Mặc dù, cuốn sách này tái bản năm 2015 đã không còn bài dạy lòng dũng cảm đầy nguy hiểm này, nhưng cả tuần qua, cộng động mạng và phương tiện truyền thông vẫn tranh luận, dường như chưa có hồi kết, rằng có “nên hay không” việc dạy trẻ bằng hành động nguy hiểm với tính mạng của mình.
Cho dù giáo sư đáng kính Văn Như Cương trả lời trên báo chí rằng, ông đã đi trên thảm thủy tinh của TS Việt và thấy rất an toàn, nhưng cũng không đủ sức nặng để thuyết phục dư luận.
Bài giảng kỹ năng sống đang làm dậy sóng dân mạng. |
Rõ ràng trong bài dạy lòng dũng cảm có viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh...”, tất yếu dư luận hiểu rằng, cô giáo đã rải các mảnh thủy tinh trên một mặt phẳng, và cho dù giáo viên của Tâm Việt Guop có hướng dẫn tài tình đi chăng nữa, thì ngay cả chân người lớn đi lên thảm thủy tinh không bị chảy máu mới lạ, huống gì chân trẻ em lớp 1. Dư luận hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở.
Chỉ đến khi báo chí chất vấn thì TS Việt mới tiết lộ về sự thật về tấm thảm thủy tinh, đó là những miếng thủy tinh to khoảng 3cm2, dày 5cm được xếp ở trên, mảnh thủy tinh có độ lớn như vậy không có khả năng gây chảy máu. Nhưng tôi tin những miếng thủy tinh lớn đó cũng đã được mài ở cạnh.
Như vậy, thảm thủy tinh này đã có sự can thiệp bằng bàn tay con người, nên những ai đã đi trên đó thấy an toàn cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng thật tiếc, tại sao đến bây giờ TS Việt mới tiết lộ sự thật của tấm thảm thủy tinh. Giá như ở phần cuối bài dạy lòng dũng cảm, ông có đôi lời về tấm thảm thủy tinh thì đâu đến nỗi bị dư luận ném gạch đá tơi bời như thế. Giá như những người đã đi, đã tận mắt nhìn thấy tấm thảm thủy tinh này nói rõ cho dư luận hay thì cũng đâu bị mang tiếng là bênh TS Việt một cách thái quá.
Thưa tiến sĩ Việt, tôi hiểu tâm huyết của ông với số đông con trẻ thời a còng (@) đang thiếu quá nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp. Bậc phụ huynh cũng đã nhìn thấy điểm yếu của con nên đã rộn ràng gửi con vào các học kỳ quân đội, vào các trung tâm dạy kỹ năng sống... để con bước chân vào đời không còn “lơ nga lơ ngơ như bò đội nón”.
Trong cuộc sống đã có nhiều bài học đau lòng do trẻ và kể cả thanh niên ở tuổi trưởng thành do thiếu kỹ năng sống. Trước hàng loạt những vụ án mạng vì tình, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có lời khuyên với các bạn trẻ đang độ tuổi yêu đương rằng, cũng phải học cách chia tay sao cho an toàn. Bởi một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng. Một lời nói không đúng chỗ, không đúng thời điểm... nguyên nhân gây ra án mạng.
Cũng đã nhiều ý kiến bàn luận về bài học lòng dũng cảm của TS Việt, nhưng riêng tôi, tôi thấy nên dạy trẻ từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Từ hành động sẽ thành thói quen và thói quen sẽ hình thành tính cách.
Tôi đã từng chứng kiến bà mẹ trẻ dạy con lòng dũng cảm. Hôm ấy, đang đi trên đường thì có vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là bà cụ già, người thanh niên gây tai nạn đã xa chạy cao bay. Tôi vừa dừng xe bên bà cụ thì bà mẹ trẻ chở con trai chừng 7,8 tuổi cũng xuống xe. Thấy cụ bị thương nặng, chúng tôi gửi xe ở một nhà hàng gần đó và gọi xe taxi đưa cụ vào bệnh viện. Trên xe, cậu bé sợ hãi khi thấy máu me trên người bà cụ nên cứ nếu máo khóc đòi mẹ cho về nhà. Người mẹ nhẹ nhàng: Bà nội, bà ngoại mình cũng già bằng bà đây nhỉ? Cậu bé gật đầu. Thế nếu bà ngoại, bà nội đi ra đường mà cũng bị tại nạn, không ai đưa vào bệnh viện, con có thấy thương bà không? Cậu bé gật đầu.
Và thật không ngờ, đôi bàn tay bé bỏng đã nắm chặt bay bà cụ và cậu bé luôn miệng: Bà ơi, sắp tới bệnh viện rồi.
Nói về việc dạy trẻ lớp 1 đi trên thảm thủy tinh, TS Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, ở độ tuổi các em còn đang học theo kiểu bắt chước, chúng ta cần hướng dẫn, rèn luyện cho các em sự can đảm và lòng tự trọng, thông qua các câu chuyện ngắn, những trò chơi. Chúng ta cần rèn luyện để tạo thành nhân cách, tính cách cho các em, Chúng ta rèn luyện cho các em tính can đảm. Cam đảm để xin lỗi cha mẹ, thầy cô, bạn bè khi chẳng may làm sai. Can đảm để thừa nhận những thiếu sót, sai lầm của bản thân. Can đảm để chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình, để sẵn sàng đối mặt và vượt qua thử thách.
Ở tuổi các em, chúng ta cần trang bị cho các em kỹ năng. Kỹ năng mà các em cần lúc này, là những cách nhận diện và phòng tránh, những nguy hiểm và rủi ro có thể xảy ra với các em và đặc biệt là trong những trường hợp không có người lớn ở bên cạnh. Các em cần có những kỹ năng để tự rèn luyện và bảo vệ sức khỏe chính mình, tự xử lý những tình huống như ngửi thấy mùi ga, bị đứt tay, bị bỏng nhẹ, chẳng may bị lạc đường, kỹ năng khi giao tiếp với người lạ. Các em cần có những kỹ năng để giữ bản thân được an toàn khi ra đường...
Thưa TS Việt, đã dạy trẻ thì dạy cho chót, chứ kiểu dạy nửa vời như đi trên thảm thủy tinh, âu chẳng thấy đâu lòng dũng cảm mà hậu quả thương tích là tất yếu với những trẻ có tính hiếu động, tò mò, thích khám phá.
Dạy trẻ dẫm lên thủy tinh: Dũng cảm hay liều mạng? Hình như ngày càng nhiều người bị lệch chuẩn khái niệm ngôn ngữ khi đánh đồng sự liều mạng bằng lòng dũng cảm. Để con đi trên thủy tinh ư? Thà chết tôi cũng không làm. |