Kỹ năng sống luôn cần thiết bất kể bạn là ai. Cách chúng ta xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm mới quyết định sự an toàn của chúng ta. Vượt qua nỗi sợ là bước đầu tiên cũng là quan trọng nhất để biến chuột nhắt thành sư tử. Tôi rất lo lắng cho thế hệ tương lai khi các phụ huynh phản ứng tiêu cực trước bài dạy kỹ năng sống cho trẻ em bằng cách cho chúng bước trên thảm thủy tinh. Tôi cho rằng đây là cách rèn luyện sự tự tin tuyệt vời.
Trẻ cần được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm - Ảnh: Shutterstock
Tôi nhớ hồi còn bé, trong một bữa ăn, một người bạn của bố tôi khoe rằng con của mình rất ngoan, ngoan tới mức vào đại học rồi mà vẫn chưa biết đi xe máy. Hồi nhỏ chưa hiểu chuyện tôi cũng trầm trồ lắm, ngoan thế thì ai mà bì được cơ chứ.
Một thế hệ gà công nghiệp được tiệt trùng tuyệt đối với môi trường đang dần gia nhập vào hàng ngũ "người lớn". Họ cần mẹ dẫn tay khi sang đường, được báo chí mô tả như những đứa trẻ mỏng manh mau nước mắt trong kỳ tuyển sinh đại học, và đa phần là cả đời chưa nhấc vật gì nặng quá chiếc bút bi.
Trên thực tế thì dù cố gắng đến đâu, chúng ta sẽ vẫn luôn bị vướng vào những khó khăn, nguy hiểm trong suốt cuộc đời. Rủi ro không phải là ở chỗ bị rơi vào trường hợp nguy hiểm, mà là ở chỗ không có đủ sự bình tĩnh, kỹ năng để xử lý. Vụn thủy tinh rất nguy hiểm, nước cũng nguy hiểm, công trường xây dựng cũng nguy hiểm, đám đông cũng nguy hiểm, xe máy cũng nguy hiểm, quán nhậu cũng nguy hiểm... Hiểm nguy luôn ở quanh ta, thay vì tránh nó, hãy học cách đối phó với nó như thế nào cho đúng.
Một điều ít người biết đó là chúng ta chỉ bị chảy máu chân khi đá vào mảnh thủy tinh, tức là theo phương nằm ngang hoặc chéo. Mảnh vụn thủy tinh được dùng để bước lên đều là mảnh của chai rượu vang, sâm panh, có độ cong nhất định đặt trên một nền thảm dày để tiêu tán lực, chứ không có nhiều đầu sắc chĩa lên như mảnh ly, cốc. Việc bước chân dò dẫm thật chậm sẽ đủ thời gian cho các mảnh vụn được tái sắp xếp lại theo hướng những đầu sắc nhọn quay vào nhau chứ không đâm vào chân. Chưa kể da chân có tính đàn hồi rất cao nên một phần thủy tinh sẽ lún vào thịt chứ không đâm rách. Trừ khi trẻ nặng 400-500 kg, ngoài ra không có cách nào tạo đủ áp lực khiến thảm thủy tinh làm rách được da chân nếu đi đúng cách.
Ở Na Uy, trẻ em được cha mẹ cho bơi trong những hồ nước đóng băng giữa tiết trời âm 10 độ C để rèn luyện cho những chuyến chinh phục Bắc cực bằng ván trượt. Tôi không nghĩ người Na Uy yêu con mình ít hơn phụ huynh Việt Nam.
Các bạn có biết trong huấn luyện lính nhảy dù, khi người học viên chần chừ không dám nhảy khỏi máy bay thì chuyện gì sẽ xảy ra không? Người sĩ quan đào tạo sẽ bước đến, trìu mến nở một nụ cười thân thiện rồi đạp học viên bay khỏi khoang chờ ở độ cao 3.000 mét.
Khi bước vào môi trường xã hội, thứ duy nhất có thể bao bọc con cái các bạn là trí tuệ, kỹ năng sống và sự tự tin.
Nếu không muốn sau này cuộc đời đạp con bạn xuống trạng thái rơi tự do, đừng ngại tập cho trẻ bước lên những mảnh vụn thủy tinh khi còn nhỏ.
• Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội.