Vụ bé trai tử vong ở hồ bơi Cung văn hóa Lao động TP.HCM: Gia đình được bồi thường 122 triệu

( PHUNUTODAY ) - Cho rằng con trai chết đuối do Cung văn hóa Lao động TP HCM tắc trách, không có biện pháp an toàn cho người bơi nên gia đình nạn nhân khởi kiện.

Chiều 11/10, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên án vụ kiện liên quan đến cái chết của cháu bé trong hồ bơi Cung Văn hóa Lao động TP. HCM sau thời gian nghị án kéo dài. Tòa tuyên buộc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM phải bồi thường hơn 122 triệu đồng cho gia đình cháu QVT, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.

chet-duoi-1-phunutoday.vn

Hai vợ chồng nguyên đơn - cha và mẹ của cháu bé tử vong trong hồ bơi đang nghe tòa tuyên án. Ảnh PLO. 

Trước đó, vào chiều 6/8/2015, khi đó bé T. (11 tuổi) cùng nhóm bạn vào bơi trong Cung Văn hóa Lao động trên đường Huyền Trân Công Chúa ở phường Bến Thành, quận 1. Hồ bơi này dài khoảng 50 m, sâu hơn 2 m và chỉ dành cho người lớn. Một lúc sau, không thấy cháu T. đâu, mọi người đi tìm và phát hiện bé dưới đáy hồ nhưng không cứu kịp.

Sau tai nạn, gia đình nạn nhân không yêu cầu giám định tử thi cháu T. Đại diện Cung Văn hóa Lao động TP.HCM có đến thăm viếng và hỗ trợ gia đình nạn nhân 40 triệu đồng.

Do hai bên không thống nhất được các khoản bồi thường nên cha mẹ cháu T. khởi kiện yêu cầu Cung Văn hóa Lao động TP.HCM bồi thường 270 triệu đồng, gồm các khoản mai táng phí (30 triệu đồng), chi phí làm mồ mả (30 triệu đồng) và bù đắp tổn thất tinh thần 210 triệu đồng (60 tháng lương tối thiểu vùng, mỗi tháng 3,5 triệu đồng).

chet-duoi-2-phunutoday.vn

 Cung văn hóa Lao động nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: Hải Thuận.

Bà O., mẹ cháu T. cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của con trai hoàn toàn do lỗi của đơn vị chủ quản hồ bơi. Họ không có các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho người bơi, không có người cứu hộ kịp thời, báo Vnexpress đưa tin.

"Tùng là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi. Chúng tôi đã dành tất cả tình yêu thương và hi vọng cho cháu. Sự ra đi đột ngột của cháu là mất mát không gì bù đắp được... Cung Văn hóa Lao động phải có trách nhiệm bồi thường khi tính mạng của cháu bị xâm phạm", người mẹ viết trong đơn.

Tại tòa hôm nay, bà O. nhiều lần bật khóc khi nhắc đến tai nạn của con. Phía bị đơn - Cung văn hóa Lao động chỉ đồng ý hỗ trợ gia đình nạn nhân 120 triệu đồng.

“Tôi đến đây không phải để bán con. Tôi cần hỗ trợ chủ yếu để có tiền nhờ y học can thiệp cho tôi có lại một đứa con khác để vơi đi phần nào nỗi đau…” - chị O. nức nở.

HĐXX TAND quận 1 cho rằng Nghị định 122/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động bằng hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, 3,5 triệu đồng/tháng là mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (vùng I có một số quận/huyện thuộc địa bàn TP.HCM).

Đây không phải mức lương làm cơ sở để giải quyết yêu cầu bù đắp tổn thất về tinh thần. Từ đó tòa áp dụng mức lương 1.210.000 đồng làm mức lương căn bản để giải quyết vụ án.

Đối với khoản tiền 40 triệu đồng, xét ngay thời điểm nạn nhân vừa mất, bị đơn đến viếng, chia buồn và gửi tiền hỗ trợ được hai bên thừa nhận,vì vậy đề nghị khấu trừ của bị đơn là không có cơ sở. Tổng cộng các khoản, tòa buộc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM chỉ phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 122 triệu đồng.

Lý và tình trong nỗi đau mất mát

Trong phiên xử trước, Chị O. (mẹ cháu T.) đã sụt sùi, nước mắt không ngừng rơi suốt cả phiên xử. Luật sư hai bên đưa ra quan điểm tranh luận gần như mặc cả về việc cấn trừ hay không số tiền 40 triệu đồng, vô tình nhắc nhiều đến tình tiết đau thương. Vì thế, tiếng nấc của chị lại dồn dập, làm thắt lòng cả khán phòng.“Tôi đến đây không phải để bán con. Tôi cần hỗ trợ chủ yếu để có tiền nhờ y học can thiệp cho tôi có lại một đứa con khác để vơi đi phần nào nỗi đau…” - chị O. nức nở.

Chủ tọa giải thích: “HĐXX chia sẻ mất mát với gia đình nguyên đơn. Chúng tôi là phụ nữ, chúng tôi hiểu nỗi đau của chị. Đặc biệt với chị O., chị phải vượt qua bao khó khăn mới sinh được cháu T. thì nỗi đau lại càng lớn. Chính vì vậy mà phiên tòa này… nặng lòng dữ lắm. Có lẽ chúng ta không nên nhắc nhiều về chuyện này. Ngay từ đầu, phía cung văn hóa luôn đặt vấn đề sẽ bồi thường và hỗ trợ, điều này cho thấy thiện chí cũng như ý chí của bị đơn đã nhận mình có lỗi”.

Chủ tọa nói rằng tranh chấp rất rõ của vụ án này là mức lương áp dụng bồi thường. Vì có những quan điểm không thống nhất với nhau về mức áp dụng thì hãy để HĐXX quyết định, nếu không đồng ý, các đương sự có quyền kháng cáo.

Một vị hội thẩm tiếp lời: “Có lẽ hai bên cần có sự chia sẻ, cảm thông nhiều hơn những quy định của luật lệ. Dù rằng cung văn hóa là một đơn vị, thu chi phải có hóa đơn, chứng từ nhưng nếu trong điều kiện cho phép thì hãy sẵn sàng chia sẻ với gia đình, bởi sự mất mát này không thể đo đếm được.

Trong cái tình có cái lý và trong cái lý có cái tình. Tôi cứ đắn đo giữa bồi thường và hỗ trợ, vì hai từ này khác nhau xa lắm. Nhưng trong phiên tòa này mà tách ra thì nó nặng nề vô cùng. Trong những ngày đầu, phía cung văn hóa đến thăm gia đình và gửi tiền hỗ trợ. Tôi nghĩ hoàn toàn hợp lý. Cái rủi ro này không ai mong muốn...”.

Vị hội thẩm đề nghị cung văn hóa xét cái tình lớn hơn, hai bên có thể chia sẻ với nhau, để chị O. có điều kiện mà sinh một đứa con khác.

Không khí phiên tòa như chùng lại, các luật sư vẫn tiếp tục tranh luận nhưng bớt gay gắt hơn, hai bên vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận chi phí mai táng 30 triệu đồng và áp dụng mức lương cơ sở mà bị đơn đề ra.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn