Chiều 26/11, các cơ quan ban ngành xã Vĩnh Hoà Phú và huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đến làm việc với cha ruột và mẹ kế cháu Nguyễn Huỳnh Ngọc T. Qua đó, mẹ ruột cháu T. đề nghị cơ quan chức năng khẩn cấp cách li cháu khỏi cha ruột và mẹ kế.
Làm việc với đoàn công tác, chị Trần Thị Kiều T. (SN 1991), mẹ kế của bé T., luôn miệng khẳng định mình rất thương bé. Chị này kể: "Lúc bé bị bỏng thì tôi không thấy vì khi nướng giò heo bằng bếp nướng điện xong, tôi ra đằng sau rửa giò heo. Khi đó tôi để máy nướng lên bàn cho nguội để lau chùi. Tôi không biết làm sao mà bé T. la lên nói mẹ ơi con nóng.
Tôi mới chạy vô xem thì thấy có mấy vết đỏ. Tôi có hỏi sao vậy thì nó nói con đi vấp sợi dây điện, mỡ văng trúng người. Còn ông xã tôi thì lúc đó đang nằm ở võng bên ngoài phòng khách”.
Anh Nguyễn Văn Hòa - cha ruột bé T. - không lí giải được vì sao các vết bỏng trên người cháu T. to và dài, không giống những vết dầu mỡ văng vào người.
Tuy nhiên, qua quan sát những vết thương trên mặt và 2 cánh tay của bé T. có thể thấy những vết bỏng dài, hình chữ nhật, không giống vết dầu mỡ. Mẹ kế và cha ruột của bé T. cũng không thể lý giải được vì sao những vết bỏng lại có hình dáng như vậy.
Khi đoàn công tác đến nhà, bé Nguyễn Huỳnh N.T. rất sợ sệt, luôn đưa mắt nhìn mẹ kế mỗi khi nói chuyện. Nhiều người cho biết bé bị bạo hành nhưng không dám ra mặt làm chứng vì sợ. Hiện nay ba ruột và mẹ kế của bé T. đang làm nghề cầm hụi. Được biết, anh Hòa lấy vợ sau vào tháng 6/2016 và hiện nay cả 2 cha con đều đang ở bên nhà vợ.
Chị L. là một người dân sống gần đó cho biết: “Tôi thấy bé bị đánh lâu rồi, cách đây cũng mấy tháng nay rồi, ngày nào cũng đánh hết, không ngày nào bé không bị ăn đòn, bị hù dọa vứt xuống sông. Nhỏ này nó không dám khóc đâu. Ở đây ai cũng thấy nhưng không ai dám nói, bây giờ quá lắm nên mới nói".
Chiều 26/11, các cơ quan chức năng đã yêu cầu cha mẹ bé T. đưa bé đến trạm y tế xã để kiểm tra sức khỏe và chăm sóc vết thương.
Trong khi đó, mẹ ruột và gia đình bên ngoại bé T. yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp cách li khẩn cấp con gái của mình khỏi cha ruột và mẹ kế để bảo vệ an toàn cho bé.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đứa bé, cơ quan chính quyền cần phải đưa ra những biện pháp cụ thể, nhất là trường hợp người gây ra hành vi bạo hành lại chính là cha ruột của bé gái...
Theo lời bé T., hằng ngày bé thường xuyên bị mẹ kế và cha ruột đánh đập (trên đỉnh đầu bé T. cũng có vết thương lõm khiến vùng xương sọ tại đây mềm bất thường). Khoảng 3 ngày trước, bé bị cha dùng 1 thanh sắt nung đỏ trên bếp ga rồi dí vào 2 bên cánh tay.
Hàng xóm nhà bé T. còn cho biết thêm, có hôm họ chứng kiến ông Hòa (cha ruột bé) mang con ra trấn nước (một hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt, làm ngạt thở và hít nước vào phổi, gây ra cảm giác tương tự khi bị ngạt nước và sắp sửa chết đuối). Nhiều người lên tiếng can ngăn đều bị Hòa hăm dọa đâm chết.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã yêu cầu chính quyền xã Vĩnh Hòa Phú phải có biện pháp cách ly cháu T. với cha ruột và mẹ kế. Công an huyện cũng đã vào cuộc để điều tra dấu hiệu bạo hành đối với những người gây ra thương tích cho cháu.
Phóng viên Báo điện tử Infonet đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Phóng viên: Thưa luật sư, trong vụ việc trên, khi chính quyền đưa lệnh cách ly khỏi bố mẹ thì người bố không đồng ý cho mang con đi, không ký biên bản và chính quyền không thể làm gì, trong trường hợp này, chính quyền địa phương có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi cho bé gái?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Hiện nay, bạo hành trẻ em đang là vấn đề nhiều người quan tâm và lo ngại. Vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Kiên Giang bị chính cha ruột và mẹ kế hành hạ đã gây hoang mang trong dư luận trong thời gian vừa qua.
Có thông tin cho rằng, do người cha không đồng ý cho chính quyền mang con đi, không ký biên bản nên chính quyền địa phương không thể làm gì, vấn đề này được quy định rõ tại khoản 3 Điều 52 Luật Trẻ em 2016 về kế hoạch hỗ trợ, can thiệp:
Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.
Đối chiếu với trường hợp trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có thể đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ, người chăm sóc hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc và áp dụng biện pháp thay thế.
Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đứa bé, cơ quan chính quyền cần phải đưa ra những biện pháp cụ thể, nhất là trường hợp người gây ra hành vi bạo hành lại chính là cha ruột của bé gái. Việc chính quyền không làm gì khi người bố từ chối giao con, điều này là chưa phù hợp với thẩm quyền mà quy định của pháp luật đã đặt ra cho chính quyền.
Nếu vụ việc này không được nhà trường phát hiện thì việc bạo hành sẽ còn diễn ra kéo dài, cuộc sống của bé gái sẽ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu thật sự bé gái bị bạo hành dã man sẽ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của cháu bé.
Phóng viên: Vậy có cách nào để giải thoát được bé gái này khỏi bàn tay của những kẻ bạo hành một cách đúng đắn theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan điều tra cần phải xác định quyền nuôi của người bố là do Tòa án đưa ra quyết định hay là người giám hộ đương nhiên của đứa bé. Nếu trong trường hợp cần thiết, người giám hộ sẽ được thay đổi theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015.
Bên cạnh đó, nếu là trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật Dân sự 2015 này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015.
Người mẹ có quyền trở thành người giám hộ đương nhiên và nuôi dưỡng đứa bé, theo đó, khi sử dụng biện pháp cách ly sẽ có thể giao đứa bé cho người mẹ chăm sóc. Vậy cần phải xác định người mẹ ruột đang ở đâu? Điều này là cần thiết đối với việc bảo vệ quyền lợi của bé gái.
Ngoài ra, trong trường hợp “Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em” (theo Khoản 2 Điều 62 Luật Trẻ em 2016) có thể thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 61 Luật Trẻ em 2016 gồm: Chăm sóc thay thế bởi người thân thích; Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích; Chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi, việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Do đó như đã nói ở trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có thể làm đơn đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền nuôi con của người cha hoặc tạm thời cách ly bé gái khỏi người cha và áp dụng biện pháp thay thế.
Phóng viên: Quan điểm của luật sư về vụ việc này như thế nào?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo như lời khai của đứa bé: bé thường xuyên bị mẹ kế và cha ruột đánh đập. Khoảng 3 ngày trước khi nhà trường phát hiện, bé bị cha dùng 1 thanh sắt nung đỏ trên bếp ga rồi dí vào 2 bên cánh tay. Tuy nhiên bố cháu lại khai là do bé tự ngã, như vậy đã có sự mẫu thuẫn trong lời khai của hai bên.
Theo quy định tại khoản 3 DDiều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, “việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật này phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó”.
Theo đó, bé không thể độc lập mà phải có người đại diện theo pháp luật là bố, mẹ cháu. Nhưng ở đây, bố cháu bé – người giám hộ của bé lại chính là người đưa ra lời khai trái ngược lại lời kể của em. Vậy, cơ quan điều tra cần phải đánh giá và xác minh làm rõ lời khai của em bé, cùng với lời khai của những người chứng kiến như hàng xóm... để có thể làm rõ vụ việc.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền, lợi cho bé gái, cơ quan có thẩm quyền cần cử người mẹ làm người giám hộ trực tiếp cho em, nếu người mẹ không chấp nhận tham gia thì có thể đề cử người giám hộ theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, những vụ việc liên quan tới vấn đề bạo hành trẻ em xảy ra ngày càng nhiều và gây ra bức xúc lớn cho người dân. Trẻ em vốn là những đối tượng dễ tổn thương và cần được bảo vệ nhiều nhất. Bảo vệ trẻ em là việc cần thiết và phải có những biện pháp cụ thể.