Sỏi mật: Là những viên sỏi được hình thành trong túi mật, có thể gây sưng và làm tắc nghẽn ống dẫn mật vào ruột, gây đau. Sỏi mật có xu hướng tấn công phía bên phải của phần bụng trên, đặc biệt sau những bữa ăn có nhiều chất béo, vốn có thể khiến túi mật co lại.
Viêm tụy: Viêm tuyến tụy có thể gây đau nóng rát ở phần bụng trên và bụng giữa. Một số người bị đau nhói tới lưng. Bạn có thể ngả người về phía trước hoặc nằm ngửa ra để làm dịu cơn đau. Thường khi bị đau như vậy, bạn cần phải nhập viện để được theo dõi.
Trào ngược thực quản: Có thể gây đau ở phần bụng trên và ngực dưới. Nguyên nhân là van phân cách dạ dày và thực quản hoạt động không hiệu quả, để thực phẩm và a xít trào ngược lên trên.
Không dung nạp lactose: Hàng triệu người trên thế giới bị chứng không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm sữa. Tình trạng này gây đau bụng, sình bụng, tiêu chảy, đầy hơi và khó tiêu.
Tác dụng phụ của thuốc: Không có thuốc gì mà không gây tác dụng phụ và đôi khi gây đau bụng. Bisphosphonate dạng uống, loại thuốc giúp duy trì mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương có thể gây sưng và đau ở phần dưới thực quản. Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau được gọi chung là NSAID (thuốc kháng viêm phi steroid) có thể gây sưng, thậm chí loét dạ dày.
Viêm túi thừa: Bệnh có các triệu chứng đau quặn ở vùng bụng dưới, vốn có thể phản ứng với thuốc kháng sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể gây áp xe, xuất huyết và thậm chí thủng. Hậu quả là người bệnh đau dữ dội, cần mổ hoặc nhập viện.
Ảnh minh họa.
Không dung nạp gluten: Một số người phản ứng tiêu cực với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, đại mạch và lúa mạch đen. Dạng nghiêm trọng nhất của tình trạng không dung nạp gluten được gọi là bệnh Celiac.
Tình trạng không dung nạp gluten có thể gây đầy hơi, sình bụng, đau từ nhẹ đến nặng và mệt mỏi. Gluten còn gây tổn hại cho ruột non và tác động đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của nó, dẫn đến tiêu chảy mãn tính, sụt cân.
Lạc nội mạc tử cung: Bệnh xảy ra khi các tế bào trốn thoát từ thành tử cung và bắt đầu tăng trưởng ở các khu vực khác của cơ thể, thường là khung xương chậu. Đau, xuất huyết bất thường và vô sinh là những hậu quả do bệnh này gây ra.
Không dễ chẩn đoán bệnh lạc nội mạc tử cung. Nếu bệnh nằm gọn tại một khu vực nhỏ, có thể tiến hành phẫu thuật, còn ngược lại thì phải điều trị bằng thuốc và liệu pháp hormone.
Các vấn đề về tuyến giáp: Dù tuyến giáp nằm ở cổ, nó có thể gây ra những vấn đề ở khu vực bên dưới của cơ thể. Nếu tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone, nó tăng tốc quá trình tiêu hóa, vốn có thể dẫn đến tiêu chảy và đau quặn bụng. Trái lại, một tuyến giáp sản sinh quá ít hormone kìm hãm quá trình tiêu hóa, gây đau, khó tiêu và đầy hơi.
Viêm ruột thừa: Phần lớn những người bị viêm ruột thừa thường bị đau bất thình lình và dữ dội đến mức phải đưa đi cấp cứu. Bệnh phổ biến ở trẻ em và thanh niên, thường bắt đầu bằng đau bụng giữa, sau đó lan đến phần dưới bên phải bụng. Nếu không mổ ruột thừa, nó có thể bị vỡ và gây ra bệnh viêm màng bụng đe dọa đến tính mạng.