào mà mua điều hòa. Chiếc điều hòa lắp cho học sinh năm nào cũng bị bán đi bán lại. Chính vì thế phụ huynh phản đối việc lắp điều hòa cũng là điều dễ hiểu. Lại còn tiền điện, đủ các loại tiền. Điều các bậc phụ huynh không muốn góp tiền mua điều hòa cho con không phải tiếc tiền mà người ta chán ngán với các kiểu thiếu minh bạch tài chính thu chi.

Giá như, điều hòa ở những nơi dành cho nhân viên văn phòng phải quấn chăn trong thời tiết gần 40 độ C ấy có thể trang bị ở các trường tiểu học thì tốt biết mấy. Các em không phải lăn lộn như tắm với tri thức. Việc chuyển điều hòa sang trường học cho học sinh vừa giúp các em chỉ chuyên tâm vào nghe giảng vừa giúp nhiều cán bộ tránh được các nguy cơ mang bệnh văn phòng. Hơn nữa, nhà nước sẽ không phải "còng lưng" trả tiền điện để cho dân công sở đắp chăn giữa trời nắng.

  • Trâm Anh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn