Vườn Quốc gia Cát Tiên được cứu

13:53, Thứ ba 10/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo văn bản, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

Theo thông tin trên TTXVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Theo văn bản, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu. Việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hoà các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên. Khi vận hành thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ sản xuất ra 929 triệu kWh điện và nộp thuế cho Nhà nước khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23 ha đất rừng; trong đó đặc biệt có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo tác động môi trường có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.

Bên cạnh đó, hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Tuy nhiên báo cáo tác động môi trường lại chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.

Ngoài ra, do không chuyển dòng chảy, nên tổng lượng nước chảy về hồ Trị An hầu như không thay đổi. Trong khi hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là điều tiết ngày nên các hồ chứa này sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Mặt khác, báo cáo tác động môi trường cũng chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt đoạn sông ngay sau đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và khu ngập nước Bàu Sấu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, trường hợp nếu các dự án trên được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận…. Việc thực hiện các hạng mục này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế-xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Một tác động khác mà Bộ lo ngại đó là tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu Ro, Châu Mạ, STiêng , M'Nông.

Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ được cứu

Trước đó, thông tin Vườn quốc gia Cát Tiên vừa bị trượt khỏi danh sách đề cử bình chọn di sản thiên nhiên của thế giới vì vướng vào dự án thủy điện khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước bao nhiêu cố gắng là vậy mà chỉ vì có một phần thủy điện quây quanh mà Vường Cát Tiên bị mất cơ hội hiếm có này. TS Jack Brunner, đại diện IUCN tại Việt Nam, lấy làm tiếc một trong những nguyên nhân là đa dạng sinh học của khu vực Cát Tiên không đáp ứng các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu. “Nếu quần thể loài tê giác được bảo vệ nghiêm ngặt trong 10-15 năm trước thì có lẽ Cát Tiên đã thành ngôi nhà của quần thể tê giác còn sống và các khuyến nghị của IUCN đã khác đi. Đây là kết quả của một thời gian dài yếu kém trong công tác quản lý bảo tồn của Việt Nam”.

Vườn quốc gia Cát Tiên đã được ĐBQH quan tâm và đặt lên ghế nóng của nghị trường. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 12/6, ĐBQH Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi: Thời gian qua, cử tri rất bức xúc việc chuyển mục đích sử dụng diện tích vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6a, sử dụng diện tích rừng lớn tới trên 370 héc-ta, trong đó vùng lõi vườn quốc gia Cát Tiên gần 140 héc-ta. Đã có đề nghị Bộ trưởng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét trình Chính phủ dừng việc triển khai lập dự án và loại khỏi quy hoạch hai dự án này, vì không đủ cơ sở pháp lý và có tác động xấu đến môi trường sinh thái, nhưng đến nay vẫn vô vọng, chờ đợi và chờ đợi. Một lần nữa, đề nghị cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 11 và Nghị quyết Quốc hội khóa 12. Bộ trưởng có đồng tình với cử tri loại hai dự án này không?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định ông đã vào tận nơi để kiểm tra hiện trường công trình. "Quan điểm của chúng tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những nơi xung yếu để làm mục đích khác. Thế nhưng về thẩm quyền, chúng tôi chỉ kiểm tra, báo cáo thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ có báo cáo tổng hợp. Chính phủ sẽ báo cáo quốc hội. Về mặt chủ trương có làm thủy điện hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội".

Với tất cả những hi vọng trên, dư luận mong chờ Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ được cứu khỏi hiểm họa từ thủy điện.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc