Bị bệnh xong mới biết có 2 bộ phận sinh dục
Men theo con dốc đá dựng ngược, chúng tôi đến bản Ký Thì trời vừa đúng ngọ. Điều lạ lẫm ở vùng đất vốn thiếu cơm ăn này của bà con người Mông là, con người nơi này có thân hình to, cao hơn so với các vùng khác ở đất địa đầu Tổ quốc. Hỏi ông Giàng A Cẩm, bB thư bản Ký Thì về điều đáng tự hào này, ông Cẩm lại không lấy làm vui. “Có nỗi buồn chẳng ai muốn nói ra ở vùng đất lạ lùng này. Chẳng là, mấy năm gần đây ở bản lại phát hiện ra nhiều cháu bé nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ”, ông Cẩm thở dài.
Nghe chuyện của ông Bí thư bản mà chúng tôi giật mình, vùng đất vốn yên ả và thanh bình này, từ xưa đến nay đâu có những chuyện lạ lùng đến thế. Đích thân ông Cẩm dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình có con ở trong bản.
Từ trung tâm bản nhìn ra các triền núi xung quanh dốc cao. Bà con người Mông làm nhà dựa vào vách núi. Đến nhà cháu Tráng Thị Hương (tên cháu Hương đã được đổi – PV), trời đã nhá nhem tối. Hương đang ăn cơm cùng gia đình. Bố mẹ Hương dường như không muốn nhắc tới căn bệnh kì lạ của con gái mình.
Năm nay Hương tròn 9 tuổi, cháu đang học lớp 3. Cô gái người Mông gầy còm, nhìn người khách lạ với ánh mắt lo sợ. Bố của Hương nói cầm chừng: “Năm ngoái, Hương bị trận ốm thập tử nhất sinh. Gia đình đưa đi khám mới biết cháu có 2 bộ phận sinh dục. Ở cái chỗ kín ấy lại mọc thêm cái bộ phận của con trai”.
Qua câu chuyện của gia đình Hương, năm lên 6 tuổi, Hương đã có biểu hiện khác lạ. Hương thấy vùng kín của mình bỗng dưng xuất hiện thêm bộ phận sinh dục của con trai. Bố mẹ bận việc nương việc rẫy nên chẳng chú ý đến con, lại thêm xấu hổ nên Hoàn cũng giấu biệt chuyện khó nói ấy.
Sau trận ốm, Hương mới được các bác sĩ thăm khám cẩn thận và cũng nhờ tấm lòng của một nhà hảo tâm mà Hương đã được phẫu thuật để trở thành con gái hoàn toàn. Từ ngày đó, Hương mới không phải vất vả với 2 bộ phận sinh dục của mình.
Ở cái xóm núi heo hút này, cái ăn cái mặc còn thiếu, nên việc khám chữa bệnh cho con cái hàng năm gần như không được phụ huynh quan tâm. Con cái họ lớn lên, chẳng may cháu nào bị bệnh nặng mới được đưa xuống viện. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân vì sao, nhiều cháu bé ở nơi này có 2 bộ phận sinh dục mà không được phát hiện và điều trị sớm. "Do nhà các cháu quá nghèo, không có đủ điều kiện để đưa các cháu đi khám", ông Cẩm cho biết.
Giàng A T. ở thôn Ký Thì năm nay 19 tuổi. Cũng như Hương, T. cũng được hỗ trợ đưa xuống Hà Nội thăm khám bởi cũng có hai bộ phận sinh dục mang hình hài cả nữ và nam. Trước khi đi khám, gia đình và dân bản đều cho rằng Tu là con trai và bản thân Tu cũng nghĩ như vậy.
"Không chắc đứa nào trai, đứa nào là gái"
Cách bản Ký Thì một tầm tiếng gọi là nhà ông Giàng A Chảo ở thôn Tiến Xuân, cùng xã Yên Cường. Gia đình ông Chảo có 3 đứa con bị bệnh giống như cháu Hương. "Tôi có cả thảy 9 đứa con. Khi mới lọt lòng, gia đình tôi chỉ dám chắc có 3 đứa là gái, 3 đứa là trai, còn 3 đứa còn lại không biết là trai hay gái đâu. Khi mới đẻ không biết được đâu mà", ông Chảo kể.
Bên ngôi nhà nhuốm màu khói bếp, ông Chảo ngồi co ro bên bếp lửa kể về gia đình mình với chất giọng lơ lớ tiếng phổ thông, nhà đông con, vợ chồng ông làm quanh năm mà nhà vẫn thiếu, vẫn đói. Cả ngày ở trên nương, trên rẫy, ông Chảo ít khi có thời gian quan tâm tới sức khỏe của con cái. Thế rồi có lần ông phát hiện trên cơ thể các đứa con của mình gồm Thanh, Tu, Hà có tới 2 bộ phận sinh dục. Ông thấy lạ, nhưng cũng không đưa con cái đi khám. Chúng lớn lên với sự mặc cảm như thế mà không hay biết nguyên do và cách điều trị.
Qua những trường hợp mà chúng tôi tìm đến đều rất lo lắng và bồn chồn. Các cháu không muốn tiếp xúc với người lạ. Các gia đình có con em mình bị bệnh lạ lùng này, họ cũng không nói nhiều về con cái mình. Thống kê sơ sơ của chúng tôi, nơi này có 5 cháu mắc bệnh có 2 bộ phận sinh dục.
Rất cần cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu Chuyện lạ này đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến giờ, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu và tìm hiểu. Theo chị Nguyễn Thị Giang, cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Bắc Mê (người đã cung cấp thông tin về các cháu ở Yên Cường cho chúng tôi), trong những lần đi làm từ thiện nhóm của chị đã phát hiện 5 trường hợp mang dị tật khác thường như trên. "Đồng bào vùng cao thiếu thốn, hiểu biết hạn chế nên xấu hổ, họ giấu chuyện khó tin này. Thêm nữa, đường sá xa xôi, ít được chăm sóc về y tế nên chưa chắc là chỉ có 5 người bị đâu", chị Hà Giang cho biết. |
(Theo Dân Việt)