Yêu râu xanh hại đời em họ 12 tuổi

06:53, Thứ năm 05/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Dù được dì chăm sóc, dạy dỗ, chiều chuộng nhưng Hoàng Văn Thắng, SN 1982, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã nổi cơn thú tính với chính người con gái của dì khi cô bé mới 12 tuổi.

Dù được dì chăm sóc, dạy dỗ, chiều chuộng nhưng Hoàng Văn Thắng, SN 1982, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã nổi cơn thú tính với chính người con gái của dì khi cô bé mới 12 tuổi. Giờ đây, đứa em gái một thời gã từng yêu quý đã phải bỏ đi biệt xứ. Còn gã phải đối mặt với những năm tháng tù dài trong trại giam, ôm nỗi đau đớn, ân hận vô vàn.

Ngồi lặng lẽ trong hội trường của trại giam, Hoàng Văn Thắng không cất nổi lời tâm sự. Lấy vệt tay áo còn nguyên bụi đất lau mồ hôi, Thắng bảo rằng, cái giá vì không kiềm chế được nhục dục mà gã phải trả là quá lớn.

Chỉ vì giây phút không kiểm soát được bản thân mà gã đã đánh đổi cả thời trai trẻ trong 4 bức tường của trại giam. Gần chục năm trôi qua, vết thương lòng của mọi người vẫn không hề nguôi ngoai mà còn nhân lên nỗi đau, lòng căm phẫn  khi người em gái họ của Thắng sau lần ấy đã phải bỏ đi biệt xứ.

Em họ cũng không tha…

Mẹ Thắng là chị cả trong gia đình có 4 chị em gái ở  vùng quê nghèo Yên Bái. Nhà nghèo nên mẹ Thắng đã phải hy sinh cho các em. Bà phải lăn lộn để kiếm miếng cơm, manh áo, đỡ đần cha mẹ nuôi các em khôn lớn. Mẹ Thắng thương quý dì út tên là Lò Thị Tiến (SN 1964) hơn cả.

 Hai chị em ở nhà thường nhường cơm sẻ áo cho nhau. Rồi mẹ Thắng có gia đình riêng, nỗi vất vả như càng nhân lên khi bà phải nuôi 8 người con.

 Thấy chị vất vả, dì Tiến của Thắng thương chị nhiều lắm. Dì Tiến thường sang nhà chăm bẵm anh em gã. Trong số những đứa cháu ấy, Thắng được người dì cưng chiều hơn cả.

Rồi mẹ Thắng mai mối cho dì Tiến lấy chồng ở gần nhà mình để chị em tiện đi lại, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Dì Thắng lần lượt sinh được 3 người con, trong số đó có em Hoàng Thị D. (SN 1991).

Dù chênh lệch nhau khá nhiều tuổi, nhưng Thắng thường sang nhà dì đưa các em đi chơi, cùng lên nương rẫy, kiếm củi mang ra chợ bán. Nhìn tình cảm của Thắng dành cho những đứa em họ, không ai nghĩ gã có thể gây ra sự việc đau đớn và tội lỗi đến thế.

Ngồi trầm ngâm, đôi lúc Thắng đưa vạt áo tù quệt ngang dòng mồ hôi, Thắng kể: Khi gã học đến lớp 6, phần vì nhà đông con, phần vì học dốt nên gã chán nản, xin nghỉ học, ở nhà giúp mẹ việc đồng áng. Hơn 10 tuổi, Thắng đã biết tự vào rừng lấy gỗ đem về xuôi bán.

Thu nhập từ mỗi chuyến gỗ ấy cũng giúp cho gia đình Thắng có miếng cơm ngon và cho một số em được đến trường. Thấy anh họ làm vất vả, dù còn nhỏ nhưng thỉnh thoảng em D. vẫn phụ gã phân loại gỗ, củi để mang bán. Vì thế mà tình cảm anh em gắn kết, yêu quý nhau.

Hôm đó, vào trưa ngày 16/6/2004, có người chú họ đến nhà chơi nên nhà Thắng thịt gà làm cơm đãi khách. Buổi trưa, mấy chú cháu uống hết can rượu 3 lít khiến Thắng say mềm.

Nhưng bị cha la mắng nên dù có men trong người, Thắng vẫn phải mang trâu đi thả. 14h cùng ngày, Thắng dắt trâu lên đồi gặm cỏ. Khi đi qua nhà người dì ruột Lò Thị Tiến, gã chỉ thèm ngả lưng cho đỡ cơn buồn ngủ.

 Hoàng Văn Thắng trải lòng trong trại giam
Hoàng Văn Thắng trải lòng trong trại giam


Vậy là gã tìm vào nhà dì. Khi vào tới nơi, thấy em D., con gái thứ 2 của người dì đang ở nhà một mình, dì chú đã đi cấy hết, còn các em khác đi học, thú tính trong người Thắng nổi lên. Hắn bế thốc đứa em họ lên giường và thực hiện hành vi đồi bại, mặc cho cô bé cào cấu, khóc lóc van xin. Thỏa mãn xong thú tính, gã bỏ cả trâu ngoài đồi, về nhà nằm ngủ.

Về phần D., sau lần ấy, cô bé đau đớn nằm bẹp một chỗ. Chiều muộn hôm đó, đi làm về, chị Lò Thị Tiến phát hiện cô con gái có những biểu hiện bất thường, sốt và khóc nức nở. Chị cố gặng hỏi con gái, nhưng cô bé chỉ im lặng.

 Đến gần khuya, thấy con ra nhiều máu ở “vùng kín”, chị Tiến lo lắng tra hỏi thì cô bé mới òa khóc và kể đầu đuôi câu chuyện.

 Lúc ấy, chân tay chị Tiến như rụng rời, chị không dám tin đó là sự thật, bởi kẻ gây đau thương lại là đứa cháu mà chị thương quý nhất. Chị Tiến chạy sang nhà chị gái để hỏi sự thể thì Thắng lấm lét nhận mình là người gây ra trò mất hết đạo đức ấy.  

Trả giá bằng cả thời trai trẻ trong chốn lao tù

Bà Lò Thị Ành, mẹ Thắng, chết lặng khi nghe con thú nhận rành rọt tội lỗi với người em họ. Đến lúc ấy, bà cũng không hiểu tại sao con mình có thể làm chuyện đốn mạt đến như vậy. Bố Thắng đã cố van xin người dì rằng chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau.

 Nhưng vì quá bức xúc trước hành vi mất hết nhân tính của người cháu với đứa con nhỏ của mình, chị Tiến đã làm đơn trình báo cơ quan công an. Không xin được người dì, bố Thắng tức giận nổi cơn lôi đình và lôi mẹ Thắng ra sân tra tấn vì không biết “dậy con”,  để cho sự thể bẽ bàng như thế. Nhìn hình ảnh mẹ co rúm trước bàn tay của người cha, Thắng thấy nhói lòng, ân hận trào dâng.

Những ngày bị giam cứu ở trại tạm giam, rồi những phút “đi cung”, gã như đã cảm nhận rõ sự xấu hổ và mất hết lương tri của mình.

 Những những lúc ấy, gã đều nghĩ đến mẹ, đến người cả cuộc đời tần tảo cho các em, cho chồng cho con, giờ lại phải chịu cảnh đay nghiến, hành hạ của cha và đối mặt với những lời dị nghị, bàn ra tán vào của láng giềng. Cứ nghĩ như thế, gã lại thấy thương mẹ, lo vì chuyện của gã mà mẹ và dì mất hết tình nghĩa bấy lâu nay.

Hôm Thắng bị đưa ra xét xử, người dì cũng đưa cô em họ, nạn nhân của hắn đến. Giận Thắng hại đời con gái mình, người dì đã không xin giảm nhẹ tội cho gã. Kết thúc phiên tòa, Thắng ê chề nhục nhã nhận 20 năm tù vì tội Hiếp dâm trẻ em.

 “Lúc ấy, em không dám nhìn mọi người xung quanh bởi sự xấu hổ, tội lỗi. Em thật sự bàng hoàng khi nghe tòa tuyên án vì không nghĩ rằng tội lỗi mình sẽ lớn như thế. Những ngày về trại tạm giam chờ thi hành án, em chẳng muốn ăn và cũng chẳng ngủ nổi vì nghĩ, lúc ra tù mình đã ngoài 40 tuổi, tất cả tương lai sẽ khép lại...”, Thắng chia sẻ

Sáu tháng sau, Thắng được chuyển về Trại giam Tân Lập thụ án. Do án dài nên gã được các cán bộ trại giam cho vào đội khâu bóng, chuyên làm ở xưởng trong nhà. Công việc không quá nặng nhọc, nhưng gã luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ đời mình coi như đã đi vào ngõ cụt tối tăm, không có lối thoát.

Nhiều ngày, gã nằm lì trong buồng giam và không đi lao động. Nhưng được sự động viên của các quản giáo, Thắng mới biết, nếu cải tạo tốt, gã sẽ có cơ hội được giảm án và được nhận đặc xá, như thế hắn sẽ được trở về sớm hơn.

Mưa dầm thấm lâu, những lời khuyên chân thành từ cán bộ quản giáo đã giúp cho Thắng bình tâm đứng dậy và chăm chỉ làm việc để được chuộc lỗi.

Được tâm sự và chia sẻ, Thắng như trút vợi được nỗi u uất trong lòng. Gã cởi mở kể về chuyện đã từng yêu 1 cô gái. Trước khi gây án, gã đã định sẽ cưới cô gái này làm vợ nên đã cố giữ gìn, chưa từng “thân mật” với người yêu.

Nhưng sau khi gã gây chuyện tày đình, người con gái ấy đã  không thể chấp nhận, đã bỏ gã đi lấy chồng. Thắng bảo, gã không trách người yêu, bởi tất cả do lỗi của gã gây ra, gã phải chấp nhận sự thật và đã cố gắng cải tạo để chuộc lại lỗi lầm.

Chính vì thế, gần 8 năm cải tại trong trại giam, gã đã được giảm án. Những lần như thế, gã lại viết thư, ghi lại những suy nghĩ của mình, để biết đâu trên đường đời, sẽ có lúc gã chán nản thì những dòng tâm sự ấy sẽ giúp gã đứng dậy.

Khi nhắc đến gia đình, nói về đứa em mà hắn đã gây ra tội lỗi ấy, mắt Thắng rưng rưng: “Cuộc sống giờ đây, mỗi anh chị em của em đều đã có cuộc sống riêng. Bố mẹ em thì có tuổi, ngày một yếu dần, vậy mà nhiều lúc ông vẫn mang chuyện của em ra để đay nghiến mẹ, khiến bà đau lòng.

 Nhưng điều em ân hận nhất bây giờ là tương lai của D. Từ khi xảy ra chuyện, nghe gia đình nói em nó đã đi biệt xứ vì xấu hổ…”, Thắng trải lòng.

Bảo Nam
ảnh: Hoàng Văn Thắng trải lòng trong trại giam
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc