VietNamNet dẫn thông tin từ Cục Hải quan Hà Giang cho biết, ngày 31/10/2012, EVN mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng năng lượng điện tháng 9/2012 và quyết toán tiền điện từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2010.
Số liệu tại bảng chốt công tơ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, tổng lượng điện thực tế nhập khẩu tháng 9/2012 là hơn 74 triệu kWh. Mức giá khai báo là 0,0608 USD/kWh. Trị giá của lượng điện nhập khẩu trên là gần 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, EVN khai chỉ còn hơn 65,5 triệu kWh với tổng trị giá mua điện chỉ còn hơn 3,9 triệu USD.
Vì thế, số thuế mà EVN khai nộp cho hải quan bị thiếu hụt mất gần 1,2 tỷ đồng.
Trạm biến áp 220kV Hà Giang |
Khoản sai lệch này được Tập đoàn EVN căn cứ theo hóa đơn thương mại do công ty lưới điện Vân Nam, Trung Quốc cung cấp EVN. Trong đó, hóa đơn nhập khẩu điện tháng 9 từ Trung Quốc đã được giảm trừ gần 8,5 triệu kWh, trị giá hơn 514 nghìn USD so với số liệu trên bảng chốt công tơ.
Theo giải trình của EVN, sản lương điện mua từ Trung Quốc giai đoạn trước chỉ là tạm tính. Sau đó hai bên tính lại cho kết quả thực tế thấp hơn 8,5 triệu kWh.
Tuy nhiên, Hải quan Hà Giang không chấp nhân vì khi khai báo hải quan, việc chốt số liệu công tơ để tính sản lượng điện mua từ Trung Quốc đều có sự chứng kiến và xác nhận của cơ quan hải quan, đã được thu đủ, thu đúng số thuế. EVN không hề thông báo trước với cơ quan hải quan rằng đây là sản lượng tạm tính. Trong khi đó, lượng điện giảm trừ này thực chất là của hợp đồng mua điện giai đoạn trước, ký từ năm 2006.
Vì thế, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Hà Giang phải căn cứ pháp luật thu đúng, thu đủ tiền thuế của EVN.
Đầu tháng 8 vừa qua, Cục này đã quyết định xử phạt EVN vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Đồng thời, cơ quan này đã ra quyết định truy thu số thuế chênh lệch còn thiếu với tổng trị giá 1.2 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2013, 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.