Cuộc đời vợ chồng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307

( PHUNUTODAY ) - Dù Trung tướng Nguyễn Văn Tiên đã đi xa gần 10 năm nay nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, những kỷ niệm về ông vẫn còn nguyên vẹn. Những cuốn sách ông từng đọc vẫn nằm ngay ngắn trên bàn, sạch không có lấy một hạt bụi.

Với nhiều người, bài hát "Tiểu đoàn 307" là một bài hát hùng tráng về một Tiểu đoàn anh hùng, mưu trí, dũng cảm trong kháng chiến chống Pháp. Với bà Trần Thị Nguyệt Anh – người vợ hiền của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, bài hát ấy còn gắn bó với một kỷ niệm không bao giờ quên về người bạn đời đã cùng bà trải qua bao nhiêu sóng gió, viết nên một câu chuyện đẹp như cổ tích về tình yêu xa cách thời chiến tranh.
[links()]


Cuộc đời vất vả nhưng đẹp đẽ

Ngôi nhà nằm khuất trong một con hẻm đường Lê Văn Sỹ của thành phố Hồ Chí Minh rợp bóng cây xanh. Người bạn đời của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tiên năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn giữ được sự minh mẫn và bặt thiệp của một người phụ nữ đã nhiều năm làm công tác xã hội.

Bà từ chối khéo cuộc trò chuyện với tôi bằng cách đưa cho tôi hai cuốn sách về Tiểu đoàn 307, nơi Trung tướng Nguyễn Văn Tiên từng làm Tiểu đoàn trưởng và luôn miệng nói rằng, bà đã lớn tuổi nên nhiều không còn nhớ được chính xác. Thế nhưng khi câu chuyện đã vào mạch, một cuộc đời hào hùng và đẹp đẽ được bà nhớ lại đến từng chi tiết.

Mối lương duyên của bà Trần Thị Nguyệt Anh và Tướng Nguyễn Văn Tiên một phần liên quan đến những thành tích hào hùng của Tiểu đoàn 307 trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.

Khi ấy, bà đang là ủy viên thường vụ Hội phụ nữ cứu quốc tỉnh Trà Vinh, cũng là một người mỹ nữ duyên dáng nổi tiếng lúc bấy giờ còn ông đang là tiểu đoàn trưởng kiêm chính trị viên Tiểu đoàn 307. Mối quan hệ giữa bộ đội và phụ nữ thời bấy giờ rất mật thiết.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Văn Tiên
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Văn Tiên

Trước khi chuyển quân về Đồng Tháp Mười, ông Tiên đến chia tay Hội phụ nữ. Bà Nguyệt Anh nhớ lại:

“Trước đó, tôi đã có sẵn cảm tình đặc biệt với Tiểu đoàn 307 oai hùng, nên khi anh Tiên nhờ bạn gửi bức thư ngỏ lời, tôi dễ… cảm mến. Từ đó, tôi kín đáo theo dõi bước chân của đơn vị anh. Vậy mà không qua nổi mắt các chị cùng cơ quan nên thỉnh thoảng bị chọc: Sao dạo này “mình” nhớ Tiểu đoàn 307 quá”.

Trong buổi liên hoan chia tay hôm ấy, các chị em cùng cơ quan ý tứ đưa bà ra tiếp ông rồi lặng lẽ rút lui. Dù biết và cảm mến nhau từ lâu, cũng đã có thư từ qua lại nhưng đó là lần đầu tiên họ có dịp trò chuyện trực tiếp nên cả hai đều rất lúng túng và ngượng ngùng chưa biết bắt đầu câu chuyện thế nào.

Khi nhìn thấy chiếc áo ông Tiên đang mặc có hai vết thủng sát nách, bà ngỡ ngàng hỏi ông: “Sao áo anh lủng vậy”? Được mở lời, ông Tiên trở nên bạo dạn hơn, giở vạt áo lên cho bà thấy vết thương chạy dọc lồng ngực và đáp: “Bọn giặc ở Long Vĩnh bắn sượt đó. Vội đi cùng đoàn nên chưa kịp thay áo”.

Nghe đến đó, trong lòng bà chợt trào dâng niềm yêu thương và sự xúc động. Ngay lúc ấy, bà hiểu rằng, chọn một người lính làm bạn đời có nghĩa là sẵn sàng đối mặt với chia ly, mất mát.

Nhưng tình yêu lẫn sự kính phục đã khiến bà nhận lời làm vợ ông mà không đắn đo suy nghĩ, hôn lễ được tổ chức ngay sau đó không lâu tại trường Đảng Trung ương cục miền Nam.

Dù xác định trước chuyện phải đối mặt với chia ly, nhưng bản thân bà cũng không ngờ rằng, cuộc đời của hai ông bà lại là những chuỗi ngày dài cách xa đằng đẵng ở hai bờ nỗi nhớ. Thời gian đầu mới cưới nhau, ông thường xuyên phải theo Tiểu đoàn đi khắp các tỉnh miền đông Nam bộ vì Tiểu đoàn 307 của ông là tiểu đoàn lưu động.

Cho đến khi giặc pháp rút khỏi Việt Nam, những tưởng vợ chồng sẽ được đoàn tụ cùng nhau, nhưng khi đó đất nước lại tiếp tục phân công nhiệm vụ mới nên hai ông bà lại phải rời quê hương ra Bắc. Bà Nguyệt Anh nhớ lại: “Từ khi tôi mang thai cho tới khi con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi mới được gặp anh ấy”.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, đất nước tạm chia cắt hai miền theo hiệp định Giơ ne vơ, cả hai ông bà cùng theo tàu tập kết ra Bắc. Thế nhưng ngay từ những giây phút ấy, họ đã không được ở chung trên một chuyến tàu.

Bà theo đoàn tàu dân sự di chuyển ra Bắc trước, còn ông theo tàu quân sự cùng những người lính của chiến trường miền Nam tập kết ra Bắc.

Ngay khi vừa ra tới Hà Nội, bà Trần Thị Nguyệt Anh phải gửi cậu con trai đầu lòng khi đó còn chưa cai sữa cho bà bảo mẫu để theo đoàn cải cách ruộng đất đi xuống các địa phương ở Hải Dương, Thái Bình....

Trong suốt 2 năm từ 1954 đến 1956, bà không được về thăm con. “Sau 2 năm vềm nhìn thấy con đang chơi ở sân khu tập thể, gọi con lại thì con nhìn với ánh mắt xa lạ, chạy về phía bà bảo mẫu và hỏi: “Cô này là cô nào vậy bà? Khi ấy, nước mắt tôi trào hết ra ngoài vì con mình không nhận ra mình”.

 Trung tướng Nguyễn Văn Tiên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trung tướng Nguyễn Văn Tiên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiều hôm đó, ông cũng về tới. Họ chỉ kịp ở với nhau một đêm trong phòng giữ điện thoại của Bộ Văn hóa, gần sáng ngày hôm sau, ông thông báo: “5 giờ sáng anh đi Trung Quốc học”. Bà lại phải xa ông thêm gần 5 năm trời đằng đẵng nữa.

Ngày ông về cũng là ngày cô con gái thứ hai Thùy Anh lần đầu tiên gặp cha. Bà không bao giờ quên được cảnh con gái nhìn thấy ai đi ra từ ga cũng kêu ba khiến cho một thiếu phụ trẻ như bà ngượng chín mặt.

Bà phải dặn con: “Khi nào má nói là ba thì con mới được kêu”. Lúc ông xuống tàu, hai cha con ôm nhau, còn bà thì đứng khóc vì hạnh phúc ngày đoàn tụ.

Sau khi về nước, Trung tướng Nguyễn Văn Tiên nhận công tác tại Quân chủng phòng không không quân, giữ chức Phó tư lệnh quân chủng kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh không quân. Những năm ấy, giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc, chúng tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá.

Nhà hai ông bà ở gần sân bay Bạch Mai nhưng ông hiếm có cơ hội cùng bà và các con ăn cơm ở nhà mà phải ở lỳ trong hầm trực tiếp chỉ huy bắn máy bay.

Trong ký ức của một người vợ, đó là quãng thời gian bà cảm thấy “xót” ông nhất bởi khi ấy bà không được trực tiếp chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho ông mà có một người cán bộ cấp dưỡng.

Mỗi ngày, anh cấp dưỡng đều báo cáo lại với bà, thức ăn mang xuống hầm khi mang ngược trở lên đầu vẫn còn nguyên vẹn bởi ông và các sĩ quan chỉ huy khác hầu như không động đũa.

Đến khi anh cấp dưỡng nghĩ ra cách nắm xôi đậu xanh thành những nắm nhỏ và đưa xuống hầm thì ngày nào xôi cũng hết veo, khi đó bà mới an tâm trở lại còn anh cấp dưỡng thì mừng đến phát khóc.

Bà nhớ lại, thời gian ấy cứ 7h tối mỗi ngày, ông Tiên đều phải đến nhà sàn gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình chiến sự và tình hình bắn máy bay của ta. Có những ngày bắn được nhiều máy bay và bắt được nhiều phi công thì không sao, những ngày không có thành tích gì, ông cảm thấy hết sức băn khoăn lo lắng.

Thế nhưng Bác lại là người rất tâm lý, mỗi bận thấy ông bối rối, Bác đều chủ động động viên: “Đừng có lo, mình đánh giặc bao giờ cũng thắng. Hôm nay chưa được thì ngày mai được”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở miền Bắc, năm 1974, Trung tướng Nguyễn Văn Tiên chuyển sang giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật – Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đến năm 1979, ông kiêm thêm chức Hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật Quân sự và tiếp tục chuyển ra Bắc công tác thêm 2 năm nữa trước khi quay lại hẳn miền Nam sống cùng vợ con.

Bà Trần Thị Nguyệt Anh ngậm ngùi nói: “Thời gian chúng tôi sống cùng nhau ít, lại phải vượt nhiều khó khăn về tình cảm nên tình cảm sâu đậm và thương nhau dữ lắm”. Cho đến tận khi ông về hưu, hai ông bà vẫn hết sức tình cảm. Dù đã lớn tuổi nhưng ông bà vẫn xưng anh – em như thời còn son trẻ.

Bà tự hào nói với tôi rằng: Trong bao nhiêu năm sống cùng nhau, ông bà chưa bao giờ nói với nhau một câu nặng lời mà lúc nào cũng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau. Ông dù nghiêm khắc với các con nhưng chưa bao giờ dùng roi đánh con mà luôn dùng lời lẽ để dạy bảo các con nên người.

Xứng đáng với hai từ cách mạng

Năm 1996, Trung tướng Nguyễn Văn Tiên được Nhà nước và Bộ quốc phòng cho nghỉ hưu. Khi đó hai ông mà mới chính thức được sống cùng nhau, không còn cảnh ở hai đầu nỗi nhớ như quãng thời gian trước nữa. Khi còn công tác, ông là một người hết sức tận tụy với công việc.

Đến khi nghỉ hưu, ông lại tận tụy với gia đình. Ông dành toàn bộ thời gian của mình để vui vầy cùng bà, dạy dỗ con cháu, thỉnh thoảng đi thăm lại bạn bè đồng đội cũ. Bà nói rằng, dù làm lãnh đạo trong suốt nhiều năm liền nhưng ông tuyệt đối không nhậu nhẹt la cà quán xá.

Ông không hút thuốc, không uống bia, không uống trà mà chỉ ở nhà chăm sóc cây cảnh và đọc sách. Bản thân bà Nguyệt Anh cũng vậy. Dù là lãnh đạo trong lĩnh vực văn nghệ nhưng bà vẫn tự tay chăm lo cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ.

Ông muốn ăn phở, tự nay bà nấu cho ông. Ông thích ăn chè, cũng tự tay bà nấu cho ông bởi bà biết khẩu vị của ông, biết ông mắc căn bệnh tiểu đường nên biết cách chăm sóc ông tốt nhất:

“Hai vợ chồng tôi sống cùng lý tưởng, hết sức lo cho đất nước, hết sức trung thành với Đảng nên sống với nhau rất tâm đầu ý hợp” – Bà Nguyệt Anh nói.

Trong suốt những năm tháng ông bận việc quân, bà là người phụ nữ tảo tần một tay chăm sóc, dạy dỗ các con nên người. 3 con của ông bà dù đều không theo nghiệp cha nhưng ai cũng trưởng thành, ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Khi còn sống, Trung tướng Nguyễn Văn Tiên vẫn trìu mến dành cho người vợ của mình những lời có cánh: “Nguyệt Anh hội tụ nhiều nét đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam bộ nói riêng: Trung hậu, đảm đang, thủy chung và hết lòng chăm lo cho chồng con.

Dạo ở miền Bắc, tôi không thể hiểu Nguyệt Anh lấy sức đâu ra mà chỉ hơn một ngày tuần thì đi thăm đứa con đầu lòng đang học trường phổ thông sơ tán tận Bắc Thái, tuần thì về Hưng Yên chăm sóc 2 con nhỏ tại Trại trẻ Bộ đội Phòng không – không quân, sau đó lại quay về để kịp sáng thứ hai công tác?

Thỉnh thoảng tôi mới có dịp qua nhà, nhìn các con ngoan ngoãn tôi càng yêu quý Nguyệt Anh. Khi còn đảm trách Phó phòng độc giả - Thư viện Quốc gia, Phó giám đốc xưởng phim, Phó giám đốc Nhạc viện Thành phố.

Khi đã về nghỉ hưu, Nguyệt Anh luôn là điểm tựa vô cùng thân thiết và không thể thiếu được của cha con tôi. Tôi có chút gì đóng góp vào sự nghiệp chung gần nửa thế kỷ qua, thật lòng mà nói công sức của Nguyệt Anh không phải là ít”.

Là người làm công tác đoàn thể và cũng đã kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng nhưng chưa bao giờ bà quên vai trò làm vợ, làm mẹ của mình. Ấy vậy nên trước mặt bạn bè thân thiết như bà Bảy Huệ (Phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - PV), ông thường xuyên khen bà “ngoan”.

Chỉ một từ ấy thôi cũng đủ thấy sự cố gắng của bà để làm sao vừa giỏi việc nước nhưng vẫn đảm việc nhà, và cũng để thấy được tình cảm mà họ dành cho nhau sâu đậm đến mức nào. Có lần hai vợ chồng Trung tướng Nguyễn Văn Tiên và bà Trần Thị Nguyệt Anh gặp hai ông Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh.

Vừa nhìn thấy hai vợ chồng, ông Phạm Hùng giơ ngón tay cái, ý trêu hai vợ chồng là số 1. Bà lắc đầu và bẻ ngón tay ông Phạm Hùng xuống vì xấu hổ thì ông Nguyễn Văn Linh lại giơ ngón tay cái lên. Bà đến bẻ ngón tay ông Nguyễn Văn Linh xuống thì ông lùi ra xa và giơ cả hai ngón tay cái lên, rồi mọi người cùng cười vui vẻ.

Cũng giống như ông, bà đi tới đâu cũng được mọi người thương quý. Có một lần, bà đi công tác ở Hưng Yên. Năm ấy trời rét cắt da cắt thịt nên đêm đầu tiên bà không ngủ được.

Tối hôm sau, khi hết giờ làm việc trở về nhà khách, bà thấy một cô gái mới chừng đôi mươi trắng nõn nà rất phốp pháp đứng chờ sẵn. Khi bà hỏi, cô gái ấy nói đáp: “Chủ tịch tỉnh nói con xuống ngủ với cô vì sợ đêm cô lạnh không ngủ được”.

Bà nói rằng, có lẽ do được giáo dục từ nhỏ nên tính nết kính trên, nhường dưới, mềm mỏng và linh hoạt trong công việc của bà khi làm việc có được thiện cảm của mọi người.

Bà là một trong hai trong số gần 7000 cán bộ của Bộ Văn hóa lúc bấy giờ được Bác Hồ tặng Huy hiệu Hồ Chủ tịch, do đích thân Tổng bí thư Trường Chinh gắn trong một buổi lễ trang trọng ở Hà Nội.

Bà bảo, tấm huy hiệu ấy là động lực để bà phấn đầu và rèn luyện tốt hơn. Nó như một lời nhắc nhở bà luôn cố gắng xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Trung tướng Nguyễn Văn Tiên đã từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Bản thân bà Nguyệt Anh cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành Văn hóa. Thế nhưng ít ai có thể tưởng tượng rằng, cả khi còn đương chức lẫn khi về hưu, hai ông bà sống rất thanh đạm.

Có ai dám tin một Phó giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, sau mỗi giờ tan sở lại về nhà xịt nước tắm cho heo, chăm sóc cả một đàn heo đẻ cải thiện cuộc sống. Bà kể lại rằng, có lần Bộ trưởng Bộ Văn hóa tới nhà thăm, khi ấy bà vừa từ chuồng heo lên, ông Bộ trưởng vừa nhìn thấy bà đã nhăn mũi và trêu rằng người bà có “mùi lạ”.

Có những bận khi đang tắm cho heo, bà bị con heo gần 80 ký xô té xuống sàn. Những câu chuyện như thế, nhiều bạn trẻ hiện nay khó mà tưởng tượng ra nổi. Nhớ lại tất cả những chuyện ấy, người vợ hiền của Trung tướng Nguyễn Văn Tiên mỉm cười và bảo: “Mình vất vả nhưng chồng mình được, con mình tốt vậy là hạnh phúc rồi”.

Giọng bà trầm xuống khi nhắc về ông: “Vì tình cảm sâu đậm nên sau khi anh ấy mất, tôi buồn lắm”. Có bận, bà đi khám bệnh theo tiêu chuẩn công vụ. Sau khi kiểm tra sức khỏe, bà hỏi anh bác sĩ: “Bác sĩ ơi, có thuốc gì chữa được bệnh buồn không”?

Anh bác sĩ ấy ngớ người ra và không biết trả lời bà như thế nào. Tưởng câu chuyện ấy qua đi, ai dè một tuần sau nó được đăng trên báo Tuổi trẻ. Nhiều bạn bè đọc được tíu tít gọi điện hỏi thăm, động viên bà. Đó cũng là một niềm hạnh phúc mà không tiền bạc nào có thể mua được.

Người trẻ sống bằng tương lai còn người lớn tuổi thì sống với những kỷ niệm. Bà Nguyệt Anh cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Quá khứ vất vả nhưng đầy sôi động và nhiệt huyết giúp bà bớt cô đơn hơn trong ngôi nhà nhỏ từ khi vắng bóng ông.

Con cái của hai ông bà hiện nay đều đã trưởng thành. Anh con trai cả cũng giống tính cha, làm việc rất chăm chỉ và hiệm khi tụ tập bia bọt, cô con gái thứ hai lấy chồng ở Vũng Tàu còn người con trai thứ ba đang thuê một căn phòng áp mái ở ngay phía sau để tiện sang chăm sóc mẹ.

Bà tự hào: “Các con tôi dù không giàu có nhưng đứa nào cũng nên người, ngoan ngoãn và rất hiếu thảo. Thằng út mỗi lần qua thăm tôi đều khoanh hai tay và nói: “Thưa má con tới, thưa má con về” rất lễ phép dù đã 50 tuổi rồi”.

Dù Trung tướng Nguyễn Văn Tiên đã đi xa gần 10 năm nay nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, những kỷ niệm về ông vẫn còn nguyên vẹn. Những cuốn sách ông từng đọc vẫn nằm ngay ngắn trên bàn, sạch không có lấy một hạt bụi.

Những cái cây ông trồng vẫn tỏa bóng mát trong vườn và hình ảnh của ông được con gái lưu giữ lại trong bức tranh thêu đẹp như ảnh thật treo trên tường. Quan trọng hơn, ông vẫn hiện diện trong ký ức đầy đẹp đẽ của vợ và các con, ký ức về một vị Tướng hết lòng với đất nước, một người cha hết lòng với gia đình.

Tôi tin rằng, các con cháu trong gia đình vị Tướng ấy có quyền tự hào về cha mẹ mình bởi họ đã sống và cống hiến một cuộc đời vất vả nhưng đẹp đẽ.

  • Tuấn Hải
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn