Tăng lương tối thiểu: Cần cái nhìn đa chiều

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là một chủ doanh nghiệp và đồng thời cũng là một người lao động trong công ty, tôi mạn phép trình bày một góc nhìn đa chiều hơn...

Tăng lương tối thiểu đang là chủ đề tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau từ phía Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Không tăng lương tối thiểu thì không bảo đảm được đời sống của người lao động nhưng mức tăng quá cao thì lại ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành thâm dụng lao động.

Là một chủ doanh nghiệp và đồng thời cũng là một người lao động trong công ty, tôi mạn phép trình bày một góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề tăng lương tối thiểu 2016.

Thứ nhất, đứng ở góc độ lợi ích chung của nền kinh tế thì việc tăng thu nhập của người lao động về lâu dài là có lợi cho nền kinh tế, với điều kiện song song là phải tăng năng suất lao động. Phải khẳng định rằng kỳ vọng tăng trưởng thu nhập là kỳ vọng chính đáng của con người. Doanh nghiệp muốn doanh thu ngày càng tăng, lợi nhuận ngày càng cao thì người lao động cũng có ước mơ thu nhập ngày càng tăng để đời sống ngày càng thăng tiến. Mấu chốt ở đây là tìm sự hài hòa để vấn đề tăng thu nhập của người lao động chẳng những không làm tăng giá thành sản xuất mà ngược lại còn làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng sức mua cho nền kinh tế.
Mấu chốt đó chính là năng suất lao động. Cải thiện được năng suất lao động thì cải thiện được lợi nhuận của doanh nghiệp, một khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì việc chia sẻ lợi nhuận đó cho người lao động bằng việc tăng lương, tăng cường phúc lợi cho người lao động không có gì khó khăn, và cũng hợp tình, hợp lí. Khi năng suất lao động tăng thì hàng hóa sản xuất ra nhiều hơn nên giá cả hàng hóa rẻ hơn trong khi tiền lương người lao động lại tăng lên, nên thu nhập khả dụng của người lao động tăng lên. Ngược lại, khi thu nhập khả dụng của người lao động tăng lên thì sức mua của nền kinh tế tăng lên, kích thước thị trường được mở rộng, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng lên.

luong-phunutoday-vn
Lương tối thiểu tăng cao, người lao động thiếu kỹ năng sẽ bị loại hàng loạt tạo hệ lụy xấu

Thứ hai, đứng ở góc độ lợi ích của người lao động, hiện Việt Nam thiếu lao động có kỹ năng nhưng thừa lao động phổ thông. Nếu lương tối thiểu 2016 tăng lên quá cao, doanh nghiệp sẽ bị sức ép buộc phải cơ giới hóa, tự động hóa, hợp lý hóa sản xuất để tăng năng suất lao động ngõ hầu tồn tại trong bối cảnh kinh tế còn chưa phục hồi bền vững. Việc này sẽ dẫn tới giảm nhu cầu sử dụng lao động phổ thông và tạo sự cạnh tranh gay gắt về việc làm giữa những người lao động có kỹ năng nhiều hơn và ít hơn. Với người lao động có kỹ năng cao hơn, doanh nghiệp sẽ chấp nhận trả mức lương cao hơn so với lương tối thiểu. Còn với người lao động không có kỹ năng, doanh nghiệp sẽ hạn chế tuyển dụng vì tiền công lao động thì cao hơn nhưng kỹ năng lao động thì vẫn không có gì thay đổi. Số lao động dôi dư ra do quá trình thay đổi công nghệ sản xuất và quản lý cộng với số lao động thất nghiệp trong những năm qua sẽ tạo nên một áp lực rất lớn lên các vấn đề xã hội.

Thứ ba, đứng ở góc độ lợi ích của doanh nghiệp tôi xin phân tích như sau. Quá trình chuyển đổi từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao không những cần vốn để thay đổi thiết bị, công nghệ mà còn cần cả kỹ năng quản trị, tổ chức công việc. Thiếu một trong hai thứ đó năng suất lao động không thể cải thiện một cách bền vững được. Trong khi đó, 90% doanh nghiệp Việt Nam là ở dạng vừa và nhỏ (SMEs), vừa thiếu về vốn, vừa thiếu cả về kỹ năng quản trị. Nếu họ không được hỗ trợ về vốn để thay đổi công nghệ, không được trang bị tốt về phương pháp quản trị hiệu quả họ sẽ không thể ứng phó kịp với chi phí sản xuất gia tăng đột ngột. Điều này có thể làm một số doanh nghiệp rời bỏ ngành nghề hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Trong những năm gần đây, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có đơn hàng, họ phải chấp nhận giá thấp trong khi chi phí cao, nên hoạt động kinh doanh chỉ đủ trang trải chi phí vận hành và chờ kinh tế phục hồi chứ không đủ sức tích lũy tái đầu tư. Giả sử, họ có thể tiếp cận dễ dàng các khoản vay dài hạn, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa phục hồi bền vững thì liệu có bao nhiêu phần trăm sẽ mạnh dạn vay vốn để đầu tư thay đổi công nghệ? Nếu số lượng SMEs không có khả năng thay đổi công nghệ đó, chỉ cần chiếm khoảng 10% số SMEs thôi, cũng đủ tạo thêm một lực lượng thất nghiệp mới, đủ để gia tăng những áp lực về mặt xã hội.

Phải chăng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ giúp hấp thụ lực lượng lao động dôi dư ra? Thực tế là với những ngành thâm dụng tư bản thì FDI với tiềm lực vốn mạnh và kinh nghiệm quản trị tốt, họ cũng sẽ đầu tư mạnh vào máy móc thiết bị chứ cũng không sử dụng nhiều lao động. Còn với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da thì lại rất nhạy cảm với chi phí nhân công, nếu chi phí lao động tăng thì các FDI sẽ cân nhắc dời đến những nơi có chi phí thấp hơn hoặc cân nhắc những dự án mới.

Cuối cùng, cốt lõi của vấn đề tăng thu nhập của người lao động không chỉ là tăng lương cơ bản mà còn là vấn đề kiểm soát lạm phát ở mức thấp và bền vững, như vậy sẽ tăng thu nhập khả dụng của người lao động lên và mở rộng thị trường nội địa. Điều này không những người lao động và doanh nghiệp có lợi mà toàn thể nền kinh tế xã hội cũng được hưởng lợi.

Với tâm huyết của mình đối với sự phục hồi bền vững của nền kinh tế, tôi xin Quốc hội hãy cân nhắc con số tăng lương tối thiểu 2016 ở mức nào cho phù hợp để người lao động và doanh nghiệp có thời gian tự đổi mới chính mình và nền kinh tế giữ được thân nhiệt để phục hồi bền vững.

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân, Thạc sĩ ngành Chính sách Hợp Tác Quốc tế thuộc Viện Đại học Ritsumeikan APU, Nhật Bản.

Tập cho trẻ đi trên thủy tinh là cần thiết
Tập cho trẻ đi trên thủy tinh là cần thiết
(Xi nhan) - (Phunutoday) - Dạy trẻ bước đi trên thảm thủy tinh là luyện cho chúng vượt qua nỗi sợ hãi, đối phó với hiểm nguy. Tôi cho rằng đây là cách rèn luyện sự tự tin.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn