Người dân "ăn bẩn" vì chưa thông thái

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trả lời câu hỏi này, ông Lộc cho rằng, "tốt nhất người tiêu dùng nên cẩn thận hơn, nên phát huy hết khả năng của người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm thông minh hơn".

Trên báo Đất Việt, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, nói về hàng hóa kém chất lượng, đồ chơi độc hại tràn lan thị trường khi ngày tết Trung thu sắp đến. Theo lý giải của ông Lộc là vì "Việt Nam đang ở cạnh một người hàng xóm quá mạnh là Trung Quốc, mặt hàng của họ chủ yếu tập trung sản xuất để xuất khẩu, trong khi dân trí, trình độ của mình thấp thì việc kiểm soát, quản lý được hết là rất khó".

Việc này dường như mâu thuẫn với chức năng và nhiệm vụ của Chi cục quản lý thị trường. Vì theo lý, để đồ chơi Trung Quốc có độc gây hại cho trẻ em xuất hiện trên thị trường là trách nhiệm của cơ quan này, thì ông Lộc lại đổ trách nhiệm này sang cho người dân.
 
Và theo lý giải của ông Lộc, vì dân mình nghèo, dân trí thấp thì hàng độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc cứ tuồn sang là mình phải dùng. Nếu vậy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường ở đâu? Chi Cục quản lý thị trường đã làm gì để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng?
 

Đồ chơi không an toàn từ Trung Quốc là do dân nghèo nên phải chấp nhận


Trả lời câu hỏi này, ông Lộc cho rằng, "tốt nhất người tiêu dùng nên cẩn thận hơn, nên phát huy hết khả năng của người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm thông minh hơn".

Với cách trả lời của ông Chi cục Phó trên người dân sẽ tự đặt câu hỏi rằng phải chăng để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ của thực phẩm bẩn, hàng hóa kém an toàn trong mọi điều kiện, tốt nhất người dân nên tự mình đi học và phải học thật giỏi để có thể tự cứu lấy mình còn cán bộ quản lý chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra nếu có thì phạt và không có thì thôi. Cái lý của ông Lộc cũng đúng vì cán bộ cũng chỉ là người trần mắt thịt, từ người dân mà ra. Họ chỉ khác dân là được Nhà nước cấp ngân sách cho việc làm còn người dân phải tự bươn chải kiếm tiền và đóng thuế.

Từ trước tới nay, bất kể nói đến hàng hóa kém an toàn thì các "quan" đều cho rằng người dân nên tự trách mình nghèo bởi chỉ người nghèo mới khổ, mới phải dùng hàng kém chất lượng. Còn người giàu họ có dịch vụ riêng, có những hàng hóa riêng dành cho họ rồi. Vậy người giàu không cần phải quá thông minh, trình độ không cần quá cao mà người nghèo mới cần phải giỏi, cần phải biết nhiều và thông thái, thông thái hơn nữa.

Thế mới hiểu chủ trương trường chất lượng cao để mong giỏi, cải thiện dân trí. Hà Nội là "thủ phủ" của thực phẩm bẩn độc đã chính thức mở mô hình trường công chất lượng cao từ năm học 2013 - 2014.

Theo lý giải của Hà Nội việc thành lập những trường công chất lượng cao này để phục vụ những gia đình có điều kiện, không muốn chảy máu nguồn ngoại tệ giáo dục vào các trường công, trường quốc tế. Tuy nhiên nói là trường công nhưng mô hình lớp học chất lượng cao thì giá tiền của nó cũng quá cao. Mỗi tháng 3 - 5 triệu đồng tiền học phí, dân nghèo lấy đâu ra tiền để đi học. Mỗi cái đồ chơi có vài chục nghìn người nghèo còn phải bóp mồm, bóp miệng để mua cho con.

Chắc chắn 90% dân số Việt chấp nhận sống chung với bẩn độc. Ừ thì trước nay vẫn sống như vậy, bệnh tật thì chịu, người dân Việt Nam vốn khoan dung, độ lượng mà.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn