Vỡ đập thủy điện, nông dân chạy tán loạn

11:53, Thứ tư 12/06/2013

( PHUNUTODAY ) - 5h sáng 12/6, một đoạn đập thủy điện Ya Kre tại làng Mok Den, xã Ya Tom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) dài 40m, cao 20 m (từ đáy sông lên mặt đập) bị vỡ hoàn toàn.

5h sáng 12/6, một đoạn đập thủy điện Ya Kre tại làng Mok Den, xã Ya Tom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) dài 40m, cao 20 m (từ đáy sông lên mặt đập) bị vỡ hoàn toàn.


Theo ghi nhận của phóng tiên tờ Tuổi trẻ, lúc 9h sáng 12/6, khu vực bị vỡ là đập dâng. Hàng nghìn mét khối đất đá bị cuốn tấp ngổn ngang về phía hạ lưu đập. Đoạn đập bị vỡ khiến toàn bộ nước trong hồ cạn kiệt.

Ông Siu Sum, Chủ tịch UBND xã Ya Tom cho biết, chưa xác định thiệt hại về người bởi khu vực này không có nhà dân sinh sống.

vo-dap-thuy-dien-Phunutoday.vn
Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Ya Kre. Ảnh: TTO.

Lực lượng huyện đội Đức Cơ và cán bộ xã Ya Tom đã có mặt tại nơi đập Ya Kre vỡ để sơ tán những người dân làm rẫy và sản xuất gần đó.

Sau cú vỡ đập, nước ngập nhiều diện tích đất trồng cao su của hai đội 20 và 21 thuộc Công ty TNHH Cao su 72 thuộc Binh đoàn 15.

Trên mặt đập, hàng trăm người dân tụ tập đến đây để xem đập bị vỡ. Hàng chục người dân đổ xô đến lòng hồ dùng kích điện để kích cá.

Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, chưa xác định được nguyên nhân vỡ đập.

Thủy điện Ya Kre được xây dựng từ năm 2010, nằm trên suối Ya Kre (thuộc lưu vực sông Pô Cô) đang trong quá trình tích nước, chờ chạy máy. Đập dâng bị vỡ có chiều dài toàn đập là 200m.

Đây là vụ vỡ đập thủy điện thứ 2 xảy ra ở Tây Nguyên, trước đó, một chiếc xe tải chở vật liệu phục vụ xây dựng công trình đập thủy điện Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã không may mất lái, quệt phải bờ đập hồ chứa đang xây dựng, làm bờ đập dài 80m, cao 20m đổ sập hoàn toàn, làm một người chết, vụ việc xảy ra ngày 22/11/2012.

Hàng trăm khối bê tông với khung sắt nằm ngổn ngang dưới dòng suối. Thân đập dày hơn 1,5 m trông có vẻ chắc chắc nhưng đã bị nứt toác, bên trong ruột khối bê tông này thò ra phần xương là khung sắt “ốm nhom”. Tại một vị trí khác của đập, phần lõi của khối bê tông cũng chỉ là mấy thanh sắt nhỏ. Thủy điện Đăk Mek 3 có công suất 7,5MW, vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng.

Còn tại thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), suốt thời gian qua người dân phía hạ lưu cũng sống trong lo lắng, khi đập thủy điện bị nứt, nước chảy lênh láng, động đất lại thường xuyên xảy ra. Mỗi lần xảy ra động đất người dân lại phải chạy lên rừng vì sợ vỡ đập. Trong khi Bộ Xây dựng vẫn một mực khẳng định đập an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới đại biểu Quốc hội hôm 5/6, cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình và dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290 MW.

Đến nay, có 239 công trình hoàn thành xây dựng và vận hành phát điện, 217 công trình đang thi công xây dựng; 294 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 360 dự án chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm.

Trong năm qua, Bộ này đã rà soát và loại khỏi quy hoạch 116 dự án thủy điện nhỏ và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí có tiềm năng khai thác.

  • P.V (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc