(Đời sống) Mỗi năm Hà Nội sẽ có thêm gần 1 nghìn tỷ đồng tiền quỹ bảo trì từ nguồn phí đường bộ của xe máy trong khi đó người dân cho rằng khi họ đóng quỹ họ cần được bồi thường nếu tai nạn đường xấu xảy ra.
Báo Vnmedia đưa tin, UBND Hà Nội vừa có tờ trình lên Hội đồng Nhân dân thành phố về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện với xe mô tô trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối tượng chịu phí là chủ sử dụng phương tiện xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe máy. Mức thu phí sử dụng đường bộ được đề xuất là 100.000 đồng/năm đối với xe mô tô, xe máy có dung tích xy lanh đến 100 cm3; xe có dung tích xy lanh trên 100 cm3 là 150.000 đồng/năm.
Các trường hợp, xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng; xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật được miễn nộp phí.
Chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí như sau: Đối với xe mô tô phát sinh trước 1/1/2013 thì tháng 8/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng.
Đối với xe mô tô phát sinh từ 1/1/2013 trở đi, việc khai, nộp phí được thực hiện như sau: Thời điểm phát sinh từ ngày 1/1/2013 đến 30/6/2013, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là 30/8/2013.
Thời điểm phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hàng năm (trừ năm 2013), chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là 31/7.
Hà Nội sẽ có thêm 844 tỷ mỗi năm nếu từ thu "thuế" xe máy |
Thời điểm phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hàng năm, chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.
Theo thống kê, nguồn kinh phí cần bảo trì đường bộ hằng năm của Hà Nội khoảng 844,4 tỷ đồng; trong đó, thành phố hiện có 4.541.316 xe mô tô. Do đó, UBND thành phố chủ trương thu phí sử dụng đường bộ để đóng góp vào ngân sách, giảm kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm.
Giả sử lượng xe mô tô trên địa bàn thành phố có 1/3 lượng xe đến 100 cm3 và 2/3 lượng xe mô tô trên 100 cm3, với mức thu đề xuất, một năm, Hà Nội sẽ thu được khoảng 605,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ GTVT về kết quả thực hiện thu Quỹ bảo trì đường bộ đến ngày 15/5/2013 được 1.666 tỷ đồng; ngân sách nhà nước đã cấp cho quỹ là 375 tỷ đồng. Hiện nay, quỹ đã giải ngân được 1.266,6 tỷ đồng,gồm cấp sửa chữa thường xuyên 599,6 tỷ đồng, cấp sửa chữa định kỳ 667 tỷ đồng. Số quỹ ở các địa phương đang được thành lập nên chưa có báo cáo cụ thể.
Lo ngại về phí chồng phí chưa được giải quyết thì mới đây, trong dự thảo ‘Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ’ Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất tới năm 2016, mức phí đường bộ áp dụng với ôtô có thể tăng hơn 3 lần so với hiện tại.
Theo đó, mức thu phí đường bộ đối với ôtô từ 10.000-200.000 đồng/vé/lượt tùy trọng tải xe. Cụ thể, đối với ôtô dưới 10 chỗ thì mức thu tối thiểu mỗi vé là 10.000 đồng/lượt và tối đa là 35.000 đồng/ lượt; đối với xe từ 10-30 chỗ giá vé tối thiểu 15.000 đồng và tối đa 52.000 đồng/lượt...
Đặc biệt lần này Bộ còn đưa ra lộ trình thực hiện được quy định sẽ áp dụng mức thu phí đường bộ đối với ôtô sẽ tăng dần.
Theo đó, năm 2013, áp dụng mức thu tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung. Năm 2014 áp dụng mức thu tối đa không quá 2,5 mức thu tối thiểu khung (riêng mức thu xe nhóm 5 tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung); Năm 2015 áp dụng mức thu tối đa khống quá 3 lần mức thu tối thiểu khung (riêng mức thu xe nhóm 5 tối đa không quá 180.000 đồng/vé lượt); Từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu không quá mức thu tối đa khung.
Liên tục có những quyết định thu phí giao thông được đưa ra gây nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên mới đây trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không hề có sự trùng lặp, phí chồng phí.
Theo Phó Thủ tướng, hiện trên quốc lộ 1 có 33 trạm thu phí và sắp có thêm 17 trạm mới, tuy nhiên, cứ cách 70km mới có một trạm thu phí.
Sau khi xe máy đóng phí đường bộ, nhiều người cho rằng quỹ bảo trì cũng nên dành một phần để bồi thường cho những nạn nhân bị tai nạn giao thông do đường xấu thay cương quyết không đền bù như hiện nay.
- PV (Tổng hợp)