(Phunutoday) - Mặc dù sau lần nhờ cậy người xe ôm đó, H không gặp lại cha của con mình nữa, nhưng chị nghĩ sẽ có ngày nào đấy chị cho con mình biết mặt cha. Nhưng chị thật bất ngờ khi nghe tin người ấy vừa qua đời. H đưa con đến xin phép được thắp nén hương cho người quá cố. Tới nơi trò chuyện, chị mới hay biết anh ta chết là do căn bệnh thế kỷ HIV.
Một người đã quen với đau thương mất mát thì có lẽ nỗi bất hạnh này không thể quật ngã được H, chị phải làm gì đó có ích cho con, làm gì đó cho cuộc sống có ý nghĩa hơn trong quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại. |
Tôi quen H trong một buổi đến thăm trung tâm tư vấn phòng chống HIV. Đó là người phụ nữ chừng bốn mươi tuổi, với dáng người nhỏ nhắn, dong dỏng cao, nét mặt phúc hậu phảng phất nét buồn, Nhìn chị chẳng ai đoán được rằng chị lại có một số phận éo le nghiệt ngã đến thế.
Chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc trung du phía bắc, với rừng cọ đồi chè xanh tươi bát ngát. Gia đình chị có sáu chị em, H là chị cả trong nhà. Hoàn cảnh nhà chị khá đặc biệt, khi đứa em út chưa tròn sáu tuổi thi bố mẹ H lâm bệnh nặng và đều qua đời, để lại gánh nặnh gia đình đè lên đôi vai gầy của chị. Một mình lo lắng mọi chuyện, H trở nên già giặn trước tuổi, vừa là người chị lại như người mẹ đảm đang lo lắng cho các em.
Chị quyết định lên thành phố để làm thuê, ai thuê gì làm nấy, từ rửa bát, nấu cơm, thậm chí cả việc chăm sóc cho người già, người bệnh…chị đều làm. Những cám dỗ trong quá trình làm việc ở nơi phồn hoa đô thị nhiều khi khiến chị cũng thấy dao động, những lời mời mọc, những món quà đắt giá, và cả những món tiền lớn…nhưng điều kiện kèm theo những món quà đó là gì thì chị cũng ngầm hiểu, và H tự nhủ: mình không thể mắc sai lầm.
Những nhọc nhằn vất vả của công việc như in hằn thêm lên khuôn mặt tươi tắn của chị. Với đồng lương ít ỏi kiếm được, H dành dụm gửi về để mong các em không bị thất học và cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn. Biết mình có trách nhiệm lớn với các em nên H cũng không dám nghĩ đên hạnh phúc riêng, mặc dù đã có nhiều người đến ngỏ lời yêu thương với chị.
Thời gian thấm thoắt trôi đi đã hơn chục năm sau khi cha mẹ qua đời, Đứa em út của H cũng đã có việc làm, chị mới thở phào nhẹ nhõm. Giờ mới là lúc chị tính chuyện riêng cho mình. Chuyện riêng? nó có muộn quá không khi chị đã ở cái tuổi tứ tuần, tuổi mà người ta quen gọi là ế. Buồn cho số phận của mình, nhưng chị vẫn có nguồn động viên lớn là sự trưởng thành của các em, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình, chị vẫn khát khao có một gia đình nhỏ cùng những đứa trẻ gọi mình là mẹ để chị chăm sóc yêu thương.
Thương chị, các em động viên chị đi kiếm lấy một đứa con để sau này đỡ buồn, lúc đầu h thấy ngượng, nhưng khi nghe mọi người phân tích thiệt hơn chị mới đồng ý. Người mà chị chọn làm cha của con là một người làm nghề xe ôm.
Sau một thời gian mang thai chị sinh được một bé trai rất kháu khỉnh. Mọi người đều chúc mừng cho chị. Ở cái tuổi ngoài bốn mươi, cái cảm giác được làm mẹ trong chị mới được thức dậy. Từ những bận rộn, lo lắng mỗi lúc con ốm đau, những thiếu thốn về kinh tế, và cả sự sung sướng tuyệt vời khi thấy con cười con chơi…niềm hạnh phúc đến với chị thật lớn lao. Còn gì tuyệt vời hơn khi có một ngôi nhà nhỏ để về mỗi khi hết giờ làm, nơi đó có đứa con thơ luôn chờ chị, với H cuộc sống như thế là quá đủ rồi. Chị thầm cảm ơn số phận đã cho chị được hưởng niềm hạnh phúc này dù nó đến có muộn màng.
Mặc dù sau lần nhờ cậy người xe ôm đó, H không gặp lại cha của con mình nữa, nhưng chị nghĩ sẽ có ngày nào đấy chị cho con mình biết mặt cha. Nhưng chị thật bất ngờ khi nghe tin người ấy vừa qua đời. H đưa con đến xin phép được thắp nén hương cho người quá cố. Tới nơi trò chuyện, chị mới hay biết anh ta chết là do căn bệnh thế kỷ HIV, nghe đến đây mọi thứ trên đầu dường như đổ sụp xuống chị, chị bàng hoàng như không tin vào tai mình nữa, chị chạy ra ôm chầm lấy đứa con mà khóc nức nở: “Tội nghiệp con tôi,con có tội gì đâu”.
Chẳng lẽ hạnh phúc của chị chỉ ngắn ngủi vây sao. Niềm hạnh phúc của chị đến nhanh và ra đi cũng nhanh, nó như là một giấc mơ. Rồi đây hai mẹ con chị sẽ sống ra sao trước sự kỳ thị ghẻ lạnh của mọi người. chuyện một người bị nhiễm HIV ở quê chị bị mọi người đối xử như thế nào thì chị đã quá rõ rồi. H đau đớn tột cùng, nhiều lúc muốn làm liều, nhưng khi nhìn thấy đứa con tội nghiệp của mình chị lại thôi, chính đứa con là sợi dây níu giữ chị lại với cuộc sống này. Một người đã quen với đau thương mất mát thì có lẽ nỗi bất hạnh này không thể quật ngã được H, chị phải làm gì đó có ích cho con, làm gì đó cho cuộc sống có ý nghĩa hơn trong quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại.
H đã xin tham ra vào câu lạc bộ những người đồng cảnh ngộ để có điều kiện chia sẻ thông cảm với nhau. Ở đây chị tích cực tham ra tuyên truyền tới cộng đồng dân cư hiểu thêm về căn bệnh thế kỷ, tư vấn các biện pháp phòng chống và sống chung với căn bệnh này ra sao…chị thấy công việc của mình có ý nghĩa với mọi người, và tìm lại được niềm vui, thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn.
- Bùi Kiên