Bài hát hàn gắn tình yêu của nhạc sĩ Lê Việt Hòa

( PHUNUTODAY ) - Trong cuộc sống không ai là không mắc sai lầm. Hạnh phúc vợ chồng đôi khi không chỉ là tồn tại nhờ tình yêu, nó sống được còn nhờ vào lòng vị tha, vào cái nghĩa chồng vợ với nhau, vào tình yêu với con cái.

Phải nhiều lần hẹn, tôi mới có thể được gặp nhạc sĩ của nhạc phẩm “Gửi em chiếc nón bài thơ”, bởi ông vừa trải qua một trận cảm nặng. Đằng sau câu chuyện âm nhạc đấy hứng khởi của ông, tôi bỗng nhận ra bên trong ánh mắt già nua ấy là một nỗi buồn lắng lại theo thời gian.
[links()]
Người nhạc sĩ và mơ ước làm nên một tác phẩm để đời

Ngay trong ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất 4/1976, trên Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên vang lên một ca khúc dân ca xứ Nghệ ngọt ngào “Gửi em chiếc nón bài thơ”. Cha đẻ của nó không ai khác chính là người phóng viên biên tập của Đài, nhạc sĩ Lê Việt Hoà.

Lê Việt Hoà sinh ra tại vùng ngoại ô phía Tây, Hà Nội. Ông là một trong những số ít nhạc sĩ được đào tạo về âm nhạc. Năm 1959, ông học trường Âm nhạc Việt Nam khoa Nhạc cụ cổ truyền và Sáng tác. Ra trường năm 1963, ông về công tác Đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Vợ chồng nhạc sĩ Lê Việt Hoà và cô con gái đầu - Việt Hương
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Việt Hoà và cô con gái đầu - Việt Hương

Tới năm 1969, ông tiếp tục đi học lên đại học 5 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi trở về cơ quan cũ làm phóng viên biên tập tại Ban văn nghệ của Đài.

Mặc dù sáng tác nhiều ca khúc, nhưng Lê Việt Hoà vẫn chưa tạo nên một dấu ấn riêng biệt cho mình trong lòng công chúng. Sau nhiều năm trăn trở, một ngày năm 1976, ông tìm gặp được bài thơ “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ quê mẹ” của nhà văn Sơn Tùng, in trong tập thơ tình yêu do Nhà xuất bản Công nhân ấn hành năm 1955.

Ngay lập tức, người nhạc sĩ bắt gặp được cái tứ cho ca khúc mà bấy lâu ông vẫn ấp ủ: “Em đội nón bài thơ đi sáng đường Quảng Ngãi/ che chở cho em nắng sương mưa xối/ nước dưới sông có khi đấy khi cạn/ trăng trên trời có khi tỏ khi lu/ lòng miền Nam đối với cụ Hồ/ vẫn tròn vành vạnh như chiếc nón bài thơ em đội đầu”.

Ban đầu nhạc sĩ để tên: “Anh gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” dù người ta vẫn nghe nói nón bài thơ ở xứ Huế nhưng Lê Việt Hoà vẫn kiên quyết để bài hát trung thành với nguyên tác của nhà văn Sơn Tùng – vốn quê ở Nghệ An Chính.

Nhà văn Sơn Tùng cũng cho biết, quê hương ông có nghề làm nón bài thơ, sau này mới lan vào Huế. Tuy nhiên sau này để tên bài hát ngắn gọn và dễ nhớ nhạc sĩ đã rút gọn tên thành: “Gửi em chiếc nón bài thơ”.

Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã phỏng theo cái ý của hai câu thơ của nhà văn Sơn Tùng: “nước dưới sông có khi đầy khi cạn/ trăng trên trời có khi tỏ khi lu…”, để phác ra một ca khúc tình ca trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất.

Không còn là tình đoàn kết anh em Quãng Ngãi – Nghệ An, cũng không còn là một bài thơ chính trị. Lê Việt Hoà đã lấy chất liệu dân ca xứ Nghệ, nói về tình yêu nam nữ thuỷ chung và son sắt, trong niềm vui đất nước thống nhất “Bắc - Nam một dải”.

Ca từ dìu dặt, sáng trong nhưng mềm mại ấy đã sống trong lòng hàng triệu người dân đất Việt vẫn còn mang hơi thở tươi mới của cuộc sống. Thế nhưng đằng sau những ca từ ngọt ngào ấy, mấy ai biết được những nỗi niềm ẩn chứa trong lòng người nhạc sĩ, về một tình yêu thuỷ chung và son sắt ông gửi tới người vợ của mình.

Hạnh phúc là sự dừng lại đúng lúc của mỗi cái Tôi

Vợ chồng nhạc sĩ khi già
Vợ chồng nhạc sĩ khi già

Năm 1963, Lê Việt Hoà tốt nghiệp Trung cấp trường âm nhạc Việt Nam về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi này ông có một người bạn làm giảng viên trường Sư phạm Sơn Tây, có lời mời ông lên Sơn Tây tham quan chùa Tây Phương và chùa Thầy.

Hôm ấy, người bạn dẫn Lê Việt Hoà tới nhà cô học trò chơi, để nhờ làm hướng dẫn viên du lịch. Người con gái ấy chính là Phan Thị Minh Hằng, một cô học trò cũ của người bạn, khi đó đang là một giáo viên tiểu học xinh xắn, có khuôn mặt hiền dịu hút hồn người đối diện.

Một tuần sau buổi đi chơi ấy, nhạc sĩ Lê Việt Hoà mới biên thư cho cô Hằng tỏ lời cảm ơn cô và gia đình đã đón tiếp mình một cách nhiệt tình. Để đáp lại, ông có nhã ý mời cô gái xuống Hà Nội chơi. Một tháng sau đó, cô Hằng nhận lời mời ấy.

Lần đi chơi ấy có lẽ là kỉ niệm đáng nhớ và đẹp nhất trong đời người nhạc sĩ trẻ khi hai người cùng nhau sóng bước đi dạo trong trường âm nhạc. Sau đó, ông đưa bà đi thuyền ra Hồ Tây chơi. Trên thuyền, người nhạc sĩ tài hoa trổ tài đánh đàn ghi - ta cho cô gái nghe...

Đôi mắt lúng liếng, hai bên đều thầm mến nhau, rồi yêu nhau sau đó vài tháng. Cuối mùa đông năm ấy, nhạc sĩ Lê Việt Hoà nên duyên vợ chồng cùng cô Minh Hằng.

Tuy nhiên vì hoàn cảnh, lúc này bà Hằng vẫn dạy học ở Sơn Tây và ở nhà mẹ đẻ, còn ông vẫn đi về giữa Hà Nội – Sơn Tây thăm người vợ trẻ vào mỗi cuối tuần.

Năm 1964, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam phải sơ tán lên Thái Nguyên, lúc này bà Minh Hằng vừa sinh cô con gái đầu lòng. Công việc bận rộn, nhạc sĩ lại được cơ quan cử học lên đại học ở Học viện âm nhạc, lại thêm phương tiện, đường sá đi lại khó khăn.

Nhiều khi nhớ vợ con quá, nhạc sĩ lại tranh thủ ngày cuối tuần ông chẳng ngại vất vả đạp xe đạp từ Thái Nguyên về Hà Nội rồi lại hơn 50km từ Hà Nội lên Sơn Tây, từ sáng sớm tinh cho tới tối mịt mới lên được nơi bà Hằng dạy học.

Ở với vợ con được một đêm, sáng sớm ông lại đạp xe về cơ quan ở Thái Nguyên để kịp đi làm. Việc đi lại bất tiện, Đế quốc Mỹ ném bom ngày càng ác liệt, nhạc sĩ chỉ tranh thủ được những đợt nghỉ phép vài ba ngày về thăm gia đình.

Sự xa cách về không gian là sự thử thách lớn lao với tình yêu và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Hạnh phúc của ông bà kéo dài thêm gần 5 năm sau đó, khi cô con gái đầu lòng Việt Hương của hai ông bà (hiện là Phó phòng âm nhạc của Đài Truyền hình VN) được 5 tuổi.

Người chồng trẻ Lê Việt Hoà dần cảm nhận được sự khác lạ của vợ, sự nhạt nhoà trong tình cảm. Nhưng vì yêu vợ, thương con, người chồng ấy vẫn cố gắng kéo gần những khoảng cách giữa vợ chồng. Thế nhưng sự nghi ngờ khiến cho tình cảm mà bấy lâu vợ chồng ông đã gây dựng được có những lúc bị chao đảo.

Quãng thời gian khó khăn, trục trặc ấy đã kéo dài tới gần 5 năm. Lê Việt Hoà vẫn đang làm việc trên Thái Nguyên, một người nhạc sĩ lại khéo đàn hát như ông có nhiều người phụ nữ hâm mộ là chuyện khó có thể tránh được.

Một người đàn ông xa vợ, thiếu thốn và đang mất phương hướng trong chuyện tình cảm; một người nhạc sĩ luôn cần một bàn tay chăm sóc, sự động viên tri kỉ trong âm nhạc và trong cuộc sống không khỏi cho người nghệ sĩ có những lúc yếu lòng.

Vì vậy đời sống tình cảm giữa hai vợ chồng ngày càng thêm xa cách nhưng chính nhờ cô con gái vợ chồng họ lại trở về bên nhau như ngày đầu.

Khi ấy, Việt Hương, tuy mới 10 tuổi nhưng đã rất “già dặn”, hiểu chuyện nhà lắm. Nhiều khi Lê Việt Hoà về thăm con gái, cô Việt Hương lại thủ thỉ muốn bố về ở với mình. “Khi ấy, tôi thương con quá. Nếu vợ chồng chia tay nhau thì đứa con sẽ thiệt thòi đầu tiên.

Trong khi đó, vợ tôi cũng đã trở lại như ngày nào…”. Cuối cùng ông cũng quyết định bỏ lại những sai lầm để trở về với vợ con. Sau 5 năm trục trặc, rốt cuộc đôi vợ chồng trẻ lại trở về như thời nồng ấm.

Rót một chén trà loãng, nhạc sĩ Lê Việt Hoà không nén một tiếng thở dài khi vòng qua câu chuyện ra đời ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ”. Ông bảo, thời gian đầu mọi sự được ém kĩ vào quá khứ nhưng đôi khi trái gió trở trời nó vẫn như một vết thương trong lòng người nghệ sĩ đa cảm như ông.

“Gửi em chiếc nón bài thơ” như nỗi lòng kín đáo về một tình yêu thuỷ chung, son sắt nhạc sĩ gửi tới người vợ và chính bản thân mình. “Nước dưới sông có khi đầy khi cạn, trăng trên trời khi tỏ khi mờ. Tình đôi ta từ bấy đến giờ vẫn tròn như chiếc nón bài thơ.

Nước dưới sông có khi đầy khi cạn, trăng trên trời khi tỏ khi mờ. Tình đôi ta từ bấy đến giờ vẫn tròn như chiếc nón bài thơ anh tặng em” - những ca từ ấy cũng chính là ước mơ được trở lại tình yêu ban đầu. Bài hát ra đời có ý nghĩa cho bản thân ông và cho những tuổi trẻ khác.

Đã 40 năm qua, người nhạc sĩ ấy bỏ lại những khúc mắc, quá khứ buồn của cả hai vợ chồng để sống bên nhau, nuôi dạy con cái thành người. Bây giờ ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông nhận ra được cái chân lí:

Trong cuộc sống không ai là không mắc sai lầm, vấn đề là người ta có biết gạt bỏ “tảng đá đè” ấy ra khỏi lòng hay không. Hạnh phúc vợ chồng đôi khi không chỉ là tồn tại nhờ tình yêu, nó sống được còn nhờ vào lòng vị tha, vào cái nghĩa chồng vợ với nhau, vào tình yêu với con cái.

Vợ ông, bà Minh Hằng vẫn làm tròn trách nhiệm và nghĩa tình chồng vợ, chăm sóc người chồng của mình lúc tuổi già, vui vầy với quán hàng nhỏ khi tuổi về hưu.

Trong cuộc sống hàng ngày, Lê Việt Hoà luôn “cầm trịch” quyết định những việc lớn. Còn những việc nhỏ, sắp đặt nhà của đều do vợ ông đảm nhận. Đôi khi tuổi già trở nên khó tính, cả hai “ông bà già” ấy lại phải tự biết mà nhịn nhường nhau.

Như vậy mới cân bằng được cuộc sống vợ chồng. Ông tự nhận mình cái tính không mấy ngăn nắp, còn bà lại là người cẩn thận nên vợ chồng già đôi khi cũng hục hặc như trẻ nhỏ rồi lại nhanh hoà. Bởi vì người đàn ông nên cần sự vị tha, tự biết nhường nhịn vợ những chuyện nhỏ nhặt; Bà Hằng cũng biết im lặng những lúc chồng nóng giận.

Nhờ vậy bao nhiêu năm qua cuộc sống của vợ chồng ông bà vẫn được xem là bình dị và yên ấm. Với nhạc sĩ Lê Việt Hoà như thế - đã là tự bằng lòng với chính mình…

  • Sao Chi
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn