Giang hồ đội lốt sĩ quan quân đội Sài Gòn (Kỳ 2)

10:27, Thứ sáu 18/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Tình trạng liên minh ngầm giữa cớm và cướp trước đây phải được dọn sạch. Ổ bánh béo ngậy này phải thay đổi người thụ hưởng #160;

(Phunutoday) - Tình trạng liên minh ngầm giữa cớm và cướp trước đây phải được dọn sạch. Ổ bánh béo ngậy này phải thay đổi người thụ hưởng. Đám cảnh sát nguyên là các sĩ quan gốc quân đội chuyển sang cảnh sát, chiếm giữ cương vị chủ môn theo đúng ngạch đã sắp xếp trong ngành. Tóm lại, đấy là những công chức làm đúng việc của một nhân viên hành chánh. Cái gọi là quyền lực cảnh sát đã bị tước đoạt, giờ đây tất cả tập trung vào tay tướng Loan và những sĩ quan quân đội dưới trướng.

[links()]
Sỹ quan giang hồ- Chiêu dĩ độc trị độc của tướng Sáu Lèo

Từ bảng điều tra tổng hợp của khối tình báo Cục an ninh Quân đội thuộc đại tá Nguyễn Văn Học phụ trách, từng hồ sơ cá nhân sĩ quan được “chọn” phải vượt qua nhiều phân khúc “soi rọi” thật cẩn trọng trước khi đặt lên bàn làm việc của Cục trưởng Nguyễn Ngọc Loan. Ngoài tiêu chuẩn phải được tôi luyện qua lò lửa chiến tranh trong các đơn vị rằn ri nổi tiếng về biệt kích, thủy quân lục chiến, biệt động quân, lực lượng đặc biệt, ứng viên còn phải có một số thành tích thể hiện tính khí giang hồ trong hồ sơ quân bạ như điều kiện tiên quyết để được “chọn”.

Số sĩ quan được chọn làm bộ khuy cho guồng máy cảnh sát của thành phố Sài Gòn tuần tự được triệu tập về Cục an ninh Quân đội và trình diện Thiếu tướng Cục trưởng tại văn phòng ở Nhà Trắng nằm trong khuôn viên Tổng Nha cảnh sát trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi hiện nay). Việc chọn Nhà Trắng - một tòa nhà sơn trắng nằm riêng biệt cách xa những tòa ngang dãy dọc của Tổng Nha cảnh sát nằm trong sắp xếp đầy ý đồ của quân sự cố vấn.

 Thiếu tá Phạm Chí Linh tốt nghiệp cử nhân triết Đông, chuyên nghiên cứu về phong thủy, lý số thuộc hạng học trò cưng khoa triết Đông của linh mục Kiên Định - đã chọn Nhà Trắng làm Bộ chỉ huy điều hành ba cơ quan an ninh như một vị trí đắc địa, vượng tài phát lộc. Trình diện tại văn phòng Cục trưởng ở Nhà Trắng nằm trong nghệ thuật dùng người của “sếp”.

Khung cảnh uy nghi và lạnh tanh của căn phòng trang trí độc nhất chiếc bàn gỗ mun to đùng và chiếc ghế bành bọc da, áp sát tường là ba kệ sách xếp đầy những trí tuệ nhân loại. Cánh cửa sổ duy nhất, kéo rèm màu nâm đậm luôn đóng kín. Một sân khấu gây ấn tượng sắp xếp theo ý đồ của quân sư Phạm Chí Linh. Những sĩ quan dù tính khí có coi trời bằng vung nhưng khi vào trình diện “sếp” trong văn phòng nặng mùi tử khí này đều không khỏi rùng mình lạnh toát người. Cung cách tiếp đón của tướng Loan với thuộc hạ là màn kịch đã nghiên cứu kỹ qua đống sách chuyền đề về Đệ tam đế chiến Hitler.
Trung tá Lê Tất Biên (phải) chỉ huy biệt đoàn cảnh sát dã chiến I.
Trung tá Lê Tất Biên (phải) chỉ huy biệt đoàn cảnh sát dã chiến I.

Ấn tượng khắc ghi trong đầu người trình diện là hình ảnh rất lạ thường của “sếp” - một hung thần đầy quyền sinh sát nổi tiếng là xa cách và bí hiểm... nhưng trong tiếp xúc lại thân ái dịu dàng và tình cảm khi hỏi han, nói chuyện rất đỗi chân tình. Qua màn trình diễn, hầu như tất cả sĩ quan “tuyển chọn” đều bị tướng Loan chinh phục cả hồn lẫn xác. Vì vậy, trong những nhiệm vụ “máu me” có phần dã man được giao phó, đám thủ hạ “mê tín” đều răm rắp thực hiện theo lệnh “sếp” như những robot vô cảm, thậm chí còn vượt cả yêu cầu.

Bộ khung guồng máy cảnh sát trị an của thành phố Sài Gòn gồm những sĩ quan cấp cao cật ruột, được ví như thanh gươm uy quyền của tướng Loan. Vì thành phố Sài Gòn là thủ đô nên cơ cấu tổ chức bộ máy cảnh sát rất quan trọng, xếp thứ hạng trên Vùng một bậc. Đứng đầu bộ máy là Nha cảnh sát Đô thành, cơ quan đầu não điều hành 9 ty cảnh sát phụ trách 9 quân trường thành phố. Nha cảnh sát Đô thành ngang cấp với Nha cảnh sát Vùng, và trưởng ty cảnh sát của Quân ty thành phố Sài Gòn ngang với quan chức đứng đầu cảnh sát tỉnh.

Tầm quan trọng của giám đốc ngang với tướng và 9 trưởng ty cảnh sát của 9 quân đội ở Sài Gòn ngang với “sếp” cảnh sát của 9 tỉnh thuộc vùng. Từ lâu, một ý tưởng đã thành nếp trong đầu người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, và cũng là sự thật mà giới cầm quyền đều biết rõ như vậy, đó là kẻ nào nắm trong tay guồng máy an ninh cảnh sát của thành phố Sài Gòn có nghĩa là đang giữ sinh mạng của chế độ vậy.

Riêng đối với Nguyễn Ngọc Loan, thanh gươm quyền lực trong tay được nhân lên ba lần sức mạnh. Vì vậy tướng Nguyễn Ngọc Loan được xem như là người số 2 đầy quyền lực của chế độ, cầm trên tay thanh gươm tiền trảm, hậu tấu cũng là điều dễ hiểu và không cường điệu chút nào.

Bộ “sậu” đứng đầu Nha cảnh sát Đô thành, cơ quan đầu não của guồng máy trị an thành phố Sài Gòn gồm có 5 sĩ quan cấp tá gốc biệt động quân. Đại tá Nguyễn Văn Luận - Giám đốc gốc Liên đoàn trưởng Liên đoàn 5 BĐQ, Trung tá Nguyễn Văn Xinh - Phó giám đốc Liên đoàn 3 BĐQ, Thiếu tá Nguyễn Bá Long - Trưởng phòng tư pháp (phụ trách trị an gốc BĐQ), Thiếu tá Phan Anh - Trưởng phòng đặc biệt (phụ trách chính trị gốc BĐQ).

Những phòng ban chuyên môn nghiệp vụ cảnh sát, những sĩ quan gốc cảnh sát được giữ nguyên vị trí. Riêng biệt đội hình cảnh chuyên trị tệ nạn xã hội, trộm cướp... được giao quyền chỉ huy cho Đại úy Từ Đạt (thuộc ngành hiến binh chuyển sang cảnh sát).

An ninh của 9 quận trong thành phố được giao cho 9 trưởng ty cảnh sát. Tất cả là những sĩ quan “tuyển chọn” từ quân đội. Các vị trí như phó ty phụ trách hành chính, phó ty đặc biệt (phụ trách chính trị), trưởng ban các phần chuyên môn nghiệp vụ cảnh sát đều được giữ nguyên, quyền chỉ huy thuộc các sĩ quan chuyên ngành cảnh sát. Tăng cường sức mạnh cho Nha cảnh sát Đô thành là 2 biệt đoàn cảnh sát dã chiến do trung tá Lê Tất Biên chỉ huy biệt đoàn I và trung tá Lâm Đôn chỉ huy biệt đoàn II.

Biệt đoàn cảnh sát dã chiến được tổ chức với quân số hơn 1.000 người theo cấp số tiểu đoàn của thủy quân lục chiến, trang bị vũ khí như quân đội, nhiệm vụ là tăng cường cho các cuộc hành quân cảnh sát, chống biểu tình, khủng bố và có thể tác chiến như quân đội chính quy. Việc tuyển mộ cảnh sát dã chiến rất đặc biệt theo lệnh tướng Loan: đưa toàn bộ đám quân tội phạm mãn hạn tù hình sự, đào binh đang thụ án, các quân lao gia nhập cảnh sát dã chiến.

Vì vậy, lính cảnh sát dã chiến hầu hết là lính từng chiến đấu trong chiến tranh nên không cần phải tốn thời gian huấn luyện ở quân trường. Hầu hết lính cảnh sát dã chiến thuộc thành phần bất hảo từng vào tù ra khám, tội phạm côn đồ trộm cướp được tạo cơ hội đoái công chuộc tội nên bọn rằn ri này rất hung hăng và tàn bạo. Để trị được bọn lính “ba trợn” này, hai sĩ quan cấp tá nổi tiếng “cọp dữ” của biệt kích dù là Trung tá Lê Tất Biên và Lâm Đôn đã được đích thân tướng Loan cầm tay trao quyền “sinh sát” hai đơn vị đặc biệt này.

Thời gian sau, tướng Loan thành lập thêm ba biệt đoàn cảnh sát dã chiến với ý đồ nắm trong tay một lực lượng tác chiến mạnh như cấp lữ đoàn của quân đội. Quả đấm thép gồm 5 biệt đoàn cảnh sát dã chiến, đồn trú trường trực tại thành phố Sài Gòn trong chiếc áo “danh chính ngôn thuận” ngành cảnh sát, là con át chủ bài thừa sức bảo vệ cũng như giáng trả mọi âm mưu binh biến nào của những thế lực đối phương thuộc phe gốc Nam Nguyễn Văn Thiệu.
ư
Đại ca Thay – một đại ca khét tiếng trong giới giang hồ Sài Gòn trước 1975.


Trái ngược với vẻ bề ngoài “lè phè” không chú trọng đến chi tiết, nhất là cách hành xử tựa như đầy cảm tính và tùy hứng – một động tác giả tung hỏa mù ngụy trang cho những bước đi được thực hiện một cách cẩn trọng đúng theo chiến lược “những đồng tiền bẩn phụng sự quốc gia”,  phần chính trị đầy âm mưu trong Nguyễn Ngọc Loan chiếm phần nhiều hơn là võ biền. Quyền lực chính trị là mục tiêu phải đạt đến chứ không phải thêm những ngôi sao trên cổ áo.

 Giới trí thức là những người được ngồi chung bàn chia sẻ đại sự... còn giới võ biền chỉ là những phương tiện trong tay Loan. Dám sử dụng “đám cọp dữ” tuyển chọn từ tập thể lính tráng, chuyển thành thứ phương tiện “bạo lực” hợp pháp trong tay mình, Nguyễn Ngọc Loan biết “đàn cọp dữ” thích và cần gì, và đã từng bước ban phát “hạnh phúc”, trao quyền lực một cách dè xẻn, biến chúng thành “ông trùm” trong thế giới bóng đêm, vừa là “ông cò” ngoài ánh sáng, có nhiệm vụ khai thác vùng đất màu mỡ của “bóng tối” để tạo ra dòng thác tiền bạc phục vụ cho những ý đồ và tham vọng chính trị của “sếp”.

 Chỉ duy nhất Nguyễn Ngọc Loan là người dám chơi con dao hai lưỡi nguy hiểm này trong cuộc chơi đầy quyền lực của mình. Việc họp bàn song song diễn ra ở hai nơi: phục vụ cho “vùng sáng” họp công khai ở Nhà Trắng Tổng Nha cảnh sát và họp phục vụ việc “đen” cho “bóng tối” diễn ra kín đáo ở tư dinh trong cư xá sĩ quan không quân trại Phi Long Tân Sơn Nhất.

Những “ông cò” (trưởng ty cảnh sát) “vùng ánh sáng” phụ trách trị an tại địa bàn cũng đồng thời là “ông trùm” điều hành những ngành nghề đen hoạt động trong “bóng tối” thuộc quyền. Dưới tay “ông cò”, hai lực lượng đối nghịch, cớm và cướp, cùng song song tồn tại và phân công rạch ròi người nào việc nấy theo lệnh “ông cò” kiêm “ông trùm”.

Địa bàn quận 1 là trung tâm Sài Gòn - trái tim của thành phố. Phục vụ đoàn quân viễn chinh Hoa Kỳ là ngành snack bar, hộp đêm, vũ trường và hoạt động “chị em ta” tại hàng ngàn bar nằm kề san sát nhau trên đường Tự Do (Đồng Khởi hiện nay) vòng qua khu Chợ Cũ, Hai Bà Trưng, Tân Định… Hầu hết những “điểm nóng” giải trí hàng đêm hạng deluxe của Sài Gòn đều tập trung quanh khu trung tâm quận 1 với những kiều nữ quý tộc đẳng cấp Trà Hoa Nữ, Nương Lệ Cốt… “Vườn hoa biết nói” này là chốn bồng lai dành riêng cho giới quý tộc thượng lưu, quan chức cao cấp, tướng tá quyền lực.

 Trong số những người đẹp này, đã có người một bước lên bà, trở thành phu nhân của các “quan” như: Hélene Nga của vũ trường Tự Do - phu nhân GS Nguyễn Xuân Phong - Trưởng đoàn VNCH tại hòa đàm Paris, Hương Giang cave của Văn Cảnh - phu nhân Thiếu tướng Trần Quốc Lịch, Ánh Hoa vũ trường Palace - phu nhân Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Mai Trinh cave vũ trường Tự Do - phu nhân Trung tướng Ngô Quan Trưởng…

Ngành sòng bạc tại quận 1 cũng thuộc hàng đặc biệt, không ồn ào xô bồ như hội chợ với đủ khách chơi thượng vàng hạ cám, đám chủ sòng thượng lưu tại quận 1 thuộc thành phần xuất thân gốc gác, có ăn học, từng trải với đám công dân thượng tầng xã hội, vì vậy, kinh nghiệm sống thừa khôn ngoan để biết phải hành xử thế nào với những “ông chủ mới” tại đất làm ăn của mình. Vợ chồng Ba Hóa, bà Tham Dương, bà Hai Thành, bà bác sĩ Nga,... là những giang hồ chủ sòng thượng lưu quận 1.

Thu nhập thuế hàng tháng của các câu lạc bộ này lên đến con số từ 30 đến 50 triệu (tức từ 3.000 đến 5.000 lượng vàng). Trung tá “cò” Hùng sùi lần đầu tiên trong đời bụi bặm của mình được hưởng những tiện nghi nhung lụa trong sinh hoạt thượng lưu, được tận tay chạm đến và được sở hữu những đồng tiền mệnh giá lớn lên đến con số vài trăm triệu thu hoạch từ “bóng tối”.

 Dĩ nhiên là “cò” Hùng sùi không uống thuốc lú để dám lươn lẹo trong bổn phận trích nộp lên tổ chức, sau khi trừ đi phần sở hụi cho cỗ máy điều hành. Sau thời gian ngắn làm “cò” quận 1, Hùng sùi đã tạo dựng được cơ ngơi riêng, có trương mục ngân hàng với số tiền gồm 6 số đuôi. Lòng trung thành với chủ soái Nguyễn Ngọc Loan cũng vùn vụt tăng cao.

 Thời gian sau này, khi cuộc tranh giành bến bãi, thu thuế bảo kê những “ngành nghề đen” tại các vùng đất rồng trù phú bùng nổ giữa các nhóm giang hồ sĩ quan, các vùng được phân cho từng phe nhóm đúng luật giang hồ thời đại mới. Băng người nhái của hải quân được giao phần bảo kê, giữ an ninh trật tự. Vùng được phân đã được ông tướng phê chuẩn, “ông cò” địa phương kiêm “ông trùm” bật đèn xanh, giao phó công việc và kiểm soát. Bổng lộc do “ông cò” kiêm “ông trùm” chịu trách nhiệm phân phối đúng luật theo những quy định đã đề ra với các trùm cầm đầu nhóm giang hồ sĩ quan.

Vùng tự do được xem là lãnh địa của sĩ quan người nhái (bổng lộc từ ngành snack bar được dành cho băng người nhái). Riêng phần thu từ các hộp đêm, dancing sang trọng 4 sao, các hotel lớn vùng quận 1 là Caisse noire riêng của “ông Sáu” do thiếu tá “cò” Ly Trưởng ty quận 2 phụ trách. Phần bánh này được khoanh vùng đánh dấu đỏ, tức vùng tránh xa ngay cả đối với các sếp lớn trong cảnh sát, ANQĐ, phủ đặc ủy trung tình báo. Đấy là vùng của “sếp tối cao”.
f
Cầu Muối – một địa bàn của giới giang hồ Sài Gòn

Phần gái thượng lưu tức poule deluxe của Sài Gòn quý tộc thuộc quyền quản lý của Madame T. - phu nhân một đại tá tay chân của “ông Sáu”, những người đẹp trong Hội kín nàng Kiều Sài Gòn đều thuộc hàng giàu có: có ô tô riêng, nhà phố lầu, biệt thự, trang sức hột xoàn, vòng ngọc, phần lớn đều là khách hàng quen thuộc của những ngân hàng lớn.

Trong số những người đẹp nổi tiếng này của Sài Gòn, Dung “khàn”, người đẹp có giọng nói đặc biệt đã từng làm bà Mai Anh (vợ Nguyễn Văn Thiệu) ghen lồng lộn khi phát hiện ra người đẹp từng chia sẻ chỗ nằm trên long sàng của dinh Tổng thống. Dưới thời cảnh sát những đời trước, chỉ duy nhất bộ phần này là không cần phải quà cáp, thuế má theo luật. Nhưng dưới thời Nguyễn Ngọc Loan, “vùng cấm” này phải tỏ ra biết điều hết mực. Ngoài thuế cao phải đóng, hội Kiều còn phải kiêm nghề cộng tác viên, cung cấp thông tin về một VIP khách quen nào đó khi “ông Sáu” yêu cầu.

Bước sang lãnh địa quận 2, giáp ranh vùng thượng lưu quận 1, địa bàn của thiếu tá Trần Thụy Ly - “cò” trưởng ty quận 2. Đây là địa bàn phức tạp với những địa danh nổi tiếng cầu Muối, cầu Ông Lãnh, cầu Kho, cầu Mống, xóm Sáu Lèo, khu Dân Sinh… Sòng bạc là ngành nghề truyền thống từ thời Pháp truyền nối từ thời này sang thời khác. Và cũng là quê hương của những tay du đãng gốc nổi tiếng: Xuân khùng, Minh cầu Muối, Sammy lúa, Mây mưa, Cu Lừa,...

 Về gái, những “động phỉnh” nổi tiếng như xóm Tỉnh, xóm Dạ Cầu… là nơi vui chơi giải trí cấp bình dân, chốn tới lui ngọt ngào của đám khách bình dân thương lái chợ cầu Muối, cầu Ông Lãnh, tài xế bến xe vận tải Đà Lạt trên đường Nguyễn Thái Học, đám lính tráng nghèo, quân vân bến tài… Phần gái bán bar hạng trung thì tụ hội ở khu Dân Sinh, đây là khu vui chơi giải trí cấp bình dân với thú uống rượu có người đẹp ngồi cạnh phục dịch. Nổi cộm nhất vùng đất quận 1 là các sòng bạc lớn do những lụ xây (chủ sòng) nổi tiếng trong giới anh chị giang hồ ngồi ghế “chủ xị” như Năm Thông Lợi, Hỏi, Cham, Mã La,...

Đặc biệt, sòng bài Lá nằm trong khu nhà lô Cô Giang của Cu Trắng được xem là nơi tình nghĩa với giới giang hồ nhất. Nhờ tiếng tăm này, Cu Trắng nổi lên như một đại ca mang hình ảnh của đại ca Thay, được các đồng nghiệp cùng môn phái kính trọng và ngưỡng mộ từ sau vụ đụng độ với Thịnh Thăng Long (một sư huynh, sư đệ ngang cơ với Sơn Đảo và đám sĩ quan dù của trung tá Đường Tam Tạng).
d
Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa đang chuẩn bị “Chiến dịch vì dân”

Toàn bộ những cây cao bóng cả đến cỏ non búp xanh thuộc giới giang hồ cầu Muối đều bị “Chiến dịch vì dân” của tướng Loan bứng tận gốc rễ trong màn dọn bãi Sài Gòn thật quang đãng để bắt đầu một thời đại mới cho “vùng bóng tối” giang hồ Sài Gòn. Lần thay ngôi đổi chủ này trong “bóng tối”, những ông chủ mới là các giang hồ sĩ quan thuộc quyền điều hành của trưởng ty cảnh sát địa phương kiêm “ông trùm” cai quản lãnh địa giang hồ - tức Thiếu tá Trần Thụy Ly - “cò” quận 2 kiêm “trùm” sĩ quan giang hồ thống lãnh vùng đất “bóng tối” quận 2.

Sau “Chiến dịch vì dân”, đám giang hồ cầu Muối bị lùa đến các trại tập trung vùng biên giới, các trung tâm cải huấn, trại cải tạo nằm ở các vùng hẻo lánh xa Sài Gòn, để lại lãnh địa màu mỡ cho ông chủ mới và đám giang hồ sĩ quan dưới trướng được “cò” Ly phân công về trấn nhậm các khu vườn hái ra tiền của các ngành “đen” thuộc quận 2. Riêng các sòng bạc được giao cho nhóm giang hồ sĩ quan Thủy quân Lục chiến và dù cai quản dưới sự giám sát của “đặc phái viên” Hiền “con” (thiếu úy Hiền, đàn em thân tín của “cò” Ly).

Lợi tức thu về từ “vùng bóng tối” quận 2 không kém cạnh gì “vùng thượng lưu” quận 1 của “cò” Hùng sùi. “Cò” Ly sau thời gian ngắn tại quận 2 đã tậu được một apartment 3 phòng trên lầu Brodard đường Tự Do Catinat (Đồng Khởi hiện nay), và xế hộp sport Mustang trị giá hơn 100 lượng vàng. Ngoài vị trí “cò” quận 2, Thiếu tá Ly còn là phụ tá đặc biệt phụ trách “những công tác mật” riêng cho tướng Loan. Đấy là thời vàng son nhất trong đời “cò” Ly.

Người làng giềng quận 3 giáp ranh quận 1 và quận 2 cũng là vùng đất trồng màu mỡ của giới giang hồ cát cứ địa phương. Trưởng ty cảnh sát quận 3 là thiếu tá Nguyễn Quang Am - một dân chơi nổi tiếng của biệt động quân. Địa bàn quận 3 không trù phú như những láng giềng bên cạnh, nhưng “vùng bóng tối” rất màu mỡ với truyền thống sòng bạc và gái đã tồn tại từ thời Pháp. Đám giang hồ cát cứ địa phương xuất thân từ các lò võ Thiếu Lâm, khu xóm Đình Chi Hòa, khu bến Tắm Ngựa.

Khu Bạc Má Hồng cầu Trương Minh Giản gồm những đại ca nổi tiếng: Tứ đình, Son Yên Đỗ, Bê ghẻ, Mã Thăng Ba...; tới không quân Phúc Chi Lăng, Hoàng saronaya, Sơn Chí Hòa, Hiếu ông Địa, Hà chém… Ngành nghề sòng bạc với môn hốt me nổi tiếng ăn thua tiền triệu được khai sinh bởi ông Năm Cường (thầy võ Thiếu Lâm nổi tiếng thời Pháp) truyền từ đời này sang đời khác nối tiếp nhau được xem như là bầu sữa nuôi sống đám giang hồ quận 3. Các tay giang hồ nổi tiếng kể trên đều thuộc thành viên của sòng Me Đình.

 Tứ đình là trùm cai quản sòng. Vùng trũng nằm đối diện trại lính biệt khu Thủ Đô và Học viện cảnh sát Quốc gia đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8 hiện nay) là “thiên đàng” của gái lầu xanh… Khu xóm trũng chập chùng những con hẻm ngoằn ngoèo, những dãy nhà cấp bốn san sát nối nhau tạo thành một mê cung hỗn loạn. Những “động chứa” cũng truyền nghề nối tiếp cho nhau, lực lượng chị em phải lên đến con số ngàn.

Khu xóm luôn ồn ào, inh ỏi tiếng vọng cổ phát ra từ các quán nhậu, café lúp xúp trong các hẻm, khách chơi lũ lượt lên xuống, các “nàng” mắt xanh mỏ đỏ, quần áo sặc sỡ, đùa giỡn, níu kéo khách chơi. Tất cả tạo thành một quang cảnh họp chợ ồn ào huyên náo. Vùng trũng gái chơi này thuộc vùng cai quản của Tư địa (hải quân), Lụa (nhảy dù), Hòa đầu lâu, Phúc điếm, Bernard Quý - những đại ca chăn dắt nổi tiếng hung thần.

Nguồn thu nhập từ “bóng tối” quận 3 dù có khiêm tốn nhưng vẫn là một con số thu nhập chóng mặt với nhiều số 0 nối đuôi nhau. Đại nạn “Chiến dịch vì dân” tống tiễn sạch bóng giang hồ quận 3. Bến bãi đìu hiu đã được xây dựng lại sau thời gian ngắn từ bàn tay chăm sóc của “cò” Am kiêm “ông trùm” vùng bóng tối quận 3. Đám giang hồ sĩ quan dưới trướng “cò” Am thay chỗ, bật đèn xanh phát lệnh hoạt động như thuở trước.

 Tất cả thuộc gốc Special Force của 81 biệt kích dù: Trung úy Vinh nhí, Trung úy FA Quang Ngãi, Trung úy Ngọc Sở công tác, Đại úy Ngọc trắng Lôi Hổ và một đám “ngựa non” cấp úy sĩ quan giang hồ nhập môn dưới trướng đàn anh Triều Am. “Chưa bao giờ vùng bóng tối quận 3 lại được bình an không còn nơm nớp sợ bố giáp, bắt bớ trong những cuộc hành quân cảnh sát như thời trước. Trong vòng tay bảo kê của giang hồ sĩ quan… sự phát đạt phất lên rủng rỉnh là điều có thật” - một nàng Kiều tâm sự, bày tỏ sự bình an trong cuộc sống mới dưới thời của đám giang hồ sĩ quan.

Ranh giới từ quận 1 sang quận 4 là cây cầu quay bắc ngang Kinh Tẻ, thẳng qua đường Trịnh Minh Thế (Nguyễn Tất Thành hiện nay). Trung tá Lê Đức Đàn tự Đàn sứt - một đàn anh sĩ quan giang hồ “nổi tiếng” trong binh chủng dù Sài Gòn - là “cò” quận 4. Quận 4 là vùng đất tiền đất bạc, giàu có và cũng là vùng đất dữ. Truyền thống “bến tàu” từ đời Pháp nối nhau qua thời gian đã sản sinh ra những đại ca giang hồ nổi tiếng, những quái kiệt đạo tặc, những cái đầu “đánh quả” cao thủ. Quận 4 được xem là cái nôi, là đất mẹ của các tay giang hồ lừng lẫy Sài Gòn như: Ba Lầu, Sáu Tùng, Cậu Hai Louis, Mười Sở, Tư Oai và gần đây nhất là Năm Cam (tội phạm trùm xã hội đen vừa bị Tòa án Cách mạng Việt Nam xử tử hình năm 2007), Vạn võ sư (bị xử tử hình năm 2008 vì tội giết người).

“Vùng bóng tối” quận 4 là đất dụng võ, là mỏ khai thác của nhiều ngành nghề “đen” thi thố tài năng, là nơi tụ hội đông đảo giang hồ bậc nhất Sài Gòn. “Đánh quả” những tàu hàng quốc tế và những kho chứa hàng trong thương cảng Sài Gòn là hoạt động đứng đầu của giới giang hồ quận 4. Vụ trộm kho hàng tơ lụa của bà Ngô Đình Nhu tại kho 5 năm 1960 là một vụ án táo bạo đã gây xôn xao dư luận Sài Gòn một thời. Cuộc điều tra lâm vào ngõ bí. Tay giám đốc cảng treo giải thưởng với giá ngày càng tăng cho đến lúc toàn bộ những tên trộm dám vuốt râu hùm bị tóm gọn tại nhà một cách bất ngờ.

Hai mươi bành tơ lụa trị giá đến tiền triệu USD được thu hồi. Nhóm trộm chuyên nghiệp nổi tiếng: Lý Tùng Như, Năm Đen, Hà Anh Hào, Nguyễn Trầm Luân lãnh án đày ra Côn Đảo. Trong “Chiến dịch vì dân”, quận 4 là địa bàn phức tạp nhất khi triển khai cuộc hành quân cảnh sát, phải huy động lực lượng gồm biệt đoàn cảnh sát dã chiến, giang thuyền vây chặt cùng kinh rạch chằng chịt mở nhiều lối thoát ra sông lớn, tội phạm giang hồ đen bị bắt tại quận 4 trong “Chiến dịch vì dân” lên đến hơn 5.000 tên, trong đó có những tay thủ lĩnh các ngành nghề “đen” như: Hải chùa, Việt Tôn Đản, Năm đầu bự, Năm Morticr, Mười cá lóc, anh em Lo Lót… và nổi cộm nhất là những tên tuổi đang lừng lẫy trong thời này gồm: Đại ca Thay, Hải sún, Bảy si, Tám lâu, Đực Bà Tiều.

Quận 4 là nơi “Chiến dịch vì dân” thắng được mẻ lưới lớn nhất. Trại Cửu Sùng đảo Phú Quốc được dành riêng là nơi giam giữ các hùm xám quận 4. Sau thời gian ngắn bị giam giữ tại đảo Phú Quốc, đại ca Thay, Hải sún vượt đảo, bị lực lượng canh phòng của Đại úy Long ghẻ (An ninh quân đội biệt phái) bắn chết.

Kỳ sau: Nguồn lợi đen từ chiến dịch truy quét giang hồ của tướng Sàu Lèo

Đan Phượng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc