Theo một báo cáo vừa công bố bởi AppLovin, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có tỷ lệ người dùng Iphone6 plus so với Iphone6 cao nhất thế giới. Hai nước còn lại là Nhật Bản, có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và Philippines, một quốc gia cũng giàu hơn chúng ta. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải những chiếc Iphone6 plus, mà là sự phung phí nói chung.
Tôi đã đi qua những đất nước có nền kinh tế lớn như Đức, Áo, Pháp, Thụy Điển... và thấy số lượng người sử dụng Iphone của họ thua xa Việt Nam. Đó là chưa kể tới chuyện việc mua Iphone ở những nước này tiết kiệm và dễ dàng hơn Việt Nam nhiều. Thứ nhất, họ có thể đăng ký thuê bao với một nhà mạng bất kỳ với bản hợp đồng trung bình khoảng 2 năm. Ví dụ như ở Đức, tôi chơi với một anh cảnh sát vừa mới được nhà mạng đổi từ Iphone5 sang Iphone6 mà chẳng mất thêm đồng nào (vì hết hợp đồng cũ), mỗi tháng chỉ phải trả 70 euro (khoảng 2 triệu Việt Nam đồng) là được miễn phí trọn gói các loại dịch vụ nghe, gọi, nhắn tin, Internet.
So với mức lương mỗi tháng anh ta nhận được là 3 ngàn euro (khoảng gần 90 triệu Việt Nam đồng) thì chẳng khác gì chi ra vài đồng lẻ. Thế mà từ ngày Iphone6 – 6plus mới ra, tôi mới chỉ đếm trên đầu ngón tay số người dùng máy mới. Chắc chẳng cần phải nói nhiều về sự giàu có, thịnh vượng và ổn định của Đức. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 tới tận năm 2011, Đức, đặc biệt là xứ Bavaria nơi tôi ở, thậm chí không nhúng một ngón chân vào cơn “lụt lội” ấy.
Còn ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy Iphone. Từ những người bán trà đá vỉa hè, học sinh, sinh viên…ai cũng có thể dùng Iphone. Không 4 thì 5, không 5 thì 6, không 6 thì 6plus. Mỗi khi có thêm một đời máy ra mắt là các chị em bán hàng online trên Facebook lại được dịp quảng cáo rầm rộ bằng việc nhận order Iphone xách tay. Giá thì phải đội lên thêm vài triệu. Vẫn có rất nhiều người mua. Khi Apple mới ra mắt Iphone6 – 6plus, người ta còn chia sẻ nhau một bài báo viết về người đàn ông đầu tiên ở Việt Nam sở hữu món hàng cao cấp đó với những chú thích gồm các từ ngữ kiểu “ngưỡng mộ”, “hâm mộ”. Cuối cùng thì, có phải người Việt Nam đánh giá người khác qua chiếc điện thoại họ dùng hay không? Rằng có Iphone đời mới nhất là được ngưỡng mộ, được khen ngợi, là chứng tỏ được sự giàu có, tri thức hay không? Thực ra thì thứ gì càng phải tô vẽ để gây ấn tượng, thì càng mờ nhạt.
Công nghệ thông tin đang là thứ không thể thiếu đối với toàn thế giới và chiếc điện thoại di động cũng vậy. Ban đầu, người ta chỉ sản xuất ra những chiếc máy to kiểu “cục gạch” với chức năng nghe, gọi, nhắn tin. Sau gần 3 thập kỷ thì điện thoại di động bây giờ có thể trở thành máy chụp hình, quay phim, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra tài chính, tính toán, làm việc, đại khái là gần như tất tần tật. Nhưng ngoài Iphone ra, vẫn có rất nhiều chiếc điện thoại khác làm được điều tương tự (ở một khía cạnh nào đó thì còn làm được nhiều hơn) mà rẻ hơn khá nhiều. Tại sao người Việt Nam chỉ “điên cuồng” vì Iphone? Vì thương hiệu, đương nhiên rồi. Nhưng rốt cuộc thì cuối cùng có ý nghĩa gì không?
Ở Đức, hay rất nhiều đất nước giàu có khác, chiếc điện thoại thực sự là đồ dùng cá nhân, chỉ đơn thuần phục vụ cuộc sống của họ. Dân Đức thường chi nhiều tiền nhất cho việc đi du lịch. Rất hiếm gặp một người Đức nào mà không đi nước ngoài chơi ít nhất 1 lần trong năm. Sau đó đến ăn uống, ô tô, nhà cửa, bóng đá. Họ là chủ nhân của cuộc sống và những thứ còn lại thì phục vụ hạnh phúc của họ. Còn ở Việt Nam, hình như từ vài năm nay, việc mua cho bằng được chiếc Iphone đời mới nhất đã trở thành việc cấp thiết vô cùng, không mua được thì khó chịu, ấm ức trong lòng lắm.
Chúng ta chỉ là một đất nước đang phát triển với 70% dựa vào việc sản xuất nông nghiệp. Sinh viên ra trường vẫn còn bao nhiêu em đang không có việc làm. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lương khởi điểm may ra thì được 3-6 triệu đồng. Ở những nơi khác, hay vùng quê nghèo, với mức lương lẹt đẹt 1-2 triệu đồng, liệu có đủ tiền ăn và xăng không, chứ chưa bàn tới việc mua một chiếc điện thoại xịn. Vậy tại sao lại nhiều Iphone được đến thế? Nguồn tiền thì vẫn thế thôi, đổ từ bên này sang bên khác. Âu vẫn là một câu hỏi không có lời giải.
Tất nhiên, khi người ta sẵn sàng vung tiền để mua một món đồ đẹp, đó là điều hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ, sẽ hạnh phúc hơn nữa nếu sở hữu những thứ mà tiền không mua được. Đó là sự thảnh thơi, vô nhiễm khỏi những xu hướng đang làm mai một những giá trị văn hóa khác.
Ảnh cưới lại không làm nên đám cưới, đám cưới chẳng làm nên hạnh phúc lứa đôi, trong khi có hạnh phúc nào hơn cả bằng hình ảnh của người này được khắc sâu trong mắt người kia. |