Vụ 3 du khách trong gia đình nghi bị “ngộ độc” khiến 2 người tử vong, cùng với 1 cháu bé khác tử vong khi ở chung khách sạn tại TP.Đà Nẵng, đang khiến dư luận quan tâm khi xuất hiện tình tiết nghi vấn về thuốc diệt côn trùng trong khách sạn...
Trước khi xuất viện hôm 24.9, anh Đặng Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An) đã mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân khiến vợ và con anh gặp sự cố khi lưu trú tại khách sạn Hilary (số 128 Hồ Nghinh, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) sáng 16.9, rồi tử vong. Trong đó lưu ý chi tiết thời điểm đó khách sạn đang phun thuốc diệt côn trùng.
Cùng lưu trú tại khách sạn Hilary đúng thời điểm gia đình anh Vạn gặp nạn, có bà N.T.X (58 tuổi) và cháu nội N.M.K (3 tuổi, ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).
Bà X. và cháu K. cũng có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy..., đến cấp cứu tối 15.9 tại Trung tâm y tế Q.Sơn Trà, sau đó tình trạng sức khỏe cháu K. nghiêm trọng nên chuyển tiếp đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và tử vong rạng sáng 16.9.
Thời điểm đó, K. được chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp và được chỉ định làm thêm nhiều xét nghiệm khác. Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi rút và vi trùng xâm nhập qua đường tiêu hóa, ăn uống hay đường hô hấp, qua tay, miệng với các triệu chứng nôn nhiều hoặc nôn có kèm tiêu chảy.
Riêng bà X. được chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp, Trung tâm y tế Q.Sơn Trà giữ lại điều trị, nhưng sáng 16.9 bà đã rời đi không rõ lý do.
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, cho biết anh Vạn vào viện hôm 16.9 trong tình trạng hôn mê, rối loạn chức năng hô hấp và tuần hoàn, trụy tim, có biểu hiện suy đa tạng. Sở Y tế Đà Nẵng cho biết kết quả ban đầu về giám định pháp y cho thấy vợ và con trai 4 tuổi của anh Vạn tử vong (trong quá trình cấp cứu tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng) đều nhiễm độc.
“Chất độc vào trong cơ thể gây rối loạn các chỉ số sinh học, gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhịp thở. Tuy nhiên, chất độc gì và nhiễm độc qua đường nào thì vẫn phải đợi kết luận cuối cùng”, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói.
Tuy nhiên, hôm qua 25.9, bà Trần Thị Bê, đại diện của công ty quản lý hệ thống 10 khách sạn (bao gồm cả khách sạn Hilary), đã từ chối gặp gỡ báo chí.
Trả lời qua điện thoại, bà Bê thông tin ngắn gọn rằng công ty của bà đã thuê một công ty khác xịt thuốc diệt côn trùng, và đây là việc làm rất bình thường, định kỳ 2 lần/tháng, thực hiện từ năm 2014 đến nay cho toàn bộ 10 khách sạn trực thuộc.
Đồng thời, việc phun thuốc diệt côn trùng diễn ra trước khi đoàn khách gặp nạn vào ở tại khách sạn Hilary. Bà Bê cũng cho hay sau một thời gian đóng cửa để cơ quan điều tra khám nghiệm, khách sạn đã được phép hoạt động lại.
Chủ khách sạn trên cho rằng, nhiều thông tin anh Đ.N.V (người chồng trong vụ việc) chia sẻ trước giờ xuất viện hôm qua là không chính xác.
Theo bà, thông tin anh Đ.N.V cung cấp trên báo chí cho rằng khách sạn treo biển phun thuốc diệt muỗi là không chính xác. Bà cho biết thêm, việc anh V. nói khách sạn này có 40 phòng cũng là thông tin sai. Khách sạn chỉ có 16 phòng.
""Bình thường khách sạn thực hiện xịt côn trùng, diệt ruồi, muỗi 2 lần/tháng. Việc xịt côn trùng do khách sạn thuê một công ty tư nhân bên ngoài thực hiện.
Việc xịt côn trùng định kỳ rất bình thường và tất cả các khách sạn hầu như có quy trình giống nhau và không gây ảnh hưởng gì đến khách lưu trú cả" – bà B. khẳng định. Bà B. cũng từ chối cung cấp tên công ty diệt côn trùng trên và cho hay phía khách sạn đã cung cấp cho cơ quan điều tra.
Được biết, gần một tuần qua, phía cơ quan công an yêu cầu khách sạn tạm ngừng hoạt động, Khách sạn sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra.
“Còn việc nhiều người nghi ngờ vấn đề thuốc diệt côn trùng có vấn đề thì ngay khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu không khí, mẫu nước tại khách sạn rồi. Phía công an cũng cam kết nếu không có vấn đề gì khách sạn vẫn sẽ được hoạt động trở lại. Tôi cũng mong sớm tìm ra nguyên nhân sự việc” – bà B chia sẻ.
Bà B cũng cho hay, đây là lần đầu tiên khách sạn có khách xảy ra tình trạng trên.