Thịt thối, giá trứng, trâu bò lậu..., quản thực ăn đường phố

( PHUNUTODAY ) - Tuần qua, các vụ việc về thịt thối, giá trứng, trâu bò lậu, hàng giả, hàng lậu, quản thực ăn đường phốhellip; nóng cả tuần.

Tuần qua, các vụ việc về thịt thối, giá trứng, trâu bò lậu, hàng giả, hàng lậu, quản thực ăn đường phố… nóng cả tuần.

Một ngày nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn

Liên tục bắt giữ thực phẩm bẩn

Sáng 15/1, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra kho của Công ty liên doanh kho lạnh Panasato (số 1, đường D20, KCN Sóng Thần II, TX. Dĩ An, Bình Dương) phát hiện hàng chục tấn thịt gà, vịt, cánh gà… đã hết hạn sử dụng từ 3 đến 4 tháng đang được ký gửi tại đây.

lien-tuc-phat-hien-thit-thoi-Phunutoday.vn.jpg
Liên tục phát hiện thực phẩm bẩn, thối, hết hạn sử dụng...

Ngoài ra, còn có hơn 8 tấn nem, giò thủ, giò lụa không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng trên bao bì; hàng chục tấn cá trứng, váng sữa nhập khẩu… đã cận hạn sử dụng; hàng chục tấn váng sữa nhập khẩu chỉ còn hạn sử dụng đến ngày 25/1/2013.

Chỉ sao đó 1 ngày (16/1), Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ một xe tải chở gần 3 tấn da trâu, bò và 1 tấn mỡ động vật (lợn, trâu, bò…) đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Số hàng này được mang đi TP. HCM tiêu thụ.

Trước đó, chiều 14/1, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 20 thùng xốp chứa nội tạng lợn bốc mùi hôi thối, được giấu trong một xe khách ở Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Xe khách này chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn.

Giá trứng ổn định trở lại

Sau khi dư luận phản ứng, các siêu thị từ chối nhập hàng vì tăng giá bất hợp lý, ngày 14/1, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã thừa nhận, việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới.

Sau khi tình trạng tăng giá trứng bất thường diễn ra, Sở Công thương TP. HCM thông báo sẽ tiến hành điều tra việc tăng giá trứng của công ty CP và Emivest. Nếu phát hiện có sự lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, CP và Emivest sẽ bị xử phạt, nặng nhất là rút giấy phép kinh doanh.

Sau gà lậu, tới trâu, bò lậu

Thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, trung bình, mỗi ngày có đến cả hàng nghìn con trâu, bò được các đầu nậu vô tư "dắt" qua biên giới Tây Nam về nước. Theo điều tra của tờ Dân Việt, đi dọc biên giới Tây Nam từ Tây Ninh đến Kiên Giang, đâu đâu cũng thấy các điểm tập kết trâu bò của Campuchia hoạt động nhộn nhịp.

trau-bo-tran-qua-bien-gioi-Phunutoday.vn.jpg
Tới lượt trâu, bò lậu tràn lan biên giới. Ảnh minh họa VOV.

Ở các "chợ" này, người ta còn xây hẳn cầu dẫn bê tông, xe tải chỉ việc đưa thùng xe sát cầu dẫn là trâu, bò sẽ được lùa lên cầu và chui hết vào thùng.

Nhiều nông dân trong vùng cũng nhận nuôi gia công trâu, bò với giá 10.000 đồng/ngày/con để vỗ béo trước khi xuất bán. Mỗi con bò được nuôi trong vòng 2 - 3 tuần.

Một lái bò ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An) nói: “Mỗi con bò đưa qua biên giới, tụi tui chung chi khoảng 100.000 đồng. Nếu bò ốm yếu, thì mấy đứa nhỏ nuôi bò được thêm 200.000 đồng tiền công, thương lái lời chừng 500.000 đồng/con”. Theo các thương lái, ngoài tiền “hụi chết” cho các chốt gác Campuchia, dân buôn lậu trâu bò cũng phải “biết điều” với một số cán bộ biên phòng, thú y trong nước để việc qua lại được dễ dàng hơn.

Hàng giả, hàng lậu hoành hành

Không biết vì cận Tết mà tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả đang ngày càng gia tăng. Hay do lực lượng chức năng tăng cường ra quân, kiểm tra nhiều nên phát hiện lắm. Theo kiểu, không kiểm tra không sao, kiểm tra là có sai phạm.

phat-hien-nhieu-hang-gia-hang-lua-Phunutoday.vn
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng giả, hàng lậu thời gian cận Tết.

Tại Bắc Ninh, cơ quan chức năng cũng kiểm tra bắt giữ 11 xe ôtô vận chuyển hàng lậu gồm rượu ngoại, thực phẩm tươi sống, mì chính, hàng điện lạnh... có nguồn gốc từ nước ngoài vận chuyển vào Hà Nội tiêu thụ.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chỉ trong hơn 20 ngày ra quân cao điểm của tháng 12/2012, đã thu giữ hơn 10.000 lít rượu giả, trong đó cả rượu vang, rượu kém chất lượng được gắn tem, mác rượu ngoại…

Bộ Y tế quản thức ăn đường phố

Từ ngày 20/1/2013, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ có hiệu lực.

Theo Thông tư này, người đang mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

bo-y-te-quan-thuc-an-duong-pho-Phunutoday.vn.jpg
Từ nay, Bộ Y tế sẽ quản chặt thức ăn đường phố với Thô tư 30. Ảnh TNO.

Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm. Các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng.

Thực phẩm phải được bảo quản, trưng bày trên giá cao tối thiểu 60 cm cách mặt sàn; có khu vực rửa tay, nhà vệ sinh cách biệt; ít nhất có một bồn rửa tay đủ cho 50 người ăn, có ít nhất một nhà vệ sinh đủ cho 25 người…

Cơ sở có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng nếu người sản xuất không tuân thủ thực hành đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm. Hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc bị xử phạt 15-25 triệu đồng; sử dụng hóa chất cấm xử phạt 30-50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa với một lần vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể lên đến 100 triệu đồng.

  • Phạm Thanh

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn