Nhiều năm về trước, một người hàng xóm đã kể cho tôi nghe chuyện xảy ra với cô vào một mùa đông nọ bên bờ biển ở Washington State. Câu chuyện cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi, vì thế tôi quyết định ghi lại lời cô nói. Sau đó, tại hội thảo dành cho các tác giả, tôi lại nhớ lại câu chuyện này và đột nhiên có mong muốn kể lại cho mọi người. Cho đến tận giờ, câu chuyện vẫn ám ảnh tôi - hệt như lần đầu tôi được nghe.
Cô bé ấy mới 6 tuổi khi tôi gặp cô ở bãi biển cách nhà chỉ khoảng 5-6 km. Cứ mỗi lần cảm thấy khó chịu hay bức bối, tôi lại thường lái xe đến nơi này.
Khi ấy, cô bé đang ngồi xây lâu đài hay cái gì đó trên cát. Rồi cô bé ngẩng mặt nhìn tôi, đôi mắt có màu xanh như biển cả.
“Chào cô” - cô bé nói. Tôi gật đầu đáp lại, trong lòng chưa thực sự muốn bị một đứa nhỏ làm phiền.
“Cháu đang xây đó.” - Cô lại nói.
“Cô thấy rồi! Cháu xây gì vậy?” - Tôi hỏi cho có lệ chứ chẳng quan tâm mấy.
“Ầy, cháu cũng không biết. Chỉ là, cháu thích cảm giác của cát thôi".
Nghe cũng hay đấy, tôi nghĩ rồi cởi giầy. Một chú chim dẽ* chao cánh liệng qua.
* Chim dẽ: Loài chim nhỏ sống gần những nơi có cát ướt.
“Niềm vui kìa!” – Cô bé reo lên.
“Hả, cháu bảo gì?”
“Là niềm vui. Mẹ cháu bảo, chim dẽ mang đến niềm vui cho chúng ta đó.”
"Mẹ cháu bảo, chim dẽ mang niềm vui đến." (Ảnh minh họa) |
Chú chim lướt cánh sát rạt mặt biển. “Tạm biệt niềm vui nhé. Và xin chào, nỗi buồn". Tôi lầm bầm trong miệng rồi định quay lưng bước đi. Tôi đang vô cùng thất vọng; cuộc đời tôi dường như mất cân bằng hoàn toàn.
“Tên cô là gì ạ?”, Cô bé gặng hỏi, kiên quyết không từ bỏ.
“Ruth” – Tuy hơi khó chịu nhưng tôi vẫn trả lời. “Tên cô là Ruth Peterson”
“Còn cháu là Windy.” – Có vẻ tên cô bé là Windy – “Năm nay cháu 6 tuổi".
“Rồi, cô chào Windy".
Cô bé che miệng cười rúc rích. “Cô buồn cười thế". Dù đang rầu hết cả người nhưng tôi cũng cười theo rồi tiếp tục bước đi.
Tiếng cười của cô bé nghe như tiếng nhạc. “Cô P ơi, lần sau lại đến nhé.” Windy gọi với theo. “Rồi mình lại vui lắm cho coi.”
Nhiều ngày, nhiều tuần sau đó, tôi bận rộn với cả núi việc: nào là xử lý đám học sinh ngang bướng, gặp mặt phụ huynh, rồi còn chăm sóc mẹ đang ốm nặng.
Một buổi sáng nọ, rửa bát xong, tôi vô tình liếc nhìn bầu trời bên ngoài. Nắng đẹp quá. “Phải đi ngắm chim dẽ mới được". Tôi tự nhủ, rồi với lấy áo khoác bước ra ngoài.
Bờ cát dịu êm dường như đang chờ đợi tôi. Gió có hơi se lạnh, nhưng tôi vẫn sải bước đi, cố gắng lấy lại sự thanh thản mà mình cần có. Tôi đã quên mất đứa trẻ mình gặp hôm nào, nên có hơi giật mình khi nhìn thấy cô bé.
“Chào cô P~” Cô bé reo lên. “Lại chơi cùng cháu đi!”.
“Cháu muốn chơi trò gì?”, Tôi hỏi, lòng có chút khó chịu.
“Cháu không biết. Cô nghĩ thử đi?”.
“Chơi đố chữ nhé?” Tôi đáp lại với ý mỉa mai.
Cô bé lại bật cười, âm thanh leng keng tự như tiếng nhạc. “Là sao, cháu không biết trò đó".
“Thế thì mình đi bộ thôi.” Vẻ dễ thương của Windy khiến tôi không thể kìm lòng.
“Nhà cháu ở đâu?”, Tôi hỏi.
“Đằng kia ạ!”, Cô bé chỉ tay về phía dãy nhà tranh. Lạ thật, tôi nghĩ. Người ta thường chỉ đến đó vào mùa hè để nghỉ ngơi, mà giờ là đông rồi.
“Cháu học trường nào?”.
“Cháu không đi học. Mẹ nói cả nhà đang đi nghỉ".
Suốt quãng đường hai cô cháu đi dạo, cô bé cứ ríu rít không ngừng. Nhưng tâm trí tôi lại mải mê chuyện khác. Khi tôi ra về, Windy nói hôm nay chơi thật vui. Ngạc nhiên là, tôi cũng cảm thấy tâm trạng khá hơn đáng kể. Tôi cười với cô bé ra chiều đồng ý.
3 tuần sau, tôi vội vã lao đến bãi biển, tinh thần gần như hoảng loạn. Tôi chẳng còn tâm trạng nào để chào Windy. Hình như tôi đã thoáng thấy mẹ cô bé nơi hiên nhà. Thực lòng là tôi chỉ muốn bảo chị ấy nên giữ con ở nhà chặt hơn.
“Nghe này, nếu cháu không phiền” – Tôi cáu kỉnh lên tiếng ngay khi Windy vừa chạy đến – “thì hôm nay cô muốn ở một mình.” Mặt cô bé có vẻ xanh xao khác thường, như đang hụt hơi.
“Sao thế ạ?”, Cô bé hỏi.
Tôi quay sang Windy, gần như hét lên. “Vì mẹ cô mất, được chưa?” Trời ơi, sao tôi lại nói điều đó với một cô bé chỉ mới 6 tuổi chứ.
“Ôi” Wendy thì thầm “Thế thì hôm nay là một ngày tồi tệ”.
“Đúng rồi, cả hôm qua, hôm kia và... mà không, cháu đi đi!”.
“Đau lắm phải không cô?”.
“Cái gì đau? Đau cái gì?” Tôi bực tức với Windy, và cũng tức giận với chính bản thân mình nữa.
“Khi mẹ cô mất ấy?”.
“Tất nhiên là rất đau rồi.” Tôi ngắt lời. Rồi sải bước về nhà.
Khoảng một tháng sau, tôi mới lại đến bãi biển, nhưng Windy không còn ở đó nữa.Cảm giác tội lỗi, xấu hổ dấy lên trong lòng - phải thừa nhận là tôi cũng nhớ cô bé nữa. Đi dạo một hồi, tôi quyết định đi về phía nhà cô bé.
Cô bé với đôi mắt xanh biếc ấy đã dạy cho tôi thế nào là yêu mà không đòi hỏi. |
Tôi gõ cửa. Một người phụ nữ trẻ xinh đẹp, mái tóc mềm mượt như mật ong bước ra.
“Chào chị.” Tôi nói. “Tôi là Ruth Peterson. Tôi rất nhớ con gái chị, không biết cháu nó đâu rồi nhỉ?”.
“À, ra là cô Peterson à. Cô vào nhà đi đã".
“Wendy cứ nhắc đến cô suốt.” – À, hóa ra tên cô bé là Wendy. “Tôi cứ sợ là nó làm phiền cô. Nếu con bé có gì không phải, cô bỏ quá cho nó nhé".
“Không đâu chị. Cháu rất đáng yêu". Tôi buột miệng, chợt nhận ra trong lòng bấy lâu không hề ghét bỏ gì cô bé. “Wendy đâu rồi ạ?”.
“Wendy đã qua đời vào tuần trước rồi cô ạ. Con bé bị bệnh bạch cầu. Chắc nó không kể cô nghe".
Toàn thân choáng váng, tôi mò mẫm tìm cái ghế, hơi thở trở nên dồn dập.
“Con bé yêu bãi biển này lắm; nên khi nó bảo muốn đến đây, chúng tôi không tài nào từ chối được. Rồi dường như con bé khỏe lên nhiều, nó cũng bảo là có rất nhiều ngày hạnh phúc. Nhưng mấy tuần trước thì, đột nhiên sức khỏe con bé giảm sút đáng kể…”. Giọng người phụ nữ như chùng xuống. “Nó có để lại thứ này cho cô, để tôi đi tìm xem sao. Trong lúc đó, cô ngồi chờ một lát nhé?”.
Tôi ngây ngốc gật đầu. Tôi những muốn nói điều gì đó, bất cứ điều gì với người phụ nữ trẻ tuổi đáng yêu này, nhưng không được.
Sau một người tìm kiếm, chị đưa cho tôi một chiếc phong bì lem nhem, phía trên là dòng chữ “Gửi Cô P” được in đậm, nét chữ đầy trẻ con.
Bên trong là bức tranh vẽ bằng bút sáp, màu sắc tươi sáng – bãi biển vàng, mặt biển xanh, và một cánh chim màu nâu. Ở dưới là dòng chữ được viết nắn nót.
“Tặng cô. Chim dẽ mang niềm vui đến".
Mắt tôi ầng ậng nước. Trái tim tôi – gần như đã quên mất thế nào là yêu thương – dường như được mở rộng ra. Tôi ôm mẹ của Wendy trong vòng tay, không ngừng nức nở. “Xin lỗi, xin lỗi, thật xin lỗi.” Chúng tôi cùng òa lên khóc.
Bức tranh nhỏ quý giá đó giờ đã được đóng khung và treo ngay ngắn trên giá sách nhà tôi. “Chim dẽ mang niềm vui đến” – 6 chữ, ứng với 6 năm tuổi đời của Wendy – đã cho tôi biết thế nào là sự hòa hợp bên trong, lòng dũng cảm và tình thương vô điều kiện. Đó là món quà từ đứa trẻ có đôi mắt xanh biếc như biển cả, mái tóc lấp lánh màu cát, người đã dạy tôi món quà của tình yêu.
Là con gái, hãy thủ thân như ngọc (Xi nhan) - (Phunutoday) - Mọi điều quý giá mà ông trời tạo ra trên thế giới này đều được che giấu kỹ, khó mà nhìn thấy, tìm được hay có được. |
Sau 21 năm kết hôn, vợ bảo tôi đưa người phụ nữ khác đi ăn tối (Xi nhan) - (Phunutoday) - Sau 21 năm kết hôn, vợ muốn tôi đưa một người phụ nữ khác đi ăn tối và xem phim. Vợ bảo: "Em biết người phụ nữ này cũng thương anh lắm"... |
Bài trắc nghiệm đơn giản cho thấy cách bạn nhìn nhận cuộc sống (Chia sẻ) - (Phunutoday) - Trước khi đọc bài viết này, hãy chuẩn bị một chiếc bút và một tờ giấy. Với mỗi câu hỏi, viết ra điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. |