Tôi vốn biết Hùng là một người cẩn thận và tháo vát. Bố mẹ tôi rất ưng anh ở điểm đó nên khi đám cưới của chúng tôi được tổ chức, bố mẹ vui lắm nói rằng, đời này, tôi sẽ được hưởng phúc an nhàn vì tôi đã lấy được tấm chồng tốt. Nhưng người đời vẫn nói, trong phúc có “họa”, dù cái “họa” mà tôi gặp phải rất nhẹ nhàng song nó vẫn khiến cuộc sống của tôi không được hạnh phúc trọn vẹn…
Tôi tên Tuệ, năm nay 27 tuổi. Tôi đã lập gia đình 2 năm nay. Hùng hơn tôi 3 tuổi. Khoảng cách 3 tuổi đối với nhiều người là nhỏ nhưng anh luôn cho rằng chúng tôi cách xa nhau về suy nghĩ, cách sống vì 3 năm chênh lệch đó.
Có lẽ do vậy mà Hùng đối với tôi theo cách của một người chồng, lại thêm của một người anh và tệ nhất là theo cả cách của một người cha đối với con gái. Tôi quen Hùng trong một buổi tiệc chiêu đãi của công ty.
Anh là đại diện của công ty đối tác. Ấn tượng ban đầu của tôi về người đàn ông này rất tốt. Anh là người điềm tĩnh, ăn nói có duyên và có một bề ngoài khá ưa nhìn. Vì công việc của công ty nên tôi và Hùng thường xuyên phải gặp nhau để trao đổi.
Dần dần, ngoài những cuộc hẹn với lí do giải quyết công việc, chúng tôi có thêm những cuộc hẹn bạn bè rồi tìm hiểu và yêu nhau. Yêu nhau được 3 tháng thì tôi và Hùng làm đám cưới. Bạn bè nói tôi vội vàng quá vì 3 tháng chưa đủ để hiểu về một con người.
Còn tôi lại thấy chừng ấy là đủ, nếu đã hiểu hết về đối phương thì khi đã thành vợ chồng, sẽ chẳng còn có gì thú vị nữa. Bố mẹ tôi rất ủng hộ chuyện này. Sau đám cưới, tôi và Hùng ở riêng. Cái “họa” của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Xem chừng ước mong được làm một cô vợ đảm, một nàng dâu hiền của tôi khó lòng mà thực hiện được bởi ông chồng quá “đảm” của mình. |
Chồng tôi là con cả, dưới anh còn một em trai. Lúc nhỏ, vì bố mẹ thường xuyên vắng nhà nên Hùng phải thay mẹ trông em, cơm nước và giặt giũ. Tôi vẫn thường trêu chồng là “trai đảm” vì việc gì anh cũng biết làm mà làm lại rất nhanh và gọn ghẽ.
Mọi việc trong nhà, chồng đều tranh làm với tôi. Mới đầu, tôi thích thú với điều đó bởi mấy ai có được người chồng sẵn sàng san sẻ việc nhà với vợ như chồng tôi. Nhưng sau tôi thấy sự đảm đang của chồng là quá đà.
Buổi sáng, Hùng luôn dậy vào lúc 5 giờ để đi chợ vì đó là lúc thực phẩm tươi nhất và đặc biệt, anh sẽ mua được đồ với giá rẻ hơn. Khi tôi dậy thì đồ ăn sáng đã xong xuôi, nhà cửa cũng đã được lau dọn tinh tươm. Thậm chí anh cũng đã phơi quần áo xong.
Ăn sáng xong, Hùng còn nhất định tranh chuyện rửa bát với tôi cứ như thể không được làm việc nhà thì anh sẽ ngứa ngáy chân tay, thấy khó chịu, bực bội trong người. Tôi có góp ý với chồng thì anh chỉ cười rồi nói: “Anh quen rồi”.
Hai vợ chồng tôi đều đi làm, công việc của Hùng còn có phần bận rộn hơn tôi vì anh làm trưởng phòng nên đương nhiên sẽ có nhiều việc phải lo hơn. Thế nhưng đó là việc ở công ty, còn việc nhà Hùng vẫn cứ luôn tranh làm với tôi và hớn hở khi được tôi chiều theo ý muốn.
Việc làm đầu tiên của Hùng khi về nhà sau một ngày làm việc bao giờ cũng là đi ngay vào bếp để đặt trước nồi cơm. Xong xuôi, anh mới đi thay quần áo rồi bắt đầu quay lại bếp để làm thức ăn.
Tôi nói không thích ăn cơm sớm thì Hùng sẽ ngưng chuyện nấu nướng lại mà đi tìm chổi để quét nhà hoặc sẽ đi thu quần áo, gấp gọn gàng, cất ngăn nắp vào từng ngăn tủ. Tức là anh luôn luôn tìm được việc để làm khi ở nhà.
Thấy chồng cứ liên tục chạy chỗ này chỗ kia, làm việc này việc nọ, tôi cũng không thể cứ ngồi yên để mặc anh làm một mình. Thành ra, chồng quét nhà thì tôi sẽ lau nhà, chồng rửa ấm chén thì tôi lau bàn…
Có những hôm đi làm về, thấy mệt trong người, tôi muốn nghỉ ngơi nhưng thấy chồng cứ luôn tay luôn chân nên tôi cũng không dám vào buồng nằm nghỉ một chút vì chỉ sợ đang ngủ, mẹ anh bất thình lình sang chơi.
Sự đảm đang của Hùng đã gây cho tôi không ít rắc rối từ phía nhà chồng. Hầu như lần nào mẹ chồng tôi sang chơi, bà cũng thấy con trai mình đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong bếp, chiếc tạp dề trên người anh đeo đủ thứ thìa dĩa.
Không phải tôi lười nấu ăn mà là bởi Hùng nói tôi nấu không hợp khẩu vị của anh nên anh nhất định không cho tôi động tay vào chuyện bếp núc. Nhưng mẹ chồng thì không nghĩ câu chuyện theo chiều hướng như vậy. Bà đương nhiên vì thế mà có ác cảm với tôi.
Chưa kể đến chuyện, nhà nội có giỗ, vợ chồng tôi đã bàn nhau rõ ràng là sẽ cùng nhau đi chợ và cùng sang nhà bố mẹ thế mà Hùng vẫn không bỏ được thói quen đi chợ từ lúc 5 giờ sáng.
Đi chợ xong, anh cũng không về nhà gọi tôi dậy để đi sang nhà bố mẹ cùng mà một mình ôm đống thức ăn đi thẳng đến nhà bố mẹ mình. Khi tôi giật mình dậy thì đã là 8 giờ sáng. Vội vàng sang nhà bố mẹ chồng thì chồng tôi đã tay dao tay thớt lo liệu xong xuôi cỗ bàn.
Tôi đỏ dừ mặt vì xấu hổ với họ hàng nhà nội nhưng cũng chỉ biết cười trừ rồi vào bếp làm vài việc vặt còn lại.
Sau lần ấy, tôi rất giận chồng. Tôi nói với Hùng: “Từ giờ, tất cả việc nhà anh phải để em lo. Chỉ khi nào em nhờ thì anh mới được làm”. Hùng gật đầu đồng ý nhưng chỉ được vài bữa là mọi việc lại đâu vào đấy. Tôi không cho chồng đi chợ sớm bằng cách buổi tối khóa cổng bằng chìa khóa khác.
Thế mà anh vẫn mua được đồ bằng cách cứ đứng ở cổng, có cô bán rau nào gánh hàng qua thì gọi với vào. Bị tôi bắt gặp thì anh gãi đầu cười trừ nói: “Anh quen rồi, em cứ kệ anh”.
Để chồng không động tay động chân vào việc nhà, chiều nào tôi cũng về sớm hơn anh để lau dọn nhà cửa và chuẩn bị cơm tối. Nhưng Hùng luôn luôn tìm ra việc để làm. Có khi, anh đùng đùng dọn hết bát đũa ra rửa lại hay hì hụi ngồi lau dọn tủ lạnh để đợi tôi làm cơm.
Chồng làm, tôi vừa giận vừa buồn cười. Bạn tôi bảo tôi dại, có phúc không biết hưởng lại cứ than khổ. Tôi chỉ biết cười bởi nỗi khổ chồng đảm chỉ có mình tôi biết. Thi thoảng, tôi còn bị bố mẹ gọi về nhà để giáo huấn tội làm vợ không tròn trách nhiệm.
Mẹ tôi nói: “Lần nào tôi sang, tôi cũng thấy anh Hùng đang nấu cơm hoặc quét nhà hoặc rửa bát là thế nào? Nó là đàn ông, chị phải giữ sĩ diện cho nó chứ. Cái kiểu ở đâu mà việc nhà lại để chồng làm hết như thế?”.
Tôi giải thích rằng đấy là do chồng tự làm chứ tôi không hề ép nhưng mẹ vẫn đổ lỗi sai cho rồi rồi lừ mắt: “Liệu liệu mà sửa đấy”.
Sự “đảm” của chồng tôi càng phát ra mạnh mẽ hơn khi tôi mang thai đứa con đầu lòng. Anh tuyệt đối không để cho tôi động vào bất cứ việc gì trong nhà. Tôi nói chồng để tôi vận động sau này sinh con cho dễ thì anh gạt đi: “Nếu muốn vận động thì tối anh đưa em đi dạo là được rồi”.
Không nói được chồng, tôi đành ngồi im cho anh chăm sóc. Có những lúc tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những gì anh làm nhưng cũng có những lúc, tôi cảm thấy khó chịu. Nhà chồng vẫn giữ thái độ ghét móc đối với tôi.
Ai cũng cho rằng tôi là một người vợ ghê gớm, bắt chồng làm mọi việc. Có lần, tôi nghe được mẹ chồng than thở với hàng xóm: “Nghĩ tới thằng Hùng nhà tôi mà tội nghiệp. Vợ nó lười lắm. Đợi nó sinh con xong rồi thì tôi sẽ phải dạy dỗ lại”.
Tôi kể chuyện với Hùng, trách móc anh tranh hết việc nhà của tôi, anh cứ cười rồi nói sẽ sửa, sẽ sửa. Nhưng với tính cách của Hùng, tôi nghĩ chuyện sẽ sửa của anh có lẽ còn lâu nữa mới diễn ra.
Chỉ còn còn hơn 3 tháng nữa là tôi sinh cháu đầu lòng. Chồng tôi vẫn ngày ngày lo cơm nước, nhà cửa tinh tươm cho vợ được nghỉ ngơi. Mẹ chồng qua chơi chỉ lắc đầu tỏ vẻ khó chịu rồi đi về. Hùng cười, nói: “Em đừng trách mẹ. Cứ sinh cháu xong cho bà là bà yêu hết”.
Tôi không trách mẹ chồng. Nếu tôi ở cương vị là một người mẹ, thấy con trai mình làm lụng mọi việc như thế, tôi tất nhiên cũng sẽ không có thiện cảm với con dâu. Giờ tôi chỉ nghĩ cách làm sao để chồng bớt “đảm” và đồng ý để tôi làm việc nhà.
Nhưng xem chừng ước mong được làm một cô vợ đảm, một nàng dâu hiền của tôi khó lòng mà thực hiện được bởi ông chồng “đảm” ngày ngày vẫn ngâm nga: “Em cứ ngồi ngắm hoa/ Em cứ ca cứ hát/Anh sẽ lo rửa bát/Anh sẽ lo quét nhà/Anh sẽ lo giặt là…”
- Nguyễn An Tuệ (Hà Nội)
[links()]