“Chúng tôi đang tiến hành điều tra”, người phát ngôn NSA Vanee Vines cho biết. Nhưng ông này không công bố thêm chi tiết, Thanh niên dẫn lời ông này trên AFP.
Website NAS, tại địa chỉ nsa.gov, bị đánh sập vào trưa 25/10 (giờ địa phương), tạo ra một làn sóng đồn đoán trên mạng xã hội Twitter rằng các tin tặc đã tấn công kiểu từ chối dịch vụ (DoS) khiến cho nhiều người không thể truy cập vào trang này.
Trụ sở NSA tại bang Maryland, Mỹ |
Nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous, nổi tiếng với những vụ tấn công mạng đánh sập các website chính phủ, lên tiếng giễu cợt việc website NSA bị đánh sập, nhưng không nói có dính líu đến vụ tấn công mạng này hay không. “Đừng có hoảng loạn về việc nsa.gov bị đánh sập. Họ có cả một bản copy dự phòng”, Anonymous viết trên Twitter.
NSA hiện là tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới sau khi cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, từng làm việc cho NSA, tiết lộ thông tin cho báo chí về chương trình do thám bí mật của NSA trên toàn thế giới. Đến sáng 26/10, nsa.gov vẫn không truy cập được.
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc ngày 25/10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) diễn ra trong không khí căng thẳng sau những tiết lộ về việc Mỹ do thám các đồng minh truyền thống, đặc biệt là vụ Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí ra tuyên bố đề cập tới quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận.
Mặc dù chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế và tị nạn, song gần như đã bị chi phối bởi vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tuyên bố của hội nghị nêu rõ: "Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề tình báo tiềm tàng, cũng như những quan ngại sâu sắc của các công dân châu Âu về các sự vụ này”.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đều ủng hộ quan điểm của Đức và Pháp tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương với Mỹ nhằm giải quyết rõ ràng vấn đề đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước.
Theo ông Van Rompuy, nhiều nước khác có thể tham gia với Đức và Pháp tìm kiếm một thỏa thuận sơ bộ trong lĩnh vực dịch vụ bí mật. Ông cho rằng những quy định mới về các mối "quan hệ tương hỗ" trong lĩnh vực tình báo cần phải tạo dựng lòng tin nhằm đảm bảo rằng những sự việc đáng tiếc không tái diễn trong tương lai.
Phát biểu sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Merkel cho biết, bà muốn một hành động cụ thể từ phía Tổng thống Mỹ Obama chứ không chỉ là những lời biện hộ. Theo bà Merkel, Đức và Pháp đang tìm một hướng đi chung với Mỹ trong việc hợp tác giữa các cơ quan tình báo và một thỏa thuận “không do thám” là cần thiết để tiến hành quan hệ hợp tác đó.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã ủng hộ ý định của Pháp và Đức muốn tiến hành thảo luận song phương với Mỹ trước cuối năm nay nhằm tìm kiếm sự cảm thông trong quan hệ về lĩnh vực này.
Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước lưu ý đến ý định của Pháp và Đức muốn tiến hành thảo luận song phương với Mỹ trước cuối năm nay nhằm tìm kiếm sự cảm thông trong quan hệ về lĩnh vực này. Họ nhấn mạnh rằng các nước EU khác sẵn lòng tham gia sáng kiến này.
Họ cũng lưu ý Nhóm công tác hiện nay giữa EU và Mỹ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và kêu gọi sự tiến bộ nhanh chóng và mang tính xây dựng trong lĩnh vực đó.