17 người gặp thảm nạn: 7 người chết, 10 người nhập viện mà 2 trong số đó vĩnh viễn mất chân là hậu quả của tai nạn thảm khốc ngày 9/12 trên đỉnh đèo Kéo Pựt, Cao Bằng. Và còn xót xa hơn khi nhận ra rằng, lẽ ra, vụ tai nạn đã không cướp đi nhiều sinh mạng đến thế.
Giá như …
Trước thời điểm xảy ra tai nạn tại km 300+3 quốc lộ 3 thuộc khu vực xóm Pác Vầu, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, một chiếc xe tải trọng 1,5 tấn mất lái lao xuống vực sâu gần 10m. Người đi đường và người dân địa phương tập trung phía trên đường quan sát vụ việc và tìm cách giải cứu tài xế xe tải đang mắc kẹt trong cabin. Rồi chiếc container mang biển số 15C - 02182 do tài xế Trương Văn Thái, sinh 1973, trú tại An Dương, Thành phố Hải Phòng điều khiển lao tới.
Thấy đám đông trước mặt, tài xế đạp chân phanh khiến thùng container văng ngang, quất vào 17 người và 6 chiếc xe đang dừng trên đường khiến họ rơi xuống vực. Bốn người tử nạn tại chỗ, những người còn lại bị thương rất nặng. Chỉ những người đang ở dưới vực cứu hộ xe tải không bị hề hấn gì.
Lực lượng chức năng tới hiện trường vụ tai nạn. |
Anh Hoàng Văn Dũng, xóm Pác Vầu là người may mắn thoát khỏi hiện trường vụ tai nạn kể lại trong nước mắt:
“Gia đình đang nghỉ trưa thì nghe tiếng rầm rất lớn ở trên đèo. Biết có tai nạn, vợ chồng tôi vội vàng chạy lên xem thì thấy một chiếc xe tải đang nằm dưới vực. Người lái xe vẫn mắc kẹt trong cabin xe, kêu cứu thảm thiết. Tôi và một số người trèo xuống vực cứu nạn. Cánh cửa xe bị kẹt không mở được nên tôi chạy về nhà lấy xà beng. Khi tôi trở lại thì tai nạn khủng khiếp đã xảy ra. Vợ tôi đang nằm trên vũng máu. Xe gây tai nạn đang treo lơ lửng bên bờ vực, dưới gầm xe vẫn còn mấy người bị mắc kẹt, máu tuôn xối xả…”. Vợ anh Dũng nằm trong số những người tử nạn.
Chúng tôi gặp chị Chu Thị Tư, 19 tuổi ở xã Việt Chu, huyện Hạ Lang, Cao Bằng tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Cao Bằng. Chị bị cắt bỏ bàn chân trái. Người chồng mới cưới được hơn một tháng của chị là anh Bế Xuân Tùng (25 tuổi) đã tử nạn. Chị chỉ nhớ rằng, xe máy vừa dừng lại bên đường thì chiếc container lao đến hất văng tất cả xuống vực. Khi chị tỉnh dậy, thấy xung quanh là người chết và bị thương.
Chị Tư giờ vẫn nghĩ chồng mình đang nằm viện trên Hà Nội. Người nhà sợ chị sốc mà ảnh hưởng tới việc điều trị.
“Chỗ cua ấy nhiều tai nạn lắm rồi”
“Không biết đến bao giờ mới chấm dứt tai nạn ở các đoạn đường này. Cái chỗ cua ấy nhiều tai nạn lắm rồi. Dạo này, nhiều xe container qua đây, lái xe cứ phóng ào ào, người dân ai cũng bạt vía khi thấy chúng…” - Anh Dũng gạt nước mắt than thở với chúng tôi.
Đại tá Nguyễn Văn Lung, Trưởng phòng CSGT công an tỉnh Cao Bằng cũng thừa nhận, “Đèo Kéo Pựt là điểm đen về tai nạn giao thông, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. Đoạn đường này vừa dốc, trơn, vặn như vỏ đỗ…”.
Ông không giấu sự xót xa: “Giá như người dân nhớ và thực hiện khuyến cáo của lực lượng CSGT là không nên tụ tập đông người quanh các vụ tai nạn. Và nếu người dân kịp thời bẻ cành cây hoặc dùng các vật dụng cảnh báo đặt cách hiện trường 50m để lái xe biết mà giảm tốc độ thì đã không xảy ra thảm cảnh này”.
Ông Lung cho biết thêm, CSGT Cao Bằng đã khảo sát các điểm đen về tai nạn giao thông, đồng thời kiến nghị Cục Giao thông Đường bộ, UBND tỉnh đầu tư kinh phí lắp đặt các biển báo nguy hiểm, gương lồi ở đoạn cua, làm lại mặt đường ở những nơi nguy hiểm… Tuy nhiên, những đề nghị này vẫn chưa được thực hiện.
“Thời gian tới, CSGT sẽ tăng cường tuần tra, yêu cầu lái xe đi đúng tốc độ, làm chủ tốc độ; nhắc nhở cảnh báo người dân nâng cao ý thức đề phòng tai nạn” - ông Lung khẳng định.
UBND tỉnh Cao Bằng vừa mới chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Cao Bằng khẩn trương cắm biển báo cấm các loại xe container lưu thông trên các tuyến giao thông đi lại khó khăn, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, nhất là Quốc lộ 3 từ Thành phố Cao Bằng đi cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hoà). Thời gian cấm từ ngày 11 đến 12/12. Trong thời gian cấm này, các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tại các điểm đen về tai nạn giao thông. |
- Tiến Minh