Xuất khẩu VN khựng lại do động đất ở Nhật

( PHUNUTODAY ) - (Phunuvadoisong)- Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Ảnh hưởng của động đất và sóng thần đến giao thương giữa Việt Nam và Nhật đã đến nhanh.


Tuy cao su Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng các nhà xuất khẩu cao su trong nước đang nhấp nhổm do giá giảm gần 30%.

Báo SGTT dẫn lời ông Hà Văn Chảy, chuyên viên phân tích giá và thị trường thuộc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, chiều 15/3, xác nhận: mặc dù Nhật Bản chỉ chiếm thị phần khá nhỏ nhưng trận động đất, sóng thần xảy ra hôm 11/3 đã tác động mạnh đến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam. Hôm 14/3, nếu như giá còn ở mức trung bình 102 triệu/tấn, thì qua ngày 15, giảm xuống còn dưới 95 triệu đồng; trong khi hôm thứ năm tuần trước là 120 triệu đồng. Như vậy, so với trước khi xảy ra động đất, mỗi tấn cao su bị mất giá ít nhất khoảng 1.500 USD, từ 5.740 USD xuống dưới 4.200 USD.

“Mặc dù giá giảm nhưng lúc này mọi giao dịch bị ngưng trệ, không ai dám mua bán vì chưa rõ tín hiệu thị trường những ngày tới sẽ theo hướng nào”, ông Chảy cho biết thêm.

Bên cạnh đó,  các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thuỷ hải sản ở Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng này.  Hiện đang là mùa xuất khẩu cá ngừ qua Nhật, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cho các bạn hàng phía Bắc nước Nhật những ngày qua không thể liên hệ được với đối tác phía Nhật. Vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tới Nhật, nhất là các sân bay khu vực phía Nam như Narita, Sendai… bị ngưng trệ và rối loạn trong những ngày qua.

Ông Đặng Cao Thắng, giám đốc công ty Việt Tân, chuyên vận chuyển hàng tươi sống sang các thị trường quốc tế bằng đường hàng không, cho biết những ngày này, công ty chỉ nhận chuyển hàng sang sân bay Osaka, nằm ở phía Nam nên ít bị ảnh hưởng hơn. “Chúng tôi không dám nhận chuyển hàng sang Narita và các khu vực phía Đông Bắc vì hiện nay cũng không thể vận chuyển sang những khu vực ấy.”
e
Lượng du khách Nhật đến Việt Nam giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh thu ngành du lịch, bởi khách Nhật được cho là có mức chi tiêu cao khi đi du lịch. Ảnh: SGTT

Ông này còn cho biết, khách hàng của ông là những công ty Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản, cá ngừ sang Nhật đều đang gặp khó khăn vì không thể liên hệ với các đối tác của mình.

Ông Nguyễn Lộc, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cho biết, chưa rõ ảnh hưởng lâu dài thế nào, trước mắt là hàng công ty sản xuất ra phải tạm hoãn giao hàng một tháng. Ông Lộc nói: “Khi khách hàng đề nghị hoãn thời gian giao hàng, Cadivi cũng có chút thiệt thòi nhưng giá trị không đáng kể. Trong tình cảnh như vậy, cần có sự chia sẻ với nhau”.

Cũng trên báo VTC, chị Hoa - nhân viên của một công ty phát triển phần mềm trên địa bàn Hà Nội bức xúc: “Tôi đã cố gắng gọi rất nhiều cuộc điện thoại nhưng đều không liên lạc được”. Vì phần lớn khách hàng của công ty chị Hoa là người Nhật Bản, công việc chủ yếu giao dịch qua mail và điện thoại, trong khi đó, 2 đường truyền kết nối này đều bị ngắt do sự cố sóng ngầm vừa diễn ra.

Trong khi đó, cả sứ quán Nhật tại Việt Nam cũng như hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM ngày hôm qua khi được liên lạc đều từ chối đưa ra nhận định về tình hình giao thương giữa hai bên trong thời điểm này.
(Tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn