Vụ thuê đất trồng lúa: Luẩn quẩn lúa ’lạ’

06:29, Thứ sáu 08/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Giống lúa đang trồng khảo nghiệm trên ruộng tại Long An không phải là giống lúa nhị ưu 838 F1 như trình bày của người thuê đất.

Khi xử phạt người trồng lúa cơ quan tỉnh tạm chấp nhật đó là giống lúa Nhị ưu 838 như giải trình của người trồng, nhưng người trồng lại nói với báo chí giống đó là Dương Hưu, một cơ quan nghiên cứu vào cuộc lại ra kết quả: chưa biết lúa gì?
[links()]

Liên quan tới vụ việc thuê đất trồng lúa ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An, khi được mời làm việc với Sở NN&PT-NT Long An, hai người thuê đất trồng lúa là Thạc sĩ Trương Quốc Ánh (Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) và ông Trần Minh Nhu (cán bộ Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam) giải trình giống lúa đang trồng ở đây là giống Nhị ưu 838 F1.

Tuy nhiên, sau đó khi trả lời một số tờ báo ông Ánh lại nói đấy là giống Dương Hưu, chưa được cấp phép.

trung-quoc-thue-dat-trong-lua-Phunutoday.vn
Giống lúa trồng tại Long An vẫn "lạ" với các nhà khoa học Việt.

Trao đổi với chúng tôi chiều 7/3, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ông chưa nghe thấy tên giống lúa Dương Hưu bao giờ, “nếu lúa đó đúng tên là Dương Hưu như ông Ánh nói thì giống này chưa được cấp phép tại Việt Nam, và tôi cũng không biết đó là giống lúa gì”, TS. Bảnh khẳng định.

Theo TS. Bảnh, nếu đấy chỉ đơn thuần là giống lúa lai thì không sao, nhưng nếu là giống có biển đổi gen thì mọi chuyện sẽ khác. Vì hiện nay câu chuyện về thực phẩm biến đổi gen vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, không phải nước nào cũng chấp nhận. Trong khi đó Việt Nam lại là nước xuất khẩu gạo lớn, nếu giống biến đổi gen phát tán ra các khu vực lúa xung quanh thì hậu quả sẽ không thể lường được.

Vì vậy, giờ cần tiếp tục khoanh vùng, cách ly để kiểm soát không cho phấn hoa phát tán ra xung quanh.

Theo đề nghị của Sở NN&PT-NT tỉnh Long An, ngày 6/3, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng vùng Nam Bộ đã đem 2 bịch giống Nhị ưu 838 F1 để đối chiếu với giống lúa đang trồng tại thửa ruộng ông Ánh đã thuê.

Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra khẳng định: Giống lúa đang trồng khảo nghiệm trên ruộng không phải là giống lúa Nhị ưu 838 F1 như trình bày của ông Ánh và ông Nhu.

Từ kết quả kiểm tra này, đoàn công tác đề nghị Sở NN&PT-NT Long An tiếp tục quản lý và xử lý ruộng “lúa lạ” theo quy định hiện hành, đồng thời xử phạt các cá nhân khai báo không trung thực.

Trước đó, sau khi vụ việc thuê đất trồng lúa và thuê người Trung Quốc (tiến sĩ Lji Wen Jiang, Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Trung Quốc) không báo cáo chính quyền, khi được mời làm việc ông Ánh và ông Nhu nói giống lúa đang trồng là Nhị ưu 838 F1, đã được Bộ NN&PT-NT cho phép, còn ông Jiang là chuyên gia thực hiện dự án.

Trong một phát biểu của mình về vụ việc này, GS. Trần Duy Quý, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, không khó để xác định mẫu giống lúa lạ của người Trung Quốc này. Chỉ cần có cây mạ, hoặc bông lúa chuyển đến Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể phân tích ngay được đây có phải là giống cây trồng biến đổi gene hay không.

Từ khi phát hiện vụ việc trên tới nay đã gần 1 tháng, dù "không khó xác định", nhưng các cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời chính thức về giống lúa "lạ" đã được trồng là lúa gì, nguy hại hay không. Chỉ có một điều chắc chắn, tới nay giống lúa trên vẫn... "lạ".

  • Lê Việt
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc