Cho trẻ ăn quá mặn
Sai lầm lớn nhất chị em hay mắc phải khi nấu cháo cho trẻ là cho thêm quá nhiều gia vị. Theo các chuyên gia, trẻ từ 1 tuổi trở lên mới nên ăn thức ăn có gia vị. Trước đó, trẻ nên ăn thực phẩm với vị nguyên bản. Bởi ăn gia vị sớm dễ gây rối loạn vị giác, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng chán ăn và biếng ăn ở trẻ
Cho bé ăn đồ nghiền nhuyễn
Nhiều mẹ lạm dụng máy xay sinh tố trong khi chế biến đồ ăn cho con nên nhiều trẻ lớn 3-4 tuổi, mọc đầy đủ răng rồi vẫn phải ăn đồ nghiền nhuyễn vì cứ ăn lợn cợn là bị nôn ói. Vì vậy, trẻ không có phản xạ nhai, dịch vị không được kích thích nên không cảm nhận mùi vị thức ăn, không có cảm giác ăn uống là một việc thú vị, lâu ngày bé rất dễ biếng ăn.
Cho rau củ cùng lúc với thịt, cá
Nhiều mẹ có thói quen cho nước cốt rau củ tan vào cháo ngay từ đầu mà không biết rằng việc làm này sẽ khiến cháo bị nồng làm cho trẻ khó ăn, đồng thời lượng vitamin có trong rau củ cũng bị hao hụt. Vì thế, các mẹ cần nhớ khi cháo, thịt và cá chín mới cho nước cốt rau hoặc rau đã băm nhỏ vào, nấu sôi, sau đó, nhấc xuống để nguội rồi cho bé ăn.
Nấu cháo bằng nước xương hầm
Rất nhiều bà mẹ ngày nào cũng hầm xương để nấu cháo cho con ăn vì nghĩ rằng nước những chất bổ sẽ tan trong nước và bé hấp thu đầy đủ các chất này. Việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
Vo gạo quá kỹ dẫn đến mất chất
Trước khi nấu cháo cho bé, mẹ không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Mẹ chỉ nên cho gạo vào xoong, nồi… khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn. Khi nấu cháo cho bé chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1.
Nấu một nồi cháo lớn và đun lại
Do quá bận rộn, một số bà mẹ đã phải làm cách này vì thời gian hầm một nồi cháo khá lâu, mà bé lại ăn mỗi bữa không nhiều. Điều này làm cho cháo mất chất đồng thời khiến cháo kém ngon bé ăn không được nhiều.