(Đời sống) - Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải ngày 27/3 Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vinalines phải đẩy nhanh việc bán tàu cũ, trước ngày 30/6 phải giải quyết xong các con tàu cũ, tàu rách theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
[links()]
Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ GTVT), quá trình tái cơ cấu Vinashin từ cuối tháng 6/2010 đến nay, tập đoàn đã hoàn thiện bàn giao 42 tàu xuất khẩu, thu về hơn 5.000 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng đồng, giảm nghĩa vụ bảo lãnh hoàn ứng hơn 4.000 tỷ đồng.
ộ trưởng Thăng cho rằng, việc tái cơ cấu Vinalines còn chậm chạp. Ảnh: VNE |
Đồng thời, hoàn thiện 16 tàu chờ bán để giảm thiệt hại với với giá trị thu về dự kiến gần 5.200 tỷ đồng, giảm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu không thực hiện tái cơ cấu, Vinashin sẽ thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng đối với các sản phẩm dở dang.
Tổng giám đốc Vinashin Vũ Anh Tuấn đánh giá, theo Quyết định 2108 của Chính phủ, Vinashin phải thực hiện tái cơ cấu với 216 công ty con, cháu, 19 đơn vị thỏa thuận với Công ty mua bán nợ (DATC) để thực hiện cổ phần hóa, mua bán nợ, nhưng đến thời điểm này chưa làm được đơn vị nào.
Trong số 43 DN giữ lại, kế hoạch sẽ cổ phần hóa 13 công ty mẹ và 12 công ty con thuộc tập đoàn, đến thời điểm này cũng chưa triển khai được đơn vị nào.
Ngoài ra, đề án tái cơ cấu Vinashin đang trình Bộ Chính trị phê duyệt, mục tiêu giữ lại 8 đơn vị phải cổ phần hóa khi đã hoàn thành “cắt lỗ” (thời gian cắt lỗ theo đề án từ năm 2016) cũng đang gặp thách thức lớn, nếu không chuẩn bị từ bây giờ sẽ không thực hiện được.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẳng định nếu không tái cơ cấu, Vinalines sẽ tiệm cận nguy cơ phá sản. Đến nay, tập đoàn không còn khả năng trả các khoản nợ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinalines, những bước đi chi tiết của kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn này vẫn gần như "giậm chân tại chỗ" do còn nhiều vướng mắc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc triển khai cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines hết sức chậm chạp là do một số lãnh đạo chưa sát sao. Khẳng định chỉ có tái cơ cấu mới cứu được Vinalines, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Vinalines làm rõ những vướng mắc, khó khăn và phải báo cáo liên tục về tiến độ.
"Cần đưa ra kế hoạch rõ ràng xem những đơn vị nào cần giữ lại, nơi nào cho phá sản, sáp nhập... Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh trên Vnexpress.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá chung về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, Tổng công ty trực thuộc. Hiện Bộ này có 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trong đó, ngoài Vinashin, Vinalines, một số đơn vị khác cũng gặp khó khăn trong năm 2012 như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, khối các Tổng công ty Xây lắp (gồm 7 Tổng công ty), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam...
trong năm nay.
PV. (Tổng hợp)