Việt Nam được biết đến là một trong những nước xuất khẩu than lớn trên thế giới, hàng năm hàng chục triệu tấn than giá rẻ được nước ta ồ ạt gửi đi khắp các nơi phục vụ cuộc sống của người dân trên thế giới. Theo thống kê, khối lượng than đá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt 7,84 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất với 6,18 triệu tấn, tăng 3,2% và chiếm tới 79% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Vinacomin lạc quan nên xuất khẩu than cũng trở nên thoải mái, không có lãi thì có thể giảm thuế. |
Xuất khẩu mạnh như vậy nhưng Vinacomin lại không có lãi chính vì vậy mà chỉ sau hơn 1 tháng tăng thuế xuất khẩu than với mục tiêu bảo vệ tài nguyên, Bộ Tài chính lại phải giảm thuế xuống 10% nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong nước, giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Con có khóc thì mẹ mới cho bú, câu nói của các cụ nhà ta cấm có sai bao giờ! Mẹ có sữa thì được bú sữa ngon lành, mẹ mà thiếu sữa thì con cũng cứ nhay nhay bầu vú teo tóp cho đã cơn nghiền, dù sao nó cũng đỡ khóc tấm tức, sốt cả ruột!
Nghĩa là mục tiêu bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã phải nhường chỗ cho mục tiêu cứu sống doanh nghiệp. Tạm hy sinh mục tiêu lâu dài, bền vững để cứu lấy cái sờ sờ trước mắt. Cứu doanh nghiệp là cứu người mà cứu người thì nóng như cứu hỏa, chả đúng sao?
Thế mới biết lý do các doanh nghiệp nhà nước lạc quan bất kể thời tiết, lúc nào cũng tràn trề hy vọng. Cứ miệt mài xuất khẩu khoáng sản dù không có lãi cũng chẳng sao, vì chỉ cần kêu toáng lên là lỗ, là đói dài răng rồi xin giảm thuế là sẽ được ok ngay, cha mẹ nào mà chẳng thương con cái cơ chứ, bảo sao ai cũng vui vẻ, hạnh phúc.
Miệt mài xuất, rồi cũng hết than mà phải đi nhập khẩu cũng chẳng sao, hòn than Việt Nam lại càng có cơ hội được giao lưu, hội nhập với các cục than thế giới. Và nếu không có cơ hội được giao lưu tìm hiểu thì có lẽ chúng ta cũng khó có thể biết được than thế giới dù đẳng cấp cao nhưng chất lượng cũng... chỉ như Việt Nam.
Từ đó mới phát hiện ra rằng ngành khoáng sản nước ngoài rõ ràng chơi không đẹp, tính toán thiệt hơn: Khi Việt Nam có nhiều than, nước ta sẵn sàng bán rẻ như cho để chia sẻ khó khăn về năng lượng với thế giới, nhiệt tình như thế mà đến bây giờ, khi nguồn than sắp cạn, các nước lại ép giá, bắt Việt Nam phải mua lại than cốc với giá cao ngất ngưởng. Rõ thật là không đẹp và không công bằng tẹo nào.
Nhưng không vì thế mà Vinacomin mất đi lạc quan đâu nhé, vẫn còn nhiều hy vọng lắm, và Vinacomin vẫn chơi ở thế anh hai hào hoa mã thượng cho các doanh nghiệp nước ngoài biết thế nào là lễ độ: trong hoạt động khai thác bauxite gần đây của nước ta, giá thế giới thấp tịt, Vinacomin sẵn sàng bán thấp. Đầu tư xây dựng tốn kém, bán thế thì lỗ là cái chắc rồi.
Nhưng có sao đâu nhỉ, đầu tư chiến lược dài hơi, thì phải tính cách thu hồi vốn dài hạn chứ: 5 năm đầu lỗ to rồi sau đó có lãi nhỏ nghĩa là thành công rồi. Nếu 5 năm vẫn lỗ thì nâng mức thời gian chiến lược nên 10 năm, 15 năm, 30 năm hoặc lâu hơn nữa....chắc chắn đến một lúc nào đó phải có một cái gì đó gọi là lãi chứ? Miễn là có hy vọng mà có hy vọng thì ắt sẽ có hạnh phúc. Sống trong hạnh phúc, trong hy vọng chả sướng hơn sống trong sợ...lỗ chán vạn lần hay sao?
Như trường hợp dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắc Nông), ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhân Cơ, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong buổi tiếp xúc với báo chí ngày 6/8 đã cho biết: "Với vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn vay, nên 6, 7 năm đầu, do phải chịu lãi suất và khấu hao cao, nhà máy có thể phải chịu lỗ khoảng hơn 2.400 tỷ đồng".
"Tuy nhiên, từ năm thứ 7 trở đi, dự án này sẽ bắt đầu có lợi nhuận và với thời gian khai thác dự kiến trong vòng 30 năm, tổ hợp này sẽ mang lại cho Vinacomin cũng như ngân sách nhà nước hơn 39.400 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện cho khoảng 2.000 lao động có công ăn việc làm, góp phần đáng kể vào GDP cho địa phương." - ông Tiến cho biết thêm.
Phát biểu như vậy dường như phản ánh rất rõ quan điểm của Vinacomin trong nhiều vấn đề chủ yếu là phát huy triệt để tinh thần giao lưu học hỏi, còn chuyện lỗ lãi tính toán thiệt hơn không nên quan trọng hóa để có thể tránh xa những chuyện đau đầu vì tiền.
Hiện tại dù có khắc nghiệt đến đâu cũng quan trọng gì, điều đáng lưu ý là tương lai ở phía trước và chỉ cần cả nước ai cũng có sự lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào tương lai tốt đẹp như Vinacomin thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt chuẩn hạnh phúc nhất thế giới. Sướng chưa nào? Các bạn và tôi, chúng ta hãy cùng hạnh phúc đi chứ...