“Xử” tình địch bằng nhát kéo oan nghiệt

( PHUNUTODAY ) - “Nhưng chẳng ngờ mọi việc lại thành ra như thế, lúc ấy chị Nguyệt đã nhảy vào đánh ghen ngược khiến em hoảng quá làm chiếc kéo đâm trúng người chị ấy”, Hạnh biện minh cho hành vi giết người của mình.

(Phunutoday) - Trong khoảnh khắc rất ngắn của đời người, chị đã tự rẽ lối tương lai của bản thân và 2 đứa trẻ thơ khi cầm kéo đâm tình địch một nhát thấu tim, cướp đi mạng sống của người đàn bà thứ hai trong cuộc đời chồng chị. Gây ra chuyện tày trời, bỏ lại con thơ, một mẹ chồng già yếu và cả bà cô tâm thần phân liệt mà chục năm qua, gần như một tay chị cáng đáng, nước mắt người phụ nữ trẻ đã không thôi rơi trong nhà tạm giam của trại giam Cầu Đông.

[links()]

Nỗi ân hận sau đòn ghen oan nghiệt

Người phụ nữ ấy là Phạm Thị Hạnh, 25 tuổi, trú tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bây giờ, chị đã là can phạm nhân, và đang phải đối mặt với án phạt tù không dưới 10 năm cho tội “giết người”.

Gia đình, bạn bè, chòm xóm và ngay cả bản thân chị cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, có một ngày chị lại trở thành sát thủ, nhưng chuyện không ngờ ấy đã đến thật.

Chỉ vì chồng trăng hoa, có phòng nhì bên ngoài, bỏ bê chuyện gia đình mà chị đã tức tưởi vung tay sát hại kẻ đang tâm cướp chồng mình, cướp luôn cha của 2 đứa trẻ vô tội.

Gần 1 tháng ròng nằm tại trại tạm giam Cầu Đông, hầu như hôm nào can phạm nhân Phạm Thị Hạnh cũng khóc. Phần nhiều là ân hận, nhưng cũng ngổn ngang lo toan, mẹ già, con nhỏ, chị tâm thần, không có bàn tay chăm sóc của chị, không biết họ sẽ xoay xở thế nào.

Đang còn cả một chặng đường dài miên man phía trước, khi chị phải đi trả án cho hành vi giết người của mình. Đó là những chia sẻ đầu tiên của Hạnh khi tiếp xúc với tôi tại trại tạm giam.

Người đàn bà một đời lam lũ vì chồng vì con, thế mà thoáng chốc bị phụ rẫy không thương tiếc nên đã bị cơn ghen làm cho mụ mị dẫn đến hủy hoại cả tương lai của chính mình.

Giọt nước mắt ân hận

 Bị can Phạm Thị Hạnh.
Bị can Phạm Thị Hạnh.

Trước khi vướng vào vòng lao lý, Phạm Thị Hạnh là một người đàn bà chịu thương chịu khó. Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần phác ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà nên chỉ học đến lớp 9, Hạnh bỏ học ở nhà làm ruộng vì theo bố mẹ chị lúc bấy giờ thì, “con gái học làm gì nhiều, sớm muộn gì rồi cũng bỏ cha mẹ mà đi lấy chồng”.

Với những cô gái khác thì không biết thế nào, chứ vận vào Hạnh quả đúng như vậy. Lớn thêm tý chút, lại có nhan sắc nên dù suốt ngày làm bạn với ruộng đồng, thôn nữ này vẫn toát lên nét duyên thầm cuốn hút.

20 tuổi, Hạnh về làm vợ của Nguyễn Trần Thiết, một chàng trai làm thợ hàn. Gánh nặng gia đình đè lên vai cô gái trẻ khi chị phải nuôi thêm mẹ già đã ngoài 80 và bà cô tàn tật trong nhà.

Chẳng nề hà, Hạnh đã làm tốt phận sự dâu con của mình, Thiết cũng là người biết lo lắng cho gia đình nên thời gian đầu, cuộc sống tuy khó khăn nhưng êm ấm, 4 năm sau ngày cưới, họ đã cho ra đời 2 đứa con kháu khỉnh, 1 trai và 1 gái.

Ngày ngày, Hạnh ngoài việc làm đồng còn kiêm thêm nghề bắt ốc tại các con mương, con lạch nhập cho các quán nhậu ven thành phố nên cũng có đồng ra đồng vào. Trong khi đó, chồng Hạnh chăm chỉ nhận các phần việc ở các công ty quảng cáo nên cũng không đến nỗi nào.

Thế nhưng, chẳng ai nói trước được chữ ngờ khi mà đùng một cái, đang êm ấm ăn nên làm ra thì Nguyễn Trần Thiết sinh ra đổ đốn. Ban đầu là mấy chén rượu, sau sa vào cờ bạc rồi tệ hại hơn là có mối quan hệ bất chính ngoài vợ ngoài chồng.

Người mà Thiết chọn yêu là một người đàn bà từng trải, hơn Hạnh đến nửa con giáp và nhiều hơn chồng chị những 5 tuổi. Đáng nói hơn là Nguyễn Thị Nguyệt (tên người tình của chồng chị) không ở đâu khuất mắt mà lại ở ngay trong làng trong xã.

Biết chuyện, Hạnh nhiều lần khuyên nhủ nhưng cơn mị tình của gã chồng hư đốn đã lấn át lý trí, ngày càng sa lầy vào cơn điên tình ái. Người vợ hiền sức chịu đựng có hạn, và điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Phạm Thị Hạnh cúi đầu khóc nức nở: “Có lẽ trông em già và xấu xí nên chồng em mới đi tìm “của lạ” từ bên ngoài”. 25 tuổi, nhưng 5 năm được làm vợ, làm mẹ của Hạnh có lẽ là quãng thời gian khốn khó nhất của đời người.

Một ngày của chị bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc khi tất cả đã chìm vào giấc say tĩnh lặng. Thật xót xa khi nghe Hạnh nói rằng, kể từ khi bị bắt giam, chị mới được nghỉ ngơi tý chút, còn lại những ngày ở nhà chồng, chị phải lao động quần quật để cỗ máy gia đình với mẹ già, con dại và cả người không khôn không bị ứ đọng lại trong vòng xoay của cuộc sống.

Cũng chẳng phải ai ép buộc chị phải làm việc nhiều đến thế, nhưng thực tế chị không làm vậy cũng chẳng còn ai. Anh Thiết, chồng chị chỉ biết kiếm tiền từ cần câu cơm là hàn xì, còn lại mọi việc trong gia đình phó thác cho chị tất.

Thời gian đầu, chồng vừa kiếm ra tiền lại vừa yêu biết vun vén cho gia đình nên dù vất vả, cảm nhận được không khí ấm cúng từ gia đình, Phạm Thị Hạnh cũng thấy thật hạnh phúc. Nhưng mọi cái đã thay đổi hoàn toàn cách đây hơn một năm về trước.

Đó là lúc con trai đầu lòng tròn 4 tuổi và đứa sau lên 3, Thiết bắt đầu chểnh mảng việc chăm lo gia đình, thường xuyên đi sớm và trở về nhà trong những cơn say, lúc đã rất khuya khoắt. Kể từ khi gã chồng này biết đánh bạc thì mọi nỗ lực cứu vãn tổ ấm của Hạnh coi như muối bỏ bể.

Để có tiền thỏa mãn máu đỏ đen, Thiết đã tìm đủ mọi cách moi hết những đồng tiền tích cóp được để nuôi con ăn học đem nướng vào sòng bài, thậm chí cái cần câu cơm duy nhất là cái mỏ hàn cũng bị gã bán đi không thương tiếc.

Trong những cuộc chơi vô bổ đó, Nguyễn Trần Thiết đã được một người đàn bà giúp đỡ cho tiền bạc để thỏa mãn cuộc vui, rồi nhanh chóng trở thành một cặp.

Người đàn bà ấy là Nguyễn Thị Nguyệt, nếu so về độ tuổi thì thuộc vào lớp đàn chị của cả vợ chồng Hạnh, nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì, Thiết và Nguyệt đã cặp kè với nhau.

Lúc đầu thì còn giữ ý tứ, về sau chúng công khai cho mọi người biết và chuyện đến tai Hạnh. Vì hạnh phúc gia đình, chị đã nhiều lần khuyên bảo chồng nhưng không được, chị toan ôm con bỏ về ngoại, song nhìn ánh mắt vô hồn của bà cô và sự cầu khẩn của bà mẹ chồng, Hạnh đã gạt nước mắt ở lại trong tủi nhục.

Nỗi hờn ghen cứ thế dâng nghẹn trong lòng, hễ lao đầu vào công việc thì chị quên được, nhưng khi nghe ai đó đàm tiếu, dị nghị nhằm vào gia đình là trái tim người phụ nữ này lại như bị ai bóp nghẹt. Sức chịu đựng của con người là có hạn, và khi sự ức chế bị đẩy lên đến đỉnh điểm thì hậu quả của nó thật khôn lường.

Ấy là vào đêm 10/1, sau một ngày quần quật ngoài đồng và sắp xếp việc nhà, Phạm Thị Hạnh cho các con ngủ xong thì sực nhớ đã sắp Tết mà trong nhà chẳng còn tiền để mua cho chúng bộ quần áo mới nên đã ra khỏi nhà, đạp xe đến các quán nhậu đêm trong xã định bụng gom mấy đồng tiền nợ mà mấy hôm Hạnh bán ốc, bán cua nhưng chưa lấy tiền.

Lúc đến quán của bà Chín ở xóm Phú Mậu, từ ngoài xa Hạnh đã thấy chồng mình đang ăn uống vui vẻ với nhân tình Nguyệt, cơn giận trong con người chị bốc lên ngùn ngụt. Nỗi uất ức tủi cực trào lên khiến Hạnh nghẹn ngào.

Nghĩ thương thân mình quanh năm vất vả sớm khuya lặn lội mò từng con nghêu, con ốc mới kiếm được đồng tiền, để rồi con mình không được hưởng mà gã chồng lại đem những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó cho người đàn bà lăng loàn kia ăn nhậu nên chị nghĩ, phải dằn mặt mụ đàn bà này, để cho ả chừa thói lăng nhăng.

Nghĩ sao làm vậy, Hạnh nhanh chân về nhà thủ sẵn một chiếc kéo định bụng để cắt tóc Nguyệt để dằn mặt.“Nhưng chẳng ngờ mọi việc lại thành ra như thế, lúc ấy chị Nguyệt đã nhảy vào đánh ghen ngược khiến em hoảng quá làm chiếc kéo đâm trúng người chị ấy”, Hạnh biện minh cho hành vi giết người của mình.

Trước khi chia tay với tôi, Phạm Thị Hạnh còn cho biết thêm, gây ra tội giết người là chị đã gây ra đau thương cho gia đình Nguyệt, chị ân hận về điều đó. Nhưng chị cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, giá như người đàn bà ấy đừng quá đáng khi đã cướp chồng người thì sự thể không đến nỗi.

Giờ, chị chỉ thương cho hai đứa con, chúng còn quá nhỏ dại để đón nhận biến cố gia đình. Cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng cái giá cho sự đòi lại hạnh phúc gia đình của Phạm Thị Hạnh, ngẫm ra thật đắng đót và tàn nhẫn.

  • Thành Sen
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn