Tùng Dương quái đến tận cùng để biết mình là độc tôn

( PHUNUTODAY ) - #160;(Phunutoday) - Chính Tùng Dương cũng biết là có những khán giả không ưa gì mình, họ có thể tắt ngay ti vi khi nhìn thấy Tùng Dương hát. Tùng Dương chấp nhận điều đó như chấp nhận một sự hy sinh để luôn tiên phong khai tìm cái mới trong âm nhạc.


*Bầu không khí âm nhạc nồng nhiệt trong gia đình toàn người nổi tiếng

Từ hồi Tùng Dương mới bập bẹ biết hát, gia đình Tùng Dương đã luôn có một “truyền thống” lạ đời, khác hẳn những gia đình khác là nếu Tùng Dương được điểm tốt thì sẽ cho đi xem… ca nhạc chứ không thưởng bánh, kẹo gì. Năm lên 6 tuổi, Tùng Dương từng làm một sân khấu ca nhạc náo loạn vì hình ảnh một thằng bé còi còi, bé tí xíu đi xem ca nhạc mà đứng dưới nhún nhẩy hát điên cuồng hơn cả ca sĩ trên sân khấu, hát rất đúng nhạc dù là bài người lớn, thành thử khán giả quay ra xem cậu bé bé tí xíu Tùng Dương hát chứ không xem ca sĩ.

Từ đấy, bố Tùng Dương thấy rằng à, con mình có năng khiếu âm nhạc, nó lại theo gen của ông bà rồi và quyết định cho Tùng Dương tham gia các câu lạc bộ để học hát, học nhạc. Lên 7,8 tuổi Tùng Dương đã tự hào là đã kiếm được tiền nhờ đi hát rồi, dù cát xê chỉ là gói kẹo, bát phở sau khi đi diễn nhưng Dương vui lắm, tự hào lắm vì được đi hát.

Sự nghiệp của Tùng Dương có vẻ ấn tượng ngay từ khi còn bé như thế, năm lên 13 tuổi, sau khi đoạt giải thưởng tiếng hát học sinh sinh viên, Tùng Dương được mời đi Nga hát chung với ca sĩ Mỹ Linh. Năm đó là năm nhạc Việt bừng tỉnh sau cơn ngủ say và dài mê mệt, nhạc Việt bừng sống dậy với những cái tên Mỹ Linh, Thanh Lam, Thu Phương, Lam Trường, Đan Trường… Mỹ Linh nổi tiếng vô cùng, tên tuổi tưng bừng khắp nơi với “thì thầm mùa Xuân”, biết bao người mơ ước được hát với Mỹ Linh mà không được. Thế mà cậu bé mới có mười mấy tuổi Tùng Dương đã được đứng chung sân khấu hát “Thì thầm mùa Xuân” với Mỹ Linh rồi. Mỹ Linh bây giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh Tùng Dương ngày đó: gầy, bé nhưng hát rất máu, hát bài hát yêu đương cứ như khao khát yêu đương lắm lắm.

Bố mẹ Dương không theo nghề hát, nhưng từ nhỏ Tùng Dương đã được sống trong một gia đình mà bầu khí quyển âm nhạc lúc nào cũng nồng nhiệt. Ông trẻ Tùng Dương là cố nhạc sĩ Trần Hoàn, chính ông là người nói cho Tùng Dương biết là Tùng Dương có thể đi theo nghề hát sau khi “thẩm định” giọng ca của cậu cháu trai. Ông Trần Hoàn nói một câu mà Tùng Dương ghi khắc mãi trong lòng, rằng: “nghệ thuật không đơn giản đâu, rất chông gai, cháu có cố gắng theo được thì phải rất cố gắng và đam mê”.

Ông Trần Hoàn là tấm gương lớn mà Dương vô cùng ngưỡng mộ từ khi còn nhỏ, Dương thích nhìn thấy những lúc ông bất chợt nảy ra một giai điệu nào đó, dù là đang làm gì, kể cả khi ăn cơm ông cũng bỏ đó và sáng tác. Sự đam mê ấy thấm vào con người của Dương rất từ từ nhưng rất sâu và ngày càng nồng nhiệt. Dương thích những khi được ngắm nhìn các nghệ sĩ như Thu Hiền, Thái Bảo, Thanh Hoa… hay hát nhạc ông Trần Hoàn tới nhà và ngồi đàm đạo, bàn luận về âm nhạc. Những lúc ấy Dương cứ ngồi len lén bên cạnh mà nghe, thích thú lắm. Ngày Tùng Dương đi Nga hát, ông Trần Hoàn sáng tác riêng cho Tùng Dương hai bài hát về mùa xuân nước Nga mà đến giờ Dương vẫn nhớ từng giai điệu và luôn có dự định một ngày nào đó sẽ thu lại hai ca khúc này.

Nhà Tùng Dương nhiều người nổi tiếng, ngày nhỏ, Tùng Dương từng mơ mộng mình lớn lên sẽ trở thành một nhà thơ như ông Phạm Hổ. Ông Phạm Hổ là em trai của bà nội, ông có những sáng tác cho trẻ con mà ai cũng mê như: Chú bò tìm bạn, Truyện hoa truyện quả… Tùng Dương thuộc làu làu những vần thơ đó và cũng suốt ngày bắt chước ông làm thơ với mộng tưởng một ngày nào đó mình sẽ là thi sĩ nổi tiếng như ông. Ông Phạm Hổ mê một cô ca sĩ da màu mà ông không biết tên, thích lắm, hôm sang nhà chơi, Tùng Dương hát cho ông nghe bài hát của ca sĩ Whitney Houston, ông sung sướng khi thấy đúng bài hát ca sĩ mình yêu thích. Tùng Dương gọi cho bố mẹ đang ở Nga nói mua đĩa cd của Whitney Houston để tặng ông. Hôm đĩa về, Tùng Dương sang nhà ông chơi mà quên mang theo đĩa, ông cứ bồn chồn chờ đợi, cả đêm không ngủ được. Hôm sau mang đĩa sang thì ông bật đĩa suốt ngày, ông mê Whitney Houston vô cùng.

Cả gia đình Tùng Dương đều yêu âm nhạc như thế, ông Phạm Thế Mỹ, cũng là em trai của bà nội, tác giả của những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như Tóc mây, Thương quá Việt Nam, Thuyền hoa, Màu tím hoa sim, Đường về hai thôn… Không có nhiều điều kiện gặp ông vì ông ở Sài Gòn nhưng Tùng Dương rất ngưỡng mộ ông cũng như những sáng tác của ông. Đấy cũng là một yếu tố làm ngọn lửa đam mê âm nhạc trong Tùng Dương luôn cháy mãnh liệt từ khi còn nhỏ. Tùng Dương hay nói đùa là có lẽ nhà có nhiều người nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ như thế nên “đúc kết” ra một Tùng Dương có thể quên ăn, quên ngủ vì yêu âm nhạc như hôm nay.

d
Ca sĩ Tùng Dương.


Năm Tùng Dương học lớp 3 thì bố mẹ Tùng Dương, vốn là giáo viên dạy Nga văn sang Nga làm ăn để lại Tùng Dương ở nhà cho hai bác nuôi. Tùng Dương bây giờ vẫn coi hai bác là bố mẹ thứ hai của mình. Bố mẹ đi Nga, tuy phải sống xa bố mẹ, thiếu tình cảm nhưng bù lại điều này âu cũng là một may mắn cho Tùng Dương. Bởi khi bố mẹ ở Nga, được tiếp xúc rất sớm với nền âm nhạc mới mẻ, tiên tiến nhất của thế giới, bố Tùng Dương thường xuyên tìm kiếm cho Dương những đĩa nhạc mới nhất và gửi về cho con trai.

Ngay từ nhỏ Tùng Dương đã được thấm nhuần nhạc Jazz, đã biết đứng trước gương để uốn éo theo những bản nhạc jazz. Dù khi đó là bắt chước vô thức, nghe chỉ vì thích nhưng đây cũng là sự khởi đầu của một phong cách Tùng Dương sau này. Ngày đó, Tùng Dương nổi tiếng trong nhà với việc bắt chước cách biểu diễn của các ca sĩ trên đĩa, cứ đứng trước gương mà hát xì xà xì xồ như… tây. Bây giờ, Tùng Dương vẫn tự hào là mình có tài bắt chước được nhiều người, bắt chước Thanh Lam hay Mỹ Linh hát đều rất giống và mọi người sẽ lăn ra mà cười.

 

Chàng ca sĩ có nhiều “dị thường” trong đời sống

Tùng Dương có lẽ là người dễ nhận biết nhất khi bước tới đám đông bởi cách ăn mặc và phong cách hơi đặc biệt của Dương, nó không giống ai cả. Ngày trước thì bao giờ Tùng Dương cũng xuất hiện cùng với cả đống vòng vèo lỉnh kỉnh, những bộ đồ có hơi hướm dân tộc khá lạ, không giống ai. Nói thực thì nhiều khán giả cũng sợ những bộ đồ và cách phục trang đó của Tùng Dương. Bây giờ thì Tùng Dương cũng mặc đồ hiệu, nhưng đồ hiệu của Dương thì đúng là cũng chẳng giống ai.

Rất nhiều người cứ bàn tán xì xầm xung quanh rồi thậm chí còn mạnh dạn nói nhỏ vào tai Tùng Dương là nên chỉnh lại cách ăn mặc đi vì mặc “dị” quá. Tùng Dương thì lại rất tự tin về style của mình, cách phối kết hợp rất mới và hợp với xu hướng của thế giới. Dương thường đi “mò” đồ hiệu ở những tiệm bán đồ… nữ vì phom người Dương quá nhỏ, chỉ có thể mặc sơ mi nữ loại nhỏ nhất ở những hàng đồ hiệu. Tùng Dương chẳng sợ bị người ta chê mà chỉ muốn sao cho mình được thoả mãn những khao khát, những phá cách của mình, Tùng Dương thấy đẹp theo cách nhìn của mình là được.

Điều mà Tùng Dương sợ nhất là phải sống trong cái “vỏ”, bên cạnh Tùng Dương đang có biết bao người sống vỏ như thế. Ở Việt Nam, nếu ai có thể giàu nhờ làm ca sĩ thì Tùng Dương phản đối vì làm ca sĩ ở Việt Nam không giàu được vì làm ca sĩ chỉ đủ ăn thôi. Cùng với sự nổi tiếng là phải chăm chút hình ảnh, tốn nhiều tiền quần áo, chi phí cho công việc rất lớn, kiếm được đồng nào tiêu gần hết, ai muốn giàu có thì phải buôn bán. 

 

Mà nếu ai vừa làm được kinh doanh vừa làm được nghệ sĩ thì Tùng Dương phục sát đất, Tùng Dương không chê ai, không nói móc ai nhưng với Tùng Dương nghệ sĩ thực thụ thì không  có khả năng… buôn đất nhoay nhoáy, không đếm tiền tanh tách được. Nhoay nhoáy và tanh tách tiền nong như thế thì sẽ không còn đầu óc nghệ sĩ nữa. Tùng Dương mê cái tính nghệ sĩ thực thụ của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, ông luôn luôn có thể sáng tác ở mọi nơi, mọi lúc. Người nghệ sĩ là cứ thực thực mơ mơ như vậy, thế giới tinh thần của Tùng Dương cũng thế, không quá thực tế, có khác thường nhưng không phải là bất thường kiểu cứ làm những điều kỳ quặc ở trên đường, mà khác thường là hơi khác biệt trong các quan niệm về cuộc sống với người bình thường.

Tùng Dương luôn sống vừa vặn với cái “vỏ” mà mình có. Có như thế nào thì thể hiện ra thế ấy, không gồng mình lên quá. Thoát ra được sự sợ hãi sống vỏ thì người nghệ sĩ sẽ cân bằng được cuộc sống của mình. Tùng Dương sống với tất cả những gì mình có, những gì mình kiếm được, tằn tiện tích cóp chứ không đua đòi, không bao giờ thấy người ta mua đôi giày mấy ngàn đô mình cũng chạy theo mua cho bằng bạn bằng bè.

 

Tính Tùng Dương là thế! Nếu ai hỏi xin Tùng Dương một tấm ảnh được gọi là chụp tử tế một chút với phong cách hiền lành, bình thường thì rất khó. Tùng Dương gần như rất ít ảnh nhìn cái mặt mà rõ là cái mặt. Album Li ti mới được giải Cống hiến của Tùng Dương là một loạt hình chụp theo kiểu body art, tức là hoạ sĩ vẽ đầy người và chụp hết sức kỳ dị. Nhiều khán giả nhìn vào thấy… rùng mình, nhưng Tùng Dương thì quả quyết đó là đẹp, rất đẹp và rất mê những tấm hình mới.

Tùng Dương còn say mê diễn lại cảnh chụp ảnh như thế nào, tinh tế đến mức nào mới ra được tấm ảnh đó, nó phù hợp với xu hướng thế giới như thế nào. Tùng Dương là thế, cái đẹp với Tùng Dương không phải là những thứ mỹ miều, đẹp kiểu nhìn là thấy ngay, mà đẹp với Tùng Dương là sự khác lạ, là cái mới và cái để người ta phải khám phá mới ra. Tùng Dương rất khó chịu với những cái đẹp lồ lộ, đẹp kiểu duy mỹ bình thường.

 

Dương luôn suy nghĩ cái gì ẩn ẩn, hơi ảo một chút sẽ tạo cho mình một thế giới vừa hư hư thực thực để làm người nghệ sĩ luôn bay bổng trong không gian âm nhạc của mình. Còn nếu cứ nghĩ đẹp kiểu duy mỹ, cứ suy nghĩ như thế thì sẽ không ai dám làm cái mới trong âm nhạc cả, sẽ mãi mãi là những cái xưa cũ, cái đẹp đẽ duy mỹ rất bình thường, rất thông thường. Cũng bởi thế mà Tùng Dương luôn bị hai dòng dư luận xoáy vào mình hoặc là thích thì rất thích hoặc là không bao giờ thích được cả, nghệ sĩ đương đại bao giờ cũng phải đối mặt với hai cái dòng dư luận đó, đôi khi cái sự thích và không thích còn ở mức cực đoan.

Quái đến tận cùng để biết mình là độc tôn
   
Năm Tùng Dương 16 tuổi, Tùng Dương đã suy sụp chỉ vì một sáng thức dậy, nghe ca sĩ hát trên đài, Tùng Dương hát theo và bỗng thấy giọng mình ồm ồm hát không còn trong veo, lảnh lót như bình thường nữa, thậm chí hát cùng “tông” với nam ca sĩ trên đài luôn. Cậu bé Dương thấy đau khổ vô cùng vì thấy mình hình như là bị hỏng giọng, sẽ không hát được nữa. Tham khảo sách báo thì Dương cũng biết là do mình vỡ giọng, con trai ai cũng đến lúc bị vỡ giọng như thế. Nhưng, nỗi sợ hãi lớn vô cùng đeo đẳng Tùng Dương suốt hơn một năm, nhiều khi chán nản không còn thiết tha gì là vì Dương biết trên thế giới có những thần đồng âm nhạc sau khi vỡ giọng đã không thể hát hay được nữa và sự nghiệp của họ cũng không còn thăng hoa nữa. Tùng Dương lo sợ điều đó hơn sợ bất cứ thứ gì. Dương cũng quay sang dồn cho học văn hoá, định đi theo con đường khác thành kỹ sư, bác sĩ gì đó nếu mình không hát được. Nhưng, học cũng không xong vì Dương chỉ mê hát, không hát được thì chắc là … chết mất. Cuối cùng là thì may mắn đã mỉm cười khi Tùng Dương đã trải qua được giai đoạn vỡ giọng an toàn và được sống với âm nhạc.

 

d
 

 

Nhiều người nói Tùng Dương khi lên sân khấu có cái vẻ điên, Tùng Dương công nhận điều đó, khi bước lên sân khấu Tùng Dương hoàn toàn là con người khác, cứ như nhập đồng, thăng hoa và như thoát xác, mồ hôi toát ra. Những cảm giác đó hầu như không có trong cuộc sống thực. Tùng Dương không chỉ được khen về giọng hát không bao giờ phô hay chênh mà còn được khen về sự nghiêm túc trong công việc.

Chưa ai thấy Tùng Dương quên lời khi hát, điều mà các Diva còn thường mắc lỗi. Bởi trước những đêm diễn, dù hát một bài hát đã rất quen Tùng Dương vẫn học lại lời hát. Cách làm việc nghiêm túc của Tùng Dương làm nhiều người cũng phải nể. Tùng Dương tâm sự, khi đã sống trong bầu khí quyển âm nhạc từ nhỏ, sống bên cạnh những nghệ sĩ lớn như các ông của mình, những người luôn làm việc nghiêm túc và đam mê hết mình, thì chẳng có lý do gì mà Tùng Dương không luôn trau dồi cho sự sự nghiêm túc đó trong công việc cả.

Khi đến với dòng nhạc mà Tùng Dương chọn, rất kén người nghe nên ngay từ đầu Tùng Dương đã chịu những luồng dư luận trái chiều về mình, chịu cả việc ít show diễn, kén show diễn vô cùng. Tùng Dương chấp nhận, không bị shock khi gặp phản ứng khó chịu của khán giả vì luôn bắt mình đối diện với lời khen lời chê, lời khen hay chê đều là những lời góp ý chân thành để Dương tiếp thu và cho mình hoàn thiện hơn. Tùng Dương tự hào rằng tất cả những gì mình có được như hôm nay là do sự cố gắng của chính mình chứ không có ai đứng ra làm đại gia, giật giây cho mình.

 

Tùng Dương bắt đầu toả sáng sau khi được coi là một hiện tượng tại giải Sao mai điểm hẹn 2005. Năm đó, chàng ca sĩ gầy gầy, ăn mặc thì dị dị, cách biểu diễn quái quái đã gây ấn tượng tuyệt đối với ban giám khảo cũng như công chúng với giọng hát quý giá. Dương trở thành một hiện tượng đặc biệt lúc bấy giờ. Sao mai điểm hẹn là một may mắn, nếu không có sao mai điểm hẹn ngày đó thì không có Tùng Dương như bây giờ. Trước Sao mai điểm hẹn, Tùng Dương đoạt khá nhiều giải thưởng cho âm nhạc, gần nhất là giải nhất tiếng hát truyền hình Hà Nội, nhưng không tỏa sáng được như ở Sao mai điểm hẹn.
Ban đầu Tùng Dương không định thi Sao mai điểm hẹn nhưng vô tình nhạc sĩ Lưu Hà An đã khuyến khích Dương tham gia thi, ừ thì thử thi xem sao, cuối cùng vận may đã đến với Tùng Dương cùng với những ca khúc không phải ai cũng nghe cảm thụ được của Lê Minh Sơn, Tùng Dương đã góp phần lớn đem đến một sự thành công cho nhạc Lê Minh Sơn. Dương coi đó là sự may mắn nắm được thời cơ, nó đã giúp Dương đi con đường ngắn hơn nhiều lần so với con đường bình thường.

 

Nhưng với Tùng Dương may mắn chỉ là 5% làm nên thành công, vấn đề còn lại chính là sự nỗ lực và cố gắng để định đúng được con đường mình đi, dám làm dám chấp nhận, dám hy sinh để khai phá được những cái mới. Nếu không thi sao mai điểm hẹn thì khó có Tùng Dương như ngày hôm nay, nhưng nếu không có Tùng Dương dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm rất nhiều những cái mới thì chắc chắn mình không có kết quả như ngày hôm nay. Tùng Dương đã dám lao vào cái dòng khó nghe, không phải ai cũng nghe được và không phải ai cũng dũng cảm dám làm như Tùng Dương. Khi album “Những ô màu khối lập phương” của Tùng Dương ra cách đây 2 năm, nhiều người shock không chỉ bởi hình ảnh album kỳ dị đúng mà còn shock vì âm nhạc rất quái, nhưng Tùng Dương lại “sướng” với album đó bởi quan điểm của Tùng Dương là  nếu shock cho âm nhạc thì đáng để mà shock hơn thế nhiều ấy chứ.

Con đường đi tìm những sự quái đặc biệt trong âm nhạc của Tùng Dương chính là con đường đi theo xu hướng mới nhất, hiện đại nhất của thế giới. Để đi con đường đó, Tùng Dương chấp nhận một thiệt thòi lớn là mình không phải cái tên mà show nào cũng có thể mời, nhưng Tùng Dương lại tự hào mình là ca sĩ có lòng kiên định rất cao, không sợ những sự chối bỏ, không sợ người ta tắt ti vi khi thấy mình mà luôn đi con đường mà mình nghĩ là đúng. Album gần nhất “Li ti” của Tùng Dương cũng đi theo xu hướng mới của âm nhạc quốc tế, mới mẻ và đầy khai phá, chưa ai làm và khó có ai dám làm. Sự kiên định, dám tìm tòi này mang lại cho Dương giải “Cống hiến” vang dội thời gian vừa qua.

Biết chấp nhận những hy sinh, chấp nhận hai chiều dư luận thì mới có gan làm những cái phá cách ngông cuồng của tuổi trẻ, có như vậy mới dám làm cái mới, bỏ qua những cái duy mỹ. Rất kén show, không phải show nào cái kiểu nhạc của Tùng Dương cũng hòa nhập được, nhưng ngược lại những show diễn nào mang tính nghệ thuật đương đại thì lại phải gọi đến Tùng Dương. Đó chính là vị trí độc tôn trong âm nhạc.

Tuy không nổi như cồn, không có fanclub với hàng vạn fan, không PR báo chí rầm rộ, người ghét không ít mà người mê cũng nhiều, nhưng cái tên Tùng Dương thì ai cũng biết, bởi Tùng Dương đã có cho mình vị trí độc tôn với một khuynh hướng âm nhạc không giống ai. Cũng nhờ thế mà bù lại với việc kén show ở Việt Nam thì Tùng Dương lại được mời show rất nhiều ở nước ngoài, trở thành một trong những ca sĩ bay show nhiều nhất. Tùng Dương có rất nhiều tự tin để đi tiếp con đường mình đã lựa chọn, tin ở vị trí độc tôn của mình, kẻ thù lớn nhất của Tùng Dương chính là bản thân mình chứ không phải bất kỳ ai khác. Chiến thắng sự cũ mòn của mình, làm mình luôn mới mới là điều khó khăn của người nghệ sĩ thực thụ.

Tuy nhiên, cùng với sự “quái” trong âm nhạc, Tùng Dương cũng thể nghiệm ở dòng nhạc trữ tình, nhạc xưa, và giọng hát của Tùng Dương vẫn không ai chê được, luôn làm mới những tác phẩm cũ. Mới đây, trong chuyến lưu diễn ở nước ngoài, Tùng Dương đã khiến khán giả giật mình khi hát nhạc Lam Phương theo phong cách Jazz. Nhiều người đã phải nghiêng mình trước những sáng tạo mà vẫn hay, vẫn đẹp của Tùng Dương. Hát nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến cũng là một thử nghiệm của Tùng Dương để khán giả biết Tùng Dương đa năng chứ không chỉ hát những gì gai góc, quái. Tuy nhiên, dù hát pop nhẹ nhàng, lãng mạn thì cái chất của Tùng Dương vẫn là cách hát rất hiện đại, rất mới trên nền những gì xưa cũ. Chính điều đó luôn cho Tùng Dương một vị trí đặc biệt không thể không nhắc đến khi nói đến những cống hiến cho sự khám phá, mới mẻ trong âm nhạc.

 

  • Hồ Xuân
 

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn