Vinacomin xin thêm ưu đãi cho dự án bauxite

11:05, Thứ hai 28/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vinacomin vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết để Vinacomin được hưởng một số chính sách ưu đãi đối với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.

Lại ưu đãi

Theo đó, Tân Rai và Nhân Cơ là 2 dự án ở vùng sâu vùng xa và nhóm kim loại màu, đều thuộc diện được chính sách ưu đãi. 

Hiện dự án Alumin Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải, và đã bán sản phẩm ra thị trường. Dự án Alumin Nhân Cơ dự kiến sẽ đưa vào sản xuất khoảng cuối quý III/2014. Song hiện cả 2 dự án này vẫn chưa được hưởng các ưu đãi của Nhà nước theo luật định.

Vinacomin đề nghị giảm thuế tài nguyên, phí môi trường để có lãi. (Ảnh: TKV)

Theo ông Lê Minh Chuẩn - TGĐ Vinacomin - chiểu theo NĐ 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì cả 2 dự án đều thuộc đối tượng được vay hoặc được hỗ trợ (lãi suất) sau đầu tư từ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, song đến nay vẫn chưa được hưởng các ưu đãi này. 

Để có vốn đầu tư, với dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ, Vinacomin đã phải thu xếp từ nhiều nguồn khác nhau với mức lãi suất cao (12-13%/năm với VND). Trong khi đó, do thị trường vốn đang rất khó khăn, việc vay vốn rất khó và lãi vay cao, thời gian trả nợ ngắn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả của 2 dự án, đặc biệt là dự án Alumin Nhân Cơ.

Bên cạnh đó, Vinacomin cho rằng phí môi trường cũng đang rất bất hợp lý. Theo đó, mức phí môi trường bị áp là 30.000 - 40.000 đồng/tấn bằng với giá thành quặng nguyên khai là từ 40.000-50.000 đồng/tấn (chưa kể các loại thuế, phí). Vì vậy Vinacomin đang đề nghị tính 4.000 đồng/tấn, bằng 10% giá thành quặng nguyên khai. 

Việc Vinacomin đề xuất được hưởng thêm ưu đãi đã khiến không ít người bất ngờ bởi trên thực tế các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, Vinacomin đã được Chính phủ quá ưu ái khi được hưởng mức thuế suất 0% đối với xuất khẩu alumin. 

Theo Vinacomin, đến tháng 4/2013, Nhà máy Tân Rai đã sản xuất được 28.600 tấn alumin. Lợi nhuận sau thuế hiện đạt khoảng 896.000 đồng mỗi tấn, hụt hơn 314.000 đồng so với năm 2009. Vinacomin dự tính lỗ kế hoạch khoảng năm năm thay vì ba năm như tính toán ban đầu và phải mất hơn 11 năm mới có thể thu hồi vốn. 

Dẫn số liệu của Bộ Công thương, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm – Titan, Tổng công ty Khoáng sản ViệtNam nhìn nhận, dự án Tân Rai rủi ro cao vì tổng mức đầu tư tăng thêm 30%.
 
Mỗi năm chậm tiến độ, dự án Tân Rai mất tối thiểu khoảng 70-80 triệu USD. Ngoài ra, Tân Rai phải chi khoảng 24,6 triệu USD tiền vận tải, Nhân Cơ 38 triệu USD chưa kể chi phí lưu kho, bốc dỡ… Các chuyên gia cho rằng, việc vận chuyển trước mắt chủ yếu bằng ôtô, trong khi giá xăng dầu liên tục tăng càng làm dự án thêm rủi ro.

Ưu đãi tài nguyên là không sòng phẳng với dân

Về những ưu đãi trong việc khai thác bauxite, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cho rằng doanh nghiệp cần phải rõ ràng, sòng phẳng: 

"Tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, vì thế, nói một cách sòng phẳng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân khi khai thác tài nguyên đều phải đóng góp cho xứng đáng với giá trị tài nguyên đó. 

Thời gian vừa qua thì mô hình kinh tế của chúng ta có lẫn cả thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân và chúng ta cũng đã lẫn lộn giữa vai trò của thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân cho nên nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng luận điểm xã hội vào bài toàn kinh tế để tạo lợi cho mình. 

Trên thực tế, trong một sân chơi kinh tế các doanh nghiệp phải sòng phẳng, bình đẳng với nhau. Ví dụ như khai thác bô xít ở Tây Nguyên, nếu tính hiệu quả kinh tế xã hội thì lỗ nhưng Tập đoàn than-khoáng sản luôn nói rằng khai thác than bởi vì lợi ích kinh tế xã hội và có tác động lan tỏa, góp phần phát triển Tây Nguyên.

Nhưng thực tế không ai, kể chủ đầu tư biết được nó lan tỏa như thế nào, lan tỏa đến đâu và ai được hưởng từ đó. 

Chúng ta cần phải trả lại cho các doanh nghiệp một sân chơi bình đẳng. Kinh tế là kinh tế và xã hội là xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội sau khi tạo được lợi nhuận sẽ sử dụng lợi nhuận đó cho mục tiêu xã hội.

Các doanh nghiệp xã hội không chia lại lợi nhuận về các cổ đông như ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần mà người ta sẽ sử dụng cái lợi nhuận đó cho các hoạt động xã hội.

Chính vì vậy sau đề xuất ưu đãi của Vinacomin, đã có không ít ý kiến cho rằng thay vì "đặt Nhà nước vào thế phải hy sinh cho mình” như Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái nhìn nhận Vinacomin nên đối mặt với thực tế và tìm cách giải quyết.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: