(Phunutoday) - Một ông già người Mỹ 67 tuổi đã sánh duyên cùng với một phụ nữ Việt mới ngoài 30, ấy vậy mà họ đã sống hạnh phúc bên nhau trong nhiều năm qua. Đặc biệt hơn nữa, người vợ đã bỏ qua những định kiến xã hội và đã xây cho chồng một ngôi nhà mồ khang trang trong khi người chồng vẫn đang còn khỏe mạnh.
Vượt những con đường đèo dốc uốn lượng quanh lòng hồ Phú Ninh hùng vĩ, chúng tôi tìm đến tổ ấm của đôi vợ chồng ông Robert Podunavac (SN 1936, quốc tịch Mỹ) và vợ, chị Lữ Hà Thy Nhơn (SN 1972, tại xã miền núi Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam).
Đôi vợ chồng Robert Podunavac và chị Lữ Hà Thy Nhơn bên ngôi mộ. |
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi mộ kiên cố với lối xây kiểu Á Đông mà chị Thy Nhơn vừa mới xây cho chồng tương lai. Nếu không được tận mắt nhìn thấy ngôi mộ được xây rất “hoành tráng” trên ngọn đồi, cạnh ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của hai vợ chồng thì khó ai có thể tin được câu chuyện ngược đời như vậy. Xây mộ tặng người yêu, hay nói chính xác hơn là tặng cho người chồng, khi anh ta đang sống hạnh phúc với mình, là điều từ xưa tới nay chẳng một ai dám nghĩ tới. Nhưng, mọi vấn đề đều có căn nguyên của nó...
Gặp chúng tôi, chị Thy Nhơn cười rất tươi, cởi mở tâm sự: “Tui xây mộ tặng ổng (Robert Podunavac) chỉ muốn thực hiện trọn vẹn ước nguyện của ổng mà thôi. Tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Robert Podunavac, làm việc cho một cơ quan chuyên thiết lập bản đồ các vùng biển thế giới, ông có nhiều cơ hội chu du khắp nơi. Ông chọn châu Á làm đất lành để học hỏi, nghiên cứu lập phần mềm bản đồ vị trí biển Thái Bình Dương... Trước khi sang Việt Nam vào năm 2001, ông đã từng qua nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines... Cuộc sống lang bạt đã làm cho con đường tình duyên của ông thêm rắc rối. Trải qua hai đời vợ, cuộc sống của ông có nhiều thăng trầm, phiền muộn.
Cuộc tình lãng mạn
Theo ông, Thượng đế đã cho ông có được may mắn khi đặt chân đến Việt Nam, gặp những con người chân chất, thật thà và mến khách; gặp chị Thy Nhơn để được sống hạnh phúc trong khoảng lặng tuổi già. Robert gặp Thy Nhơn cũng đúng thời điểm chị vừa trải qua một cú sốc mạnh về tinh thần: chia tay với người chồng, lầm lũi nuôi ba đứa con dại.
Thy Nhơn kể phải đem các vật dụng đi đổi để đong gạo nuôi con. Rồi chị thử một phen vào phương Nam kiếm sống, gửi các con thơ dại cho người mẹ già ở quê chăm sóc. Vào Nam, chị đã làm tất cả mọi việc, từ rửa chén bát thuê cho các nhà hàng, đến đi ở, giữ em... miễn sao có tiền nuôi sống mình, gửi về nuôi mẹ và các con. Vừa làm chị vừa học thêm tiếng Anh.
Đến năm 2000, chị bắt đầu nghĩ tới chuyện dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để kiếm thêm tiền. Cũng từ công việc mới mẻ này mà chị gặp được Robert Podunavac. Lúc bấy giờ, Robert đến Sài Gòn để tìm hiểu thổ nhưỡng, văn hóa, nếp sống phong tục của người Việt. Trước đây, Robert cũng từng sang Việt Nam trong chuyến công tác năm 1957. Yêu biển, chuộng hòa bình, ông ngưỡng mộ con người Việt Nam kiên cường trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ông thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng, kể cả ngôn ngữ Việt.
Robert Podunavac và chị Lữ Hà Thy Nhơn trong ngày cưới. |
Chị Thy Nhơn nhớ lại: Đó là vào năm 2004, Robert Podunavac đi du lịch sang Việt Nam, ông đã tìm đến lớp học của chị xin học. Mọi việc cũng rất bình thường, nhưng lạ một nỗi là cứ lần nào lên lớp chị lại thấy Robert cứ nhìn mình cười. Sau tháng học đầu tiên Robert Podunavac đã làm chị ngạc nhiên. Ông bỏ bì thư gửi học phí cho chị 1,5 triệu đồng, trong khi quy định chỉ 500 nghìn đồng. Chị trả lại số tiền thừa thì Robert Podunavac một mực không nhận mà nói rằng, ông muốn thưởng thêm cho chị...
Mối quan hệ giữa chị và Robert cũng thân mật hơn, “chúng tôi có thể chia sẻ với nhau về mọi thứ”, chị Thy Nhơn chia sẻ. Cách đó ít thời gian chị bất ngờ nhận được lời cầu hôn của Robert, lúc đó ông đã xấp xỉ 67, hơn chị đến 35 tuổi. “Tui từ chối, nhưng ổng vẫn đến thăm tui ở nhà trọ mỗi ngày, thậm chí còn săn sóc cho tui lúc ốm đau... Từ đó tui đã mến ổng, nhưng cũng bảo thẳng với ổng rằng, người Việt Nam lấy vợ, lấy chồng phải về hỏi ý cha mẹ. Ổng nghe vậy liền chạy đi mua cặp vé máy bay để tui với ổng cùng về”, chị Thy Nhơn bùi ngùi nhớ lại.
Đêm tháng 10 năm ấy, cái rét ở miền núi đến buốt da thịt. Cả nhà chỉ có mỗi chiếc chõng tre và cái mền nên nhường cho khách, mọi người trải chiếu dưới đất mà nằm. Thấy cảnh đó, Robert Podunavac có lẽ quá xúc động nên cứ nằm trăn trở mãi. Nào hay, chiếc chõng cũng đã tới kỳ hư hỏng nên nửa đêm sập đánh rầm, làm đổ chảo lửa để gần đó cho ấm, bụi tro bay tứ tung. Robert Podunavac bị bụi tro phủ đầy người. Sáng hôm sau, ông đưa tiền cho chị Thy Nhơn bảo phải đi mua ngay giường, chiếu, chăn, nệm cho cả gia đình. Ở lại chơi nhà chị Thy Nhơn cho tới ngày giỗ người anh đầu, có đông đủ họ hàng, Robert Podunavac đứng lên thưa chuyện với mọi người, xin cưới chị làm vợ. Người mẹ có tuổi ngang bằng Robert Podunavac không phản đối, cũng chẳng đồng ý. Bà chỉ nhẹ nhàng nói con gái: đã gánh chịu bất hạnh rồi thì hãy tỉnh táo, đừng để phải tiếp tục gánh chịu bất hạnh lần thứ hai. Thế là chị quyết định đến với Robert Podunavac…
Xây mộ “tặng” chồng
Đến năm 2006, chị bàn bạc với Robert Podunavac về ở hẳn vùng quê Tam Lãnh, thành lập Công ty TNHH Hà Nhơn để trồng rừng. Bởi vì, những chuyến về thăm quê chị nhận thấy rừng đầu nguồn hồ Phú Ninh (Khu du lịch sinh thái quốc gia) phần lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, chỉ còn lại trơ trụi những quả đồi trọc. Robert Podunavac đồng ý không chút ngần ngừ, ông quay về Mỹ để làm giấy tờ, thủ tục sang góp vốn đầu tư. Khi Robert Podunavac quay lại Tam Lãnh thì chị Thy Nhơn cũng đã mua đất hình thành trang trại trồng rừng và xây “tặng” ông ngôi mộ trên mảnh đất ấy.
Ngôi mộ do Thy Nhơn xây “tặng” cho chồng bên ngôi nhà đang ở. |
Theo Thy Nhơn, khi ở bên nhau, chị thường nghe Robert tâm sự: Người Việt Nam sống rất tình cảm. Gia đình nào có người chết thì bà con thân thích, làng xóm đến chia buồn, tiễn đưa. Người chết được chôn trong những ngôi mộ xây, được thờ phụng, hương khói. Vì vậy, Robert Podunavac ước ao lúc cuối đời được nằm lại Việt Nam để được chị Thy Nhơn hương khói, cúng giỗ như bao người vợ thủy chung khác của xứ sở diệu kỳ này.
Chị Thy Nhơn kể rằng: khi Robert Podunavac quay lại Tam Lãnh, đợi đến lúc trời sẩm tối, chị mới đưa ông tới chỗ xây mộ. Khi còn cách hơn trăm mét, chị bảo ông nhắm mắt lại và dẫn đi. Lúc đã đến bên ngôi mộ, chị bảo Robert Podunavac mở mắt ra và chỉ vào ngôi mộ nói: “Đó là kỷ vật em tặng cho ông!...”. Lúc đầu Robert Podunavac mở to mắt ngạc nhiên, không hiểu đó là vật gì nên chị phải giải thích. Biết đó là ngôi mộ, Robert Podunavac òa khóc nức nở, khiến những người sống cạnh kéo nhau chạy tới xem. Robert Podunavac vừa khóc vừa cầm chặt tay chị mà cảm ơn rối rít. Rồi nói rằng, trong trí tưởng tượng của mình thì ngôi mộ xây cũng giống như lăng mộ và ông đã là một vị vua trong đôi mắt người tình. Cũng theo đề nghị của Robert Podunavac, chị Thy Nhơn xây một ngôi nhà nhỏ bên cạnh, trong đó để cửa sổ phòng ngủ của chị nhìn ra ngôi mộ.
Gần 5 năm trôi qua, Robert Podunavac sống trong ngôi nhà nhỏ với chị Thy Nhơn giữa chốn núi rừng Tam Lãnh. Họ dành phần lớn thời gian cho công việc trồng rừng và chăn nuôi gà, vịt. Đến bây giờ thì cánh rừng keo lá tràm, với diện tích 30.000m2 của họ đã cao vút. Đặc biệt, khi về ở Tam Lãnh, Robert Podunavac thường gần gũi với những người dân trong thôn, giúp đỡ người nghèo khó, nhất là những học sinh nghèo hiếu học, ông thường mua cặp, bút, sách vở, áo mới tặng các cháu, nên được bà con trong thôn quý mến. “Đời tôi gian truân chìm nổi như Nhơn. Còn lại những ngày tháng cuối đời, chúng tôi cố xây dựng cơ ngơi đàng hoàng, một ít để lại cho con và đưa vào quỹ từ thiện nhân đạo. Làm được điều đó, tôi mới yên lòng nhắm mắt tại mảnh đất đầy yêu thương này”, Robert bày tỏ niềm tâm sự.
Số phận run rủi đã đưa hai người khác màu da, khác quốc tịch, khác độ tuổi đã gặp được nhau và trở thành cặp vợ chồng hạnh phúc. Dù có sự khác biệt nhau nhiều cái, song qua bao năm đã minh chứng cho một tình yêu chân thật, không chút toan tính, vụ lợi... giữa cặp vợ chồng đặc biệt này.
- Phương Dung