Vui Tết cùng các gia đình vợ Việt chồng Tây

( PHUNUTODAY ) - Nhìn thấy chồng hí hoáy ngồi ngó nồi bánh, Hương Trang thấy ấm áp lạ lùng. Anh đã trở thành một thành viên trong gia đình, trở thành một phần của Việt Nam thật tự nhiên như tình yêu của hai người vậy.

(Phunutoday) - “Đối với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, khoảng thời gian khiến cho bất cứ lòng ai cũng xao xuyến và nhớ về quê hương hơn bao giờ hết đó chính là Tết Âm lịch. Có nhiều người không bao giờ bỏ qua dịp lễ đặc biệt này mặc dù tại đất nước họ sinh sống không phải ai cũng biết tới. Và những người trong gia đình, dù có văn hoá khác, mang một dòng máu khác, cũng cùng hoà chung vào không khí ấy, biết thêm nét văn hoá tuyệt vời từ đất nước quê hương của người vợ, người con trong gia đình mình…”

[links()]

CHLB Đức: Mẹ chồng nàng dâu và cây đào Tết vô cùng đặc biệt

Nhớ cái Tết đầu tiên Hồng Nhung ở tại Frankfurt khi hai vợ chồng chuyển hẳn về Đức sinh sống. Giống như nhiều nước khác, người dân ở Đức chỉ chào đón năm mới theo lịch dương, nên khi sắp đến Tết Nguyên Đán, Hồng Nhung không khỏi những bồi hồi xúc động.

Những người Việt ở Đức có buổi họp mặt thường xuyên để cùng nhau chia sẻ ngày lễ lớn của dân tộc, nhưng Hồng Nhung chưa có dịp được quen biết và gặp gỡ nhiều người Việt tại đây. Hơn thế nữa, cô muốn được cùng chia sẻ khoảng thời gian ấy với gia đình nhỏ của mình.

Gia đình của Hồng Nhung và anh Stefan năm ấy còn có sự góp mặt của cậu con trai nhỏ Max, cậu bé lần đầu tiên được đón năm mới đầu đời của mình và mẹ chồng của Hồng Nhung. Bà đã 70 tuổi nhưng vô cùng vui vẻ và tâm lý.

Gia đình nhỏ của Hồng Nhung - Stefan
Gia đình nhỏ của Hồng Nhung - Stefan

Hơn thế nữa, bà rất thích Việt Nam và văn hoá của đất nước con dâu mình đã sinh ra và lớn lên. Chính vì thế, Hồng Nhung càng muốn làm một điều gì đó để cho các thành viên trong gia đình biết về Tết Nguyên Đán của Việt Nam.

Sau nhiều lựa chọn, cô quyết định sẽ mang lại không khí Tết cho gia đình nhỏ của mình bằng một cành đào, một thức không thể thiếu trong gia đình cô tại Việt Nam mỗi khi xuân về.

Nhớ ngày còn đi học mình đã từng làm thủ công bằng những bông hoa đào bằng giấy, Hồng Nhung đã tự nhủ: Tại sao mình không làm một cành đào bằng giấy nhỉ? Mặc dù thời gian đã trôi qua quá lâu và cô cũng chẳng nhớ cách làm hoa đào ngày còn bé của mình nhưng khi biết ý tưởng của con dâu, mẹ chồng Hồng Nhung tỏ ra rất thích thú và còn háo hức hơn cả con dâu mình.

Thế là cả nhà kéo nhau cùng làm nên một không khí Tết trong gia đình. Làm hoa đào thủ công thì không khó, nhưng để có một cành đào giống thật không phải chuyện dễ. May sao trong vườn nhà Nhung có một cây đào giống Đức nên thân của nó cũng khá giống với cành đào của Việt Nam.

Cô tìm chọn lấy một vài cành khô nhỏ đủ vừa cắm một lọ nhỏ trong phòng còn mẹ chồng cô lấy ra cuộn giấy gói quà màu đỏ của bà để làm bông hoa. Hoa đào của Nhung làm cũng có cánh, có nhị. Cô tìm cách cắt sao cho giống bông hoa đào thật nhất để không chỉ làm được một cành đào đẹp mà còn để mẹ chồng mình biết được bông hoa đào của Việt Nam.

Sau khi nhìn một vài cánh đào con dâu làm, mẹ chồng cô cũng xắn tay áo vào cuộc và chẳng bao lâu bà cũng làm được những bông hoa đào giấy một cách thuần thục.

Thấy hai mẹ con hí hoáy chuẩn bị cành đào Tết, anh Stefan cũng không chịu “thua kém” bằng cách đi mua một chiếc lọ thân tròn cổ dài màu đen về để dành cho việc cắm hoa. Không những thế anh còn trổ tài vẽ sơn mài lên lọ cho “có thêm sinh khí”.

Anh vốn là dân kỹ thuật, nhìn thấy chồng mình chăm chú trang trí cho lọ hoa, Hồng Nhung không khỏi vừa buồn cười vừa hạnh phúc. Tất cả mọi người trong gia đình đều tham gia vào công việc. Cô nhận ra chính điều đó là mới là cái Tết thực sự mà gia đình mới của mình đang mang lại.

Mùa đông ở Đức tuyết phủ trắng xoá, ngày rất ngắn và đêm rất dài. Cậu bé Max lúc ấy mới được vài tháng tuổi, được mẹ đặt ngồi cạnh cành hoa đào ngày Tết hớn hở vui cười. Không biết cậu có hiểu rằng trong lòng mẹ mình đang rất ấm áp.

Thật kỳ lạ có cành đào giấy đỏ phai trong nhà vừa khiến cho Hồng Nhung nhớ Việt Nam thêm da diết, lại vừa khiến cô hạnh phúc tràn đầy. Bước chân từ con đường phủ đầy tuyết vào ngôi nhà ấm cúng, họ hoa đào giấy như mang lại một ngọn lửa ấm áp toả sáng.

Trên ấy, Hồng Nhung không quên làm hình một ngôi nhà nhỏ treo lên cây đào để cầu chúc cho một năm mới mạnh khoẻ, tốt lành cho những người thân yêu nhất của cô tại nơi đây và gia đình mình tại Việt Nam.  

Úc: Xác pháo hồng gợi nhớ lại tuổi thơ

Gia đình chị Giao và anh Chris đã sinh sống tại nước Úc hơn 7 năm. Ngày trước, chị là một cô sinh viên du học tại Melbourne, quen anh và yêu nhau từ dạo ấy. Sau khi tốt nghiệp ra trường họ xây dựng gia đình và có một cô con gái nhỏ đáng yêu.

Thời là sinh viên đến đợt Tết Nguyên Đán, có năm chị Giao thu xếp về với gia đình, có năm ở lại tranh thủ làm thêm cùng các bạn sinh viên khác. Nhưng phải đến khi có gia đình, trở thành một người vợ, người mẹ cái Tết mới thực sự hiển hiện rõ ràng và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Hàng năm, dù bận đến mấy, hai vợ chồng cũng cố gắng thu xếp về Sài Gòn ăn Tết với bố mẹ chị. Nhưng năm nào không về được ở lại Úc ăn Tết, chị đều sắm sửa đủ cỗ bàn. Em gái chị cũng sinh sống tại một thành phố khác của nước Úc nên hai gia đình cố gắng tụ tập tại một nơi vào dịp này.

Hai chị em cùng “lùng” những nguyên liệu để gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả. Điều quan trọng nhất là các con, dù không sống ở Việt Nam nhưng vẫn được cảm nhận cái háo hức khi tới dịp xuân về.

Điều đặc biệt ở Úc trong dịp năm mới theo Dương lịch, cả nhà cùng rủ nhau đi xem pháo hoa. Nếu thời khắc giao thừa theo Tết dương được đánh dấu bằng những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời nước Úc thì tới Tết Âm lịch, tiếng pháo nổ ngày xuân lại giòn giã vang lên.

Gia đình chị Giao ở gần khu của người Trung Quốc và những người châu Á đón xuân theo âm lịch đều háo hức nổ những tràng pháo hồng. Xác pháo cũng được để lại trên đường hồng cả một con phố khiến cho lòng chị Giao không khỏi xốn xang. Và cứ thế không khí chào đón năm mới được kéo dài ra, lòng người cũng ngập tràn hạnh phúc nhiều hơn.

Một cái Tết ở Úc ý nghĩa hơn đối với gia đình chị Giao và bản thân chị là giữ được nét truyền thống để không chỉ nhớ về ông bà tổ tiên mà còn để lớp thế hệ sau này như con gái của chị dù không sinh sống tại Việt Nam vẫn không phai nhạt đi một nét truyền thống đẹp của quê hương.

Anh Quốc: Chiếc bánh tét may mắn

Gia đình Mai trong một dịp lễ
Gia đình Mai trong một dịp lễ

Hồi còn nhỏ, nói đến Tết và nhìn thấy người lớn rậm rịch chuẩn bị mâm cỗ cúng, quần áo mới đứa trẻ nào cũng không giấu được sự háo hức trong lòng. Đối với chúng, Tết là được đi thăm ông bà, được nhận tiền mừng tuổi và nhiều món ăn ngon.

Trưởng thành hơn một chút, Tết có thể bớt đi nhiều sự háo hức của một đứa trẻ nhưng lại mang lại sự ấm áp của việc tụ họp gia đình, những hy vọng mới về một năm sắp đến hứa hẹn nhiều điều may mắn, tốt đẹp.

Đối với riêng bản thân Mai, giờ đây cuộc sống dường như rất tròn trịa với một công việc ưa thích, hạnh phúc với người chồng Ý và cậu con trai ngoan ngoãn tại London, thời điểm Tết lại luôn mang lại đôi chút buồn mang mác trong lòng nếu vì công việc cả gia đình cô không trở về được Việt Nam đón thời khắc giao thừa cùng gia đình.

Tết là dịp để mọi người quây quần xum họp. Chính vì thế Mai và chồng luôn cố gắng sắp xếp công việc để có thể đón Tết âm lịch tại Việt Nam theo đúng truyền thống.

Nói đến Tết Nguyên Đán xa nhà, đối với vợ chồng Mai có lẽ đó là cái Tết đầu tiên khi gia đình nhỏ có thêm thành viên mới – cậu bé Daniel. Tết năm đó, Daniel mới được 3 tháng tuổi, còn quá non nớt để có thể cùng bố mẹ về Việt Nam.

Mới sinh em bé chưa lâu, sức khoẻ của Mai cũng chưa hồi phục hoàn toàn. Khi cô sinh con, bà ngoại của Daniel cũng sang giúp đỡ và chăm sóc cháu hộ con gái. Nhưng đến Tết, bà phải về Việt Nam để lo thắp hương cúng bái tổ tiên.

Người ta nói những người vừa sinh con thường hay mắc “chứng tủi thân”. Không được về Việt Nam ăn Tết, năm ấy Mai càng thấy tủi thân hơn bao giờ hết. Một mình xoay xở với sữa, bỉm, con còn bé nên quấy khóc, đến khi con ngủ là cũng hết ngày.

Mai xác định Tết năm ấy sẽ không cầu kỳ bày vẽ nấu nướng cỗ bàn. Cô cũng chẳng dám kiểm tra thư hay tin nhắn của bạn bè chúc Tết bởi sợ mình sẽ càng buồn hơn. Anh Giorgio chồng cô cũng bận rộn công việc nên dù có tâm sự trong lòng, Mai cũng không dám nói cho chồng, sợ anh phải bận tâm. Nhưng không ngờ rằng Tết năm đó, anh lại chính là người đem lại điều bất ngờ ấm áp cho hai mẹ con.

Anh Giorgio là người Ý nhưng rất quan tâm tìm hiểu văn hoá truyền thống Việt. Đặc biệt biết đối với vợ, ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt, dù vợ không nói ra anh vẫn nhớ ngày Tết Âm lịch của Việt Nam. Anh còn biết điều quan trọng nhất trong ngày Tết là mâm cơm phải có đầy đủ xôi, gà, bánh chưng, canh măng, mâm ngũ quả…

Chính vì thế anh quyết đi sắm cho đủ mâm cơm ngày Tết cho vợ. Nhất là chuyện đi tìm mua bánh chưng, sau này biết chuyện Mai cứ vừa thấy buồn cười, vừa thương chồng, vừa thấy hạnh phúc.

Hôm ấy theo lịch âm là ngày 30 Tết. Kết thúc công việc, anh Giorgio đi tới chợ của người Việt cách khá xa nhà để đi tìm mua bánh chưng. Anh đã từng được đón Tết ở Việt Nam, được thưởng thức mùi vị của chiếc bánh không thể thiếu vào dịp năm mới của người Việt, nhưng lúc ấy anh chẳng nhớ được tên gọi bằng tiếng Việt hay tiếng Anh của chiếc bánh.

Anh muốn làm vợ bất ngờ nên cũng chẳng dám hỏi vợ. Với những gì biết được về chiếc bánh đặc biệt, anh miêu tả một hồi nhưng đến khi người bán hiểu ra thì cũng chẳng còn chiếc bánh nào để bán cho anh vì lúc ấy đã là ngày cuối cùng của năm cũ, số lượng bánh chưng cũng không có nhiều.

Hơi thất vọng về điều bất ngờ của mình cho vợ có nguy cơ không thực hiện được, anh Giorgio chợt nhớ ở gần khu nhà mình ở có một quán ăn Việt Nam. Bà chủ là một người gốc Huế. Anh lại tìm đến và cố gắng giải thích một hồi về chiếc bánh mình cần mua, cuối cùng bà chủ cũng “à” lên một tiếng.

Nhưng bà chủ quán ăn nói rằng bà không bán loại bánh ấy mà chỉ gói một vài chiếc để gia đình dùng trong ngày lễ Tết mà thôi. Nhưng bà chủ thấy một người nước ngoài như anh Giorgio lặn lội đi tìm bánh cho người vợ Việt Nam của mình nên đã đồng ý để lại cho anh một chiếc bánh tét. Chiếc bánh tét ấy dù chỉ là chiếc bánh để trong tủ đông lạnh nhưng lại là điều bất ngờ tuyệt vời vô cùng đối với cả gia đình.

Vậy là từ kế hoạch không bày biện gì trong ngày Tết âm lịch, nhờ chiếc bánh tét mà chồng lặn lội mang về, cả nhà Mai lại có một mâm cỗ có đầy đủ nào là xôi, nào là miến, nào là thịt gà và thậm chí cả một mâm ngũ quả để cúng giao thừa.

Hai vợ chồng theo lời bà chủ quán luộc lại bánh tét nên cũng được thưởng thức không khí chờ đợi bánh chín như ở Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên, Mai được thưởng thức món bánh tét của người Huế.

Giao thừa năm ấy, không tìm mua được hương thắp nhưng tự nhủ quan trọng nhất là tấm lòng của chính mình, Mai đã thắp tạm nến để hướng về tổ tiên, cầu mong sức khoẻ cho gia đình và cậu con trai nhỏ Daniel hay ăn chóng lớn. Đến tận bây giờ, Tết năm đó vẫn là cái Tết đáng nhớ và ý nghĩa nhất đối với hai vợ chồng.

Việt Nam: Chàng rể mới nghiện bánh chưng Tết

Có thể nói làm rể Việt Nam, chàng trai người Đức Mathias “được” rất nhiều điều. Anh đặc biệt rất yêu thích đất nước và văn hoá Việt Nam. Cũng có thể nói phần nào chính vì sự quan tâm say mê tìm hiểu và khám phá Việt Nam ở chàng trai ấy thu hút sự chú ý ở Hương Trang.

Họ đã yêu nhau và tìm thấy sự đồng cảm ở nhau, kết thúc bằng một đám cưới dưới sự vui mừng của gia đình và bạn bè.

Nói đến Mathias, bạn bè của cả hai người luôn nghĩ đến một chàng trai trẻ vui vẻ, hài hước, đặc biệt rất thích uống bia hơi của Việt Nam. Anh mê tới mức ngày ăn hỏi kết thúc, anh định ra quán bia hơi gần nhà Hương Trang nhưng bị bác chủ quán quen bắt về đi ngủ bởi chú rể đã phải cụng ly với rất nhiều người trong bữa tiệc nên sợ Mathias say xỉn.

Hương Trang biết niềm yêu thích bia hơi của Mathias cũng giống như một phần tình cảm của anh dành cho đất nước Việt Nam. Mathias rất thích những điều mới lạ ở Việt Nam, thậm chí anh đã từng thử nhai trầu cau để xem mùi vị của nó như thế nào.

Anh không ngại đi về những miền quê xa thăm ông, bà cùng cô mà ngược lại, Mathias rất thích không khí làng quê Việt Nam. Anh cũng có mong muốn sau này nếu hai vợ chồng trở về Việt Nam sống, anh rất muốn được sống ở nông thôn Việt Nam để khám phá thêm nhiều điều mới mẻ.

Lần đầu tiên được đón Tết Nguyên Đán tại Việt Nam cùng gia đình vợ, Mathias hào hứng như một đứa trẻ khi thấy cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng. Anh rất thích thú, thậm chí còn đòi được tự gói bánh chưng, nhưng sau một hồi loay hoay anh đành phải “đầu hàng” và ngồi nhìn bố mẹ vợ trổ tài một cách thích thú.

Không gói được bánh, chàng rể mới tranh phần ngồi canh lửa nồi bánh. Nhìn thấy chồng hí hoáy ngồi ngó nồi bánh, Hương Trang thấy ấm áp lạ lùng. Anh đã trở thành một thành viên trong gia đình, trở thành một phần của Việt Nam thật tự nhiên như tình yêu của hai người vậy.

Bắt đầu từ Tết năm ấy, Mathias không chỉ biết cùng đi mua đồ trang trí nhà cửa, mua cây mai về bày trong dịp Tết, anh còn có thêm một món nghiện mới, đó là nghiện bánh chưng. Ngày nào trong dịp Tết, Mathias cũng muốn được ăn bánh chưng, chẳng bao giờ nồi bánh chưng sợ bị “ế” vì chàng rể đáng yêu.

Không chỉ trong dịp Tết, từ ngày biết đến bánh chưng, Mathias có thể ăn quanh năm, lúc nào thèm ăn bánh chưng, anh và Hương Trang lại đi mua về bằng được. Sống ở bên Đức, hai vợ chồng cũng tìm đi mua hoặc đặt người ta làm để thoả mãn “cơn nghiền” của chồng.

Giờ đây, đối với Mathias dịp Tết là dịp mong đợi nhất trong năm vì thời gian ấy anh có thể ăn bánh chưng thoả thích.

Và đất nước Việt Nam là nơi anh muốn sinh sống nhất, không chỉ bởi nơi ấy như một quê hương thứ hai của anh, nơi người vợ thân yêu của mình sinh ra và lớn lên, mà nơi đó còn có… bia hơi và bánh chưng, nơi anh biết đến cái Tết Âm lịch đầy ý nghĩa với những lời chúc, lời cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với tất cả mọi người.

  • Linh Chi
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn