Giá điện, giá xăng lên đỉnh thì dân mình sướng như tiên, lạc quan nghĩa là sung sướng mà. |
Theo một cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân” do viện BVA của Pháp thực hiện, Việt Nam được xếp hạng nhất trong số các nước lạc quan, khi 70% người Việt bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh tế năm 2011, bỏ xa đằng sau Trung Quốc, Brazil và Peru.
Trong khi đó, một nghiên cứu vừa công bố về về niềm tin của người tiêu dùng trên toàn cầu và dự định mua sắm trong quý II/2013 cho thấy niềm tin của người Việt có dấu hiệu suy giảm đôi chút nhưng vẫn còn rất cao so với trung bình thế giới. Kết quả cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm 1 điểm trong quý II năm 2013 so với quý I; ổn định sau lần tăng mạnh (+6 điểm) hồi đầu năm và cao hơn trung bình toàn cầu ở mức 94 điểm.
Có thể nói không ngoa rằng dường như lạc quan chính là thứ vũ khí hữu hiệu nhất giúp người Việt thắng lợi trong mọi 'mặt trận' hạnh phúc trên thế giới. Bên cạnh đó, không ít người cũng đánh giá rất cao sự lạc quan trong giai đọan hiện nay, bởi khi người dân phải gồng mình đối phó với ma trận kinh tế suy thoái (khái niệm ma trận sở hữu chéo mới được các chuyên gia đưa ra sử dụng), thu nhập giảm, vật giá leo thang, thuế, phí liên tục tăng, thực phẩm bẩn độc tràn lan... nếu không có sự lạc quan thì quả thật không biết phải sống sao, nói cách khác dễ hiểu hơn là: không còn cách nào khác ngoài lạc quan vào ngày mai tươi sáng!
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là mặc dù người người lạc quan, nhà nhà hy vọng vào tương lai nhưng sự lạc quan của người dân và quan chức dường như lại vận động ngược chiều nhau. Thế mới oái oăm chứ!
Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước như ông điện lực, ông xăng dầu, ông giao thông, ông khai mỏ....rất chi là lạc quan trong việc tăng thuế, phí, vật giá nhằm giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu công thì người dân không có mong mỏi gì hơn ngoài việc giảm chính những thứ ấy. Thế mà cả quan chức và dân chúng đều hy vọng, kỳ vọng, tin tưởng sắt đá rằng nó sẽ thành hiện thực, nhãn tiền nay mai. Dĩ nhiên, để biến hy vọng thành hiện thực thì không dễ tẹo nào nhưng các nhà hoạch định chính sách của chúng ta rất kiên định, không một chút nản lòng, nao núng.
Mà không nản lòng là 100% đúng. Thực tế rành rành ra đấy thôi, dù người dân than vãn, khổ sở còng lưng gánh đủ mọi thứ thuế phí, hoa mắt chóng mặt với giá xăng giá điện, giá tăng thì họ vẫn cắn răng chịu đựng. Giá này tăng đẩy giá khác tăng, người dân mệt mỏi tăng gấp 2 gấp 3 nhưng lại lao động hăng say hơn (để có thêm thu nhập mà đối phó với mặt bằng giá mới). Dường như sự khắt khe của những nhà quản lý lại khiến người dân thêm tinh thần lao động, cống hiến hết mình. Thế nhé, giá điện, giá xăng lên đỉnh thì dân mình sướng như tiên, lạc quan nghĩa là sung sướng mà.
Có người sẽ đặt câu hỏi, rằng cái gì cũng có giới hạn. Khi mà sự lạc quan vào tương lai của người dân nhiều lần bị giá cả vùi dập thì liệu họ có còn lạc quan được nữa hay không? Và khi đó, các nhà quản lý đã hình dung ra mình phải đối mặt với khó khăn như thế nào chưa?
Rõ là lo hão. Hãy nhìn cách điều hành giá xăng dầu thì biết, tiềm năng lạc quan của người dân lớn đến mức nào. Ai cũng biết, xăng tăng vài lần thì giảm một lần, mỗi lần tăng thường gấp 3- 5 lần giảm. Mà mỗi khi xăng tăng giá sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng tăng theo. Ấy vậy mà, bao nhiêu năm nay, mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng cao thì giá xăng nước cũng nhanh chóng tăng theo, nhưng khi giá thế giới giảm thì giá xăng trong nước hết bù lỗ cho ngân sách lại đến bù lỗ cho doanh nghiệp... rồi mới nhích xuống vài ba trăm đồng. Cứ quy trình đó lặp đi lặp lại mà người dân Việt vẫn lạc quan chịu đựng đấy thôi.
Thế đấy, sự lạc quan của người dân đã được những người quản lý tôn trọng, đề cao tuyệt đối. Giá như túi tiền của người dân cũng được tôn trọng bằng 1/3 như thế thì người dân chúng ta chắc sẽ bớt gánh nặng phần nào, dù rằng vẫn lạc quan.
Mà thôi chả cần ưu ái thế đâu, càng gian khó thì hy vọng lạc quan mới càng thực chất, càng được thế giới đánh giá cao và như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ chiếm ngôi đầu bảng về hạnh phúc. Thế mới sướng chứ!