Chứng kiến những nữ tiếp viên Nhật Bản miệng cười tươi, luôn niềm nở trả lời và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của hành khách, lại thêm việc quỳ gối xin lỗi khách rất tận tâm, vẻ bực tức trên gương mặt của hành khách dần được xoa dịu. Mọi người thay vì than phiền, lại tỏ ra cảm phục và chia sẻ với những tiếp viên này. Ai cũng lịch sự, vui vẻ, dù hành khách vẫn bị “om” trên chuyến bay. Một vài khách Việt trầm trồ, có vẻ rất thán phục tinh thần “samurai” của những nữ tiếp viên này.
Tiếp viên hàng không Nhật (Ảnh minh họa) |
Khi được hành khách hỏi vì sao họ phải quỳ gối xin lỗi khách, thì nhận được câu trả lời: Trên chuyến bay, chỉ có phi công, tiếp viên đối diện với khách và họ xin lỗi khách với tư cách đại diện cho hãng hàng không, chứ không phải cá nhân mình. Việc họ quỳ gối xin lỗi khách, thể hiện tinh thần trách nhiệm chung.
Có thể coi tiếp viên là bộ mặt của hãng hàng không. Việc chậm chuyến, hủy chuyến hay kể cả “om” khách trên máy bay, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và bất cứ hãng nào, điểm khác nhau chỉ là cách ứng xử của tiếp viên và nhân viên của hãng với hành khách mà thôi.
Trước đây, các tiếp viên của một hãng hàng không của Trung Quốc cũng đã khiến dư luận xôn xao khi lập bàn thờ thần đúng giờ sau khi mưa bão làm nhiều chuyến bay bị hoãn. Bức ảnh các nữ tiếp viên của hãng hàng không Hạ Môn Airlines lập đàn cầu khấn thần “Đúng Giờ” đã được lan truyền trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Trong bức ảnh này, một bàn thờ tạm thời được phủ bằng khăn ăn màu đỏ và đồ cúng lễ là hoa quả và thực phẩm hàng không được dựng lên trong gian bếp của một chiếc máy bay, và chính giữa là hai chữ Trung Quốc “Đúng Giờ”.
Người phát ngôn của hãng hàng không Hạ Môn cho biết các thành viên phi hành đoàn này không hề vi phạm bất cứ quy định nào.
Tiếp viên nữ vái lạy thần "Đúng Giờ" trên máy bay ở Trung Quốc |
Thực tế chuyến bay bị trễ không phải do lỗi của tiếp viên, có thể do lỗi của hãng, hoặc cũng có thể tại ông giời... Nhưng ở đây, các nữ tiếp viên vẫn sẵn sàng nhận lỗi, thành tâm muốn các chuyến bay đúng giờ sẽ giảm bớt đi rất nhiều sự khó chịu của hành khách khi chuyến bay trễ giờ.
Chứng kiến những thái độ, hành động như vậy của các tiếp viên nước ngoài có lẽ không ít người Việt Nam đã cảm thấy ngán ngẩm cho việc trễ giờ, hoãn chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Như Vietnam Airlines, việc trễ giờ, hoãn chuyến đã không còn là chuyện lạ mà xảy ra như cơm bữa.
Cách đây chưa lâu, vào ngày 16/6, cơn mưa lớn đã khiến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất gặp sự cố mất điện hơn một giờ, dẫn đến việc hàng nghìn khách phải chờ làm thủ tục check-in bằng tay. Rất nhiều chuyến bay đến và đi tại sân bay này đã bị trễ hàng tiếng đồng hồ.
Vấn đề là khi các chuyến bay bị hoãn liên tục nhưng hãng hàng không chỉ đưa ra một lời xin lỗi đơn giản, nghiễm nhiên xem đó là lỗi tại ông trời, để khách hàng chịu thiệt đơn, thiệt kép cũng đã khiến không ít người bức xúc.
Hay như trường hợp của anh Anh Vũ Ngọc Huy, Công ty TNHH An Hưng Phát, chỉ vì chậm 5 phút so với giờ làm thủ tục mà cả nhà anh phải mất hơn chục triệu để mua lại vé.
Anh Huy cho biết, anh có mua vé cho gia đình gồm 4 người lớn, 2 trẻ nhỏ đi Hà Nội – TP.HCM trên chuyến bay VN1169 ngày 16/6/2012. Do trục trặc xe nên gia đình anh có mặt tại quầy làm thủ tục muộn. Dù vẫn còn 25 phút nữa chuyến bay mới khởi hành nhưng nói thế nào anh cũng chỉ nhận được giải thích là nếu muốn đi ngay chỉ còn cách mua vé mới.
Có lẽ sau khi chứng kiến hành động tiếp viên Nhật quỳ gối xin lỗi hành khách hay tiếp viên Trung Quốc thành tâm thờ thần đúng giờ, các hãng hàng không Việt Nam cũng nên xem xét về cách chăm sóc khách hàng của mình để từ đó hạn chế những lời than phiền, sự khó chịu.