Lỗi của tiền hay lỗi của người?
Người dân ở khóm 4, phường 8, TP Cà Mau bất ngờ khi hay tin Hào Anh (tên thật là Hoàng Anh, 19 tuổi, tạm trú tại khóm 4, đường Trương Phùng Xuân, phường 8, TP Cà Mau) bị bắt.
Tất cả mọi người đều vừa thương nhưng cũng vừa giận. Thương cậu bao nhiêu sau khi biết cậu bị hai vợ chồng chủ trại tôm hành hạ thì lại giận cậu bấy nhiêu.
'Tôi thật sự không nghĩ rằng Hào Anh đi đến đường cùng như ngày hôm nay. Cuối năm 2014, Hào Anh mua đất ở đây xây nhà và đưa cha mẹ về chung sống, lúc đầu cậu ta tỏ ra rất ngoan.
Chỉ vài tháng sau, Hào Anh bắt đầu nhuộm tóc vàng đỏ, đeo khuyên tai, tập tành ăn chơi, quậy phá hàng xóm, chửi mắng cha mẹ', một người dân buồn bã kể.
Hào Anh (bên trái) và người em song sinh Hào Em cùng em gái từng chung sống hạnh phúc. |
Bà Võ Ánh Nguyệt - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, người từng chăm sóc cho Hào Anh từng miếng ăn, giấc ngủ khi cậu về sống tại trung tâm vào năm 2010 lại càng buồn hơn nữa.
'Khi Hào Anh về ở trung tâm, chúng tôi rất thương yêu vì biết cháu phải chịu quá nhiều đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần.
Khoảng thời gian ở đây, cháu rất ngoan, biết nghe lời người lớn. Đầu năm 2012, Hào Anh xin về ở chung với cha mẹ, sau đó cháu đến thăm tôi và các mẹ nuôi khác 1 lần cùng với bạn gái.
Thấy Hào Anh lớn khôn, khoe rằng đang học nghề hớt tóc, lại có người yêu nên ai cũng mừng. Vậy mà giờ cháu lại hành động dại dột như thế', bà Nguyệt vừa nói, vừa khẽ chấm nước mắt.
Đầu năm 2014 là khoảng thời gian Hào Anh trở nên quậy phá. Sau khi nhận hơn 700 triệu đồng từ những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, thanh niên này mua đất xây nhà ở khóm 4, phường 8 hết gần 300 triệu, số tiền còn lại cậu đã tiêu xài hoang phí chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Cậu thay đổi về hình dáng, ăn mặc, đua đòi, sắm điện thoại, xe máy và đổi đồ như thay áo.
Tiền quyên góp của những người tốt nhanh chóng tiêu tan trong các cuộc ăn chơi của Hào Anh và đám bạn ở vũ trường, quán bar…
Cậu còn cho bạn gái mượn 50 triệu đồng để xây nhà. Đến khi hết tiền, Hào Anh về đập phá nhà cửa, đuổi mẹ ruột bà Phạm Thị Thoa và ông Nguyễn Xuân Hùng (cha dượng) ra khỏi nhà vào tối ngày 30/8/2014.
Nhiều người thất vọng
Ông Trần Xuân Trí, cảnh sát khu vực khóm 4, phường 8 cho biết: Sau sự việc Hào Anh đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, chính quyền địa phương đã nhiều lần giáo dục, xử phạt hành chính đối với cậu ta.
Sau đó, Hào Anh đã xin lỗi cha mẹ trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. 'Hào Anh xin lỗi và đón cha mẹ về ở chung nhà.
Rồi cậu ta lại chứng nào tật nấy, thường xuyên đưa bạn bè về ăn nhậu tại nhà. Mỗi lần được tôi mời lên nhắc nhở, Hào Anh đều hứa sửa đổi nhưng đâu lại vào đấy', ông Trí nhớ lại.
Không chỉ có người thân và những người từng thương yêu cậu bé tội nghiệp năm nào thất vọng, một đại gia từng hỗ trợ Hào Anh 100 triệu đồng tâm sự, ông rất buồn khi hay tin Hào Anh bị bắt.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, học tiêu tiền cũng quan trọng như học văn hóa:
'Trước đây, tôi thấy nhiều người vội vàng lên án, kết tội tiền từ thiện và những người có lòng hảo tâm với Hào Anh.
Họ cho rằng chính vì để Hào Anh cầm số tiền lớn như vậy nên cậu bé này mới sinh ra hư hỏng, chơi bời.
Theo tôi, tiền từ thiện không có tội. Đó chỉ là kết cục tất yếu của câu chuyện có tiền nhưng không biết cách tiêu mà thôi'.
Hào Anh bên ngôi nhà mới được xây vào tháng 5/2014. |
Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc, nhận định: 'Bị tra tấn về thể xác, tổn thương về tinh thần sâu sắc, nếu không được giáo dục, tư vấn để hàn gắn các vết thương, Hào Anh sẽ vẫn giữ cái nhìn méo mó về cuộc sống.
Sớm bị cục tiền rơi vào đầu là một bi kịch với em. Việc quen tiêu tiền nhưng lại không làm gì để kiếm ra tiền. Tiền từ thiện không làm hư Hào Anh nhưng nếu muốn giúp Hào Anh, tiền thôi chưa đủ.
Những đứa trẻ đã bị tổn thương như Hào Anh cần được yêu thương, được giáo dục chân thành và nghiêm khắc mới có thể thành người hữu ích.
Tiền không mua được hạnh phúc và sự tử tế cho các em. Đáng nhẽ, những người cho tiền hoặc người đã nhận trách nhiệm giúp Hào Anh quản lý tiền cần phải biết tiền của mình giao cho ai, chi vào việc gì, có hữu ích với các em hay không.
Đằng này, ngoài tiền ra, Hào Anh không có hành trang gì để bước vào đời. Người mẹ của Hào Anh lại đóng vai trò quá mờ nhạt trong chuyện dạy dỗ em.
Câu chuyện của Hào Anh là bi kịch của những thanh niên sớm bị tổn thương tâm lý, dù được cả xã hội quan tâm nhưng vẫn thiếu giáo dục để có thể hòa nhập cộng đồng, trưởng thành như 1 thanh niên bình thường'.
Kẻ tốt vô tâm từ câu chuyện Hào Anh, Kim Ngân Phải chăng chúng ta đang vung vãi lòng tốt một cách vô tâm và vô tình tạo nên những bi kịch cho chính những người mà chúng ta muốn cứu giúp? |