Chỉ cần search: cướp, giết, đánh chết, đâm v.v.. trên Google là có thế thấy người Việt ta ưa dùng bạo lực đến mức nào. Mà có khi không cần lên internet, hàng ngày cứ ra đường ra bạn có thể chứng kiến tận mắt.
Bạo lực xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, nhiều lứa tuổi. Những ngày lễ, tết lớn càng nhiều bạo lực, chắc do tác dụng của bia rượu. Càng trẻ tuổi càng hay dùng bạo lực. Ai cũng biết, bạo lực không thể triệt tiêu bạo lực, chỉ làm vòng xoáy thêm mạnh mà thôi. Nhưng triệt tiêu bạo lực luôn là thách thức lớn với mọi xã hội, một bài toán khó với mọi nhà quản lí.
Tôi thử tìm cách lí giải vì sao chúng ta lại ưa dùng bạo lực đến vậy.
Quá nhiều uẩn ức và bức xúc
Học sinh đánh nhau ngoài và ngay trong trường học không còn là chuyện hiếm. Trong ảnh là màn hỗn chiến của một nhóm nữ sinh. |
Chúng ta đa phần có một cuộc sống tích tụ quá nhiều uẩn ức, bức xúc về nhiều mặt của xã hội. Một môi trường xã hội có quá nhiều vấn đề, mở mắt ra là thấy bất công, tiêu cực, nhũng nhiễu. Thực phẩm thì độc hại, không khí thì ô nhiễm, ồn ào khói với bụi, giao thông thì hỗn loạn, giáo dục thì chạy theo thành tích, y tế thì quá tải v.v và v.v..
Thiếu không gian sống lành mạnh
Không gian đô thị chật chội, ngột ngạt, thiếu không gian thư giãn vui chơi, nhất là cho độ tuổi đang tràn trề năng lượng từ thiếu niên đến trung niên. Không có không gian công cộng cho các hoạt động thể chất để xả năng lượng, người ta đành giết thời gian và tiêu hao năng lượng ở những nơi chật hẹp đông đúc như quán cafe, quán nhậu vỉa hè. Nhàn cư vi bất thiện, rảnh rỗi nên một ánh nhìn khó chịu, một lời nó buột miệng cũng có thể khiến máu hung hăng bốc lên đầu.
Thiếu sức đề kháng với bạo lực
Chúng ta đã quen với việc giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực, ngay từ nhỏ việc áp dụng bạo lực từ cha mẹ lên trẻ nhỏ cũng được ngụy biện rằng "thương cho roi cho vọt", đến mức chúng ta chả bao giờ động não xem có còn cách nào khác ngoài roi vọt. Chúng ta hầu như thiếu kiên nhẫn, không biết trao đổi hay lắng nghe người khác và lắng nghe nhau. Thiếu nhận thức về cộng đồng, thiếu tinh thần hoạt động nhóm, chúng ta luôn đặt lợi ích bản thân, cục bộ lên cao nhất và trước hết. Vì vậy, hai chữ nhường nhịn dù hết sức dễ hiểu nhưng thật khó thực hành.
Chúng ta không có thói quen, không được khuyến khích và tạo điều kiện hoạt động thể lực ngoài trời gần gũi thiên nhiên một cách hiệu quả để xả thải những năng lượng xấu. Chúng ta đa phần hết giờ làm nếu không bù khú ở quán bia thì chui vào những căn nhà ống chật chội, ồn ào, rồi leo lên internet, nơi lúc nào cũng sẵn có những kẻ bất mãn luôn sẵn sàng tìm những kẻ rỗi rãi để trút những tâm sự căng thẳng nặng nề. Bởi chúng ta có xu hướng tìm những kẻ có tâm trạng u ám giống mình, "đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu" mà .
Đâu biết rằng cứ thế, mỗi ngày ta lại chất thêm một ít thuốc nổ vào trong mình, chỉ chực chờ một mổi lửa là bùng phát.
Có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa mà ở góc độ của mình tôi chưa nhận thấy hết được. Muốn giải quyết kết quả phải tìm ra nguyên nhân. Và mỗi người lại phải tự nỗ lực tìm ra nguyên nhân của chính mình. Nhưng trước hết, chính bản thân ta phải có mong muốn triệt tiêu xu hướng bạo lực trong mình trước đã.
Không cần phải chửi nhanh thế đâu! Nếu được hỏi người Việt làm cái gì giỏi nhất, tôi sẽ trả lời, họ chửi giỏi nhất. |