Có người kể cho tôi nghe một câu chuyện. Vào một ngày đầy nắng ở một khu vườn nào đó, có con chó nhìn vào con cá đang bơi lội tung tăng trong hồ nước và nói “tao muốn bay được.” Con cá bĩu môi nhìn lại con chó rồi liếc sang con gà đang lững thững bên cạnh và nói “tao muốn lên cạn được.” Con gà ủ rũ cục cục hai tiếng “tao muốn bơi được.” Vừa lúc có con vịt đi ngang qua cười nham nhở, “tao làm được tất!” Kể xong, hắn quay lại nhìn tôi, cười nham hiểm rồi bảo “keep calm and be a duck!” (cứ bình tĩnh và hãy là một con vịt!).
Từ lúc nghe hắn kể xong câu chuyện con vịt, hễ có thời gian rảnh là tôi lại ngồi lẩm bẩm “con vịt”, “con vịt”, “con vịt”... Tôi nhớ cách đây khá lâu tôi có viết một ghi chú trên một trang mạng xã hội nói về hệ quy chiếu. Nội dung tuy khác hẳn với chuyện con vịt kia, nhưng ý nghĩa thì theo tôi không có sự khác biệt mấy. Mỗi cá nhân tồn tại trên thế giới này đều là một thể riêng biệt, không ai giống ai cả. Có chăng chỉ là những thứ na ná, từa tựa nhau mà thôi. Nhưng mà con người ta kì lạ lắm. Họ không bao giờ thỏa mãn với những gì họ có, ngay cả với chính con người họ.
Con người thường nhìn vào những ưu điểm hay điểm mạnh của người khác, rồi đem nó so sánh với chính bản thân mình, rồi lại thấy mình thua thiệt người khác cái này cái kia. Trong khi đó, rất nhiều người khác cũng đang ghen tỵ với hoàn cảnh của họ. Hay khi có một sự việc nào đó xảy ra, một sự kiện nào đó được công bố, con người ta sẽ vận dụng tất cả kĩ năng miệng lưỡi và ngôn từ của mình để mà bình phẩm, mà phán xét. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Con vịt làm được tất. |
Còn có những việc mà người ta, hay còn gọi là dư luận ấy, cũng mập mờ chẳng biết đúng hay sai, vì chẳng bên nào chiếm được phần đông cả. Thế nên, người ta không ngần ngại dư luận, không lo sợ miệng lưỡi thế gian mà cứ thế làm theo, như thể đấy là một trào lưu hợp thời. Điển hình là trào lưu chụp hình thả rông ở hồ sen, việc cấm nhân viên ngủ trưa trong văn phòng làm việc, hay việc tự do sử dụng và sở hữu súng đạn ở Mỹ... Tôi lấy thí dụ cụ thể về việc cấm nhân viên ngủ trưa trong văn phòng làm việc. Vấn đề này chỉ mới nổi lên ở Việt Nam hai năm trở lại đây, nhưng đã xuất hiện và tồn tại ở Mỹ từ những năm cuối thập niên chín mươi. Cho đến nay, việc ngủ trưa tại nơi làm việc vẫn còn gây tranh cãi không ít trong giới nhân viên văn phòng tại đất nước phát triển này. Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, ngủ trưa tại nơi làm việc, kể cả trong phòng nghỉ sẽ làm mất hình tượng chung của cả công ty. Những văn phòng không có phòng nghỉ cho nhân viên thì không nói. Tôi bắt gặp nhiều công ty lớn có, nhỏ có, phòng nghỉ dành cho nhân viên được trang bị tiện nghi, điện nước đầy đủ, có cả lò vi sóng và ghế bành. Vậy mà cứ tới giờ nghỉ trưa thì tôi chẳng thấy có mấy ai trong căn phòng tiện nghi ấy cả. Hỏi ra mới biết, có người thì ra ngoài ăn trưa, nhân tiện đi vòng vòng cho tỉnh ngủ. Có người thì nằm ngủ luôn trong xe dù nắng nóng hay gió rét...
Một số ít lãnh đạo lại nhận định rằng, ngủ trưa chỉ là một thói quen, không phải ai cũng có thói quen đó, và nhiều người không có thói quen ngủ trưa vẫn có hiệu suất làm việc như những người ngủ trưa, thậm chí là hơn. Chính vì vậy mà cho đến nay, văn hóa không ngủ trưa tại nơi làm việc vẫn còn tồn tại.
Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều nhân viên văn phòng, cả tầng lớp nhân viên bình dân và lãnh đạo cấp cao, cũng đưa ra những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ giấc ngủ trưa của họ. Trong một nghiên cứu của Sara C. Mednick, một nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học California, Riverside, đã chỉ ra rằng một giấc ngủ trưa từ 60 đến 90 phút có tác dụng giúp cải thiện bộ nhớ tương đương với một giấc ngủ tám tiếng vào buổi tối. Trong một nghiên cứu khác của William Dement và Nathaniel Kleitman về giấc ngủ và chu kỳ sinh lý của con người, họ đã đưa ra kết luận rằng mỗi người chúng ta đều có chu kỳ ngủ khoảng 90 phút. Nghĩa là, cứ sau 90 phút trong trạng thái tỉnh táo, chúng ta sẽ dần đi vào trạng thái mệt mỏi. Và sau 90 trong trạng thái mệt mỏi, chúng lại có 90 phút tỉnh táo, chu kì 90 phút cứ tuần hoàn như vậy từ ngày này sang ngày khác.
Giải pháp mà những nhà lãnh đạo này đưa ra để đảm bảo cho giấc ngủ trưa của nhân viên cũng nhận được hầu hết sự đồng tình từ nhân viên của họ. Có nơi thì chuẩn bị phòng nghỉ cho nhân viên, trong đó nhân viên có thể ngủ trưa, ngồi thiền, thậm chí cung cấp cả thức ăn trưa theo thực đơn dinh dưỡng. Có nơi thì cho phép nhân viên được làm việc tại nhà vài ngày mỗi tuần để tránh suy nhược khi di chuyển trong giờ cao điểm như giờ cơm trưa hay tan tầm. Với những vị lãnh đạo này, họ coi trọng hiệu suất làm việc của nhân viên hơn là số giờ họ có mặt hay tăng ca tại văn phòng.
Tuy nhiên, dù có nói thế nào thì mỗi người đều có lý lẽ của riêng họ. Mỗi công việc, mỗi cá nhân hay tập thể đều có yêu cầu cần đáp ứng khác nhau. Không phải
Cứ chọn làm theo cái tốt nhất, cái hay nhất thì sẽ có kết quả cao nhất. Quan trọng là nhận thức được bản thân và lựa chọn những thứ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Vẫn là câu nói ấy, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Keep calm and be a duck!
Tâm thư của một con lợn (Xi nhan) - (Phunutoday) - Những người chăn nuôi hãy nhớ một điều rằng cứu chúng tôi cũng chính là cứu con người. |