Năm 1979, vợ chồng anh Tan Kuen Chai và chị Lee Mei Ying cùng 4 người con sinh sống hạnh phúc ở khu chung cư thu nhập thấp Geylang Bahru, Singapore. Trước khi xảy ra án mạng kinh hoàng, ba cậu con trai lớn theo học tại trường Tiểu học Bendemeer còn cô em út được gửi tới trường Mầm non PAP gần nhà. Hai vợ chồng sống bằng nghề làm dịch vụ đưa đón học sinh đi học mỗi sáng. Anh Tan lái xe còn chị Lee quản lý lũ trẻ.
6h35 ngày 6/1/1979, hai vợ chồng bắt đầu công việc mỗi ngày. Do họ đi làm sớm và trường học của 4 đứa trẻ gần nhà nên họ để các con ngủ tiếp. Đến 7h10, chị Lee tới bốt điện thoại công cộng gọi về nhà để đánh thức lũ trẻ. 3 cuộc liên tục nhưng không ai bắt máy, chị được đáp trả bằng một hồi chuông dài.
Cho rằng lũ trẻ lại ngủ quên, chị gọi sang nhà hàng xóm nhờ đánh thức các con mình dậy đi học. Tuy nhiên, khi người hàng xóm sang gõ cửa thì cũng lại lại sự im lặng và báo tình hình như vậy cho chị Lee.
10h, hai vợ chồng trở về nhà và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khiến họ ám ảnh cả đời: 4 đứa trẻ bị giết cạnh nhau trong nhà tắm. Nền nhà, tường, đồ đạc đầy máu. 4 đứa trẻ bị chém nhiều nhát vào đầu, mặt và tay, trên mình vẫn mặc nguyên quần dài và áo phông.
Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường và kết luận 4 đứa trẻ tội nghiệp đã tử vong. Các em là Tan Kok Peng (10 tuổi); Tan Kok Hin (8 tuổi); Tan Kok Soon (6 tuổi) và em gái út Tan Chin Nee (5 tuổi).
Theo phía cảnh sát, trong vòng 40 phút sau khi bố mẹ rời đi, 4 đứa trẻ đã bị đâm, chém bằng một chiếc dao chặt và dao găm. Người anh lớn Kok Peng đã dũng cảm chiến đấu với kẻ sát nhân để bảo vệ các em nên cánh tay phải của cậu bé gần như đứt rời cùng 20 vết chém trên người.
Đặc biệt, điều thách thức cảnh sát chính là mọi dấu vết của kẻ sát nhân đã được dọn sạch sẻ. Mặc dù khắp nơi là máu nhưng không hề có một vết chân, dấu vân tay hay một thứ gì để điều tra ra thân phận của kẻ sát nhân. Chỉ trong vòng 40 phút, tên máu lạnh này đã giết được 4 đứa trẻ và xoá sạch hiện trường là một điều khó hiểu.
Cảnh sát cũng cho biết kẻ sát nhân phải là người thân quen với gia đình vì họ không tìm được dấu vết nào ở cửa ra vào và cửa sổ. Đồng thời, 2 tuần sau tên này đã gửi cho vợ chồng anh Tan một lá thư, phần người nhận ghi tên thân mật bằng chữ Hán của cặp vợ chồng là "Ah Chai" và "Ah Eng" - cái tên mà chỉ những người thân thiết mới biết - càng chứng tỏ hung thủ là người thân quen. Nhưng điều khó hiểu là ở chỗ, nếu là người quen biết tại sao lại tàn nhẫn giết 4 đứa trẻ vô tội như vậy?
Nội dung lá thư bí ẩn như sau:
“Bây giờ các người đã không còn con nữa. Ha ha ha.
Chết chưa? Các người không còn con trai nối dõi”.
Cảnh sát cho rằng kẻ sát nhân đang giễu cợt họ. Lý do là sau khi sinh con gái út, vợ chồng anh Tan cho rằng 4 con đã đủ nên tiến hành triệt sản.
Đích thân Đội điều tra đặc biệt thuộc Phòng điều tra hình sự Singapore lúc bấy giờ đã tham gia phá án nhưng vụ án vẫn đi vào ngõ cụt. Đội điều tra nghi ngờ động cơ gây án có thể là trả thù, thế nhưng, vợ chồng họ Tan khẳng định trước giờ họ chưa hề gây thù chuốc oán với ai.
Ngày 7/1/1979, một ngày sau khi xảy ra vụ án, các điều tra viên đã thẩm vấn hai người phụ nữ được liệt vào dạng tình nghi nhưng rốt cuộc vẫn phải thả ra vì không đủ chứng cơ. Mặc dù đã lấy lời khai của hơn 100 người hàng xóm của gia đình nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm được thông tin cần thiết để phá án.
Người dân quanh đó khẳng định có người đã nhìn thấy bé Chin Nee đang vật lộn chống lại một người đàn ông từ tòa nhà bên cạnh nhưng hiện danh tính của nhân chứng đó vẫn chưa được tìm ra.
Một người hàng xóm của gia đình Tan, bà Yam Yin Tin, 68 tuổi cho biết, bà thường ngồi ở hành lang chung của tòa nhà để trông lũ trẻ chơi đùa nên nếu có người lạ ra vào là bà biết ngay. Nhưng đúng sáng hôm xảy ra vụ thảm sát, bà lại đi gội đầu nên không để ý liệu có ai khả nghi ra vào căn hộ nhà Tan không.
Một người lái taxi cũng cung cấp thông tin, khoảng 8h sáng hôm đó, có 1 người đàn ông tầm 20 tuổi bước đi lảo đảo đã vẫy taxi của anh ta gần tòa 96 dọc đường Kallang Bahru, gần nơi xảy ra vụ án. Tài xế taxi cho biết người đàn ông này có vết máu vương lại bên sườn trái và có mang theo một con dao. Anh phát hiện ra điều đó khi nghe tiếng va chạm với cửa xe khi trả khách ở đường Lavender.
Dựa theo lời mô tả của người tài xế, anh Tan nghĩ ngay đến một người hàng xóm thân thiết ngày nào cũng sang nhà gọi điện thoại nhờ và vẫn được lũ trẻ gọi là "Chú". Khi được cảnh sát yêu cầu nhận mặt người đàn ông đã lên xe hôm đó, tài xế taxi đã chỉ ngay người hàng xóm. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều tra, cảnh sát buộc phải thả người đàn ông này ra vì không đủ chứng cứ buộc tội.
Sau thảm kịch gia đình, vợ chồng anh Tan đã dừng thầu dịch vụ đưa đón học sinh và chuyển qua tìm việc tại một nhà máy sản xuất túi nilon. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật phục hồi chức năng sinh sản, chị Tan đã đậu thai thành công. Ngày 30/12/1983, ở tuổi 35, anh chị Tan lại vỡ òa khi sinh được một bé trai. Sau đó họ sống bí ẩn ở nơi không ai biết. Có lẽ, anh chị sợ con trai mình sẽ gặp nguy hiểm.
Gần 40 năm trôi qua, đến nay vụ thảm sát vẫn chưa có manh mối. Không ai biết, chỉ 40 phút đã có những chuyện gì xảy ra?