18 người chết thảm, Yên Bái dừng lễ hội ruộng bậc thang

10:21, Thứ hai 10/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Chị Giàng Thị Dở có chồng là anh Lý A Sinh, một trong những người thiệt mạng trong đống đất đá, ngồi chết lặng dưới chân núi mà mắt cứ nhìn về phía mảng đồi nham nhở bởi hàng nghìn m3 đất đá bỗng dưng đổ sập xuống.

Những ngày này xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phủ một bầu không khí tang tóc, đau thương. Cùng với lực lượng cứu nạn, hàng trăm người dân các xã lân cận đến chia sẻ và giúp tìm kiếm thi thể nạn nhân xấu số trong vụ sạt núi cướp đi sinh mạng 18 người trong ngày 7/9 vừa qua.


Chị Giàng Thị Dở có chồng là anh Lý A Sinh, một trong những người thiệt mạng trong đống đất đá, ngồi chết lặng dưới chân núi mà mắt cứ nhìn về phía mảng đồi nham nhở bởi hàng nghìn m3 đất đá bỗng dưng đổ sập xuống.

Biết là chồng không về nữa, nhưng chị vẫn ngồi như mong chờ một phép lạ nào đó.

Ngóng chờ tin tức người thân
Ngóng chờ tin tức người thân

Ngày 7/9, cái ngày định mệnh ấy, 20 người dân ở bản La Pán Tẩn, Trống Páo Sang và Trống Tông thuộc xã La Pán Tấn và xã Púng Luông cùng nhau đi moi quặng gần khu vực khai thác mỏ của công ty TNHH Thịnh Đạt, xã La Pán Tẩn về để bán cho tư thương lấy chút tiền cơm gạo. Họ không biết rằng nguy hiểm đang chờ đợi.

8 giờ 30 phút, hàng nghìn m3 đất đá bất ngờ ập xuống vùi lấp tất cả, không một ai kịp chạy thoát. Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 người trong lực lượng quân sự, công an, dân quân tiến hành tìm kiếm những nạn nhân xấu số trên.

Tuy nhiên, nơi đây có mưa lớn, đường đến khu mỏ là đường đất trơn trượt, các phương tiện không thể đi lại nên để đến hiện trường, lực lượng cứu hộ phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Đến 19 giờ ngày 8/9, lực lượng cứu hộ đã đào bới tìm kiếm được 16 thi thể nạn nhân và đưa 3 người đi cấp cứu, trong đó đã có 1 người chết tại Bệnh viện đa khoa của huyện.

Cho tới cuối ngày 9/9 thì vẫn còn một nạn nhân chưa được tìm thấy. Quyết tìm cho được nạn nhân mất tích cuối cùng, lực lượng cứu hộ mở rộng phạm vi tìm kiếm ra 10km, chạy dọc theo suối Tú Lệ, từ xã La Pán Tẩn đến xã Tú Lệ.

Tại thôn nghèo Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn có tới 7 nạn nhân xấu số của vụ sạt núi. Có tới 4 nhà cha mất con, vợ mất chồng, con mất cả cha và mẹ, có những gia đình mất tới 3 người thân bao gồm vợ, chồng, con, anh em ruột và cha con. Họ đều là những lao động chính trong gia đình, vì cuộc sống khó khăn đã bất chấp nguy hiểm để mưu sinh.

Đứa con mới vài tháng tuổi đã mất cha
Đứa con mới vài tháng tuổi đã mất cha


Gia đình anh Hàng A Dinh có 2 người em gặp nạn. Đến chiều 7/9, đã tìm thấy người em út là Hàng A Sùng.

Gạt nước mắt, anh Dinh cho biết, Sùng đang theo học lớp cao đẳng nông nghiệp tại Sơn LA, vì nhà nghèo, Sùng cùng người anh của mình đi nhặt quặng thiếc để kiếm tiền tiếp tục theo học năm thứ hai. Nhưng rồi Sùng và người anh của mình đã không bao giờ trở về nữa, để lại vợ và đứa con thơ được vài tháng tuổi.

Được biết, Mù Cang Chải là một trong 2 huyện của Yên Bái được Trung ương xếp vào diện đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn huyện có trên 50 nghìn người, trong đó dân tộc Mông chiếm 91%.

Nơi đây, khí hậu khắc nghiệt, phát triển chậm, nên mặc dù bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên mấy thửa ruộng nên nghèo đói vẫn bám lấy người dân nơi đây. Họ đâu biết quặng là gì, chì là gì nhưng từ khi công ty TNHH Thịnh Đạt về đây khai thác mỏ thì những người Mông này mới biết đi mót quặng để bán lấy tiền.

Một người thân của nạn nhân Lù A Súa, ở bản Púng Luông cho biết: Nếu một ngày mà mót được gần 10kg quặng thì có thể kiếm vài trăm nghìn đồng, nếu may có ngày được cả triệu đồng.

Trước mắt, tỉnh Yên Bái đã trích kinh phí hỗ trợ mai táng cho một nạn nhân xấu số là 4,5 triệu đồng, mỗi nạn nhân bị thương 1,5 triệu đồng. Huyện Mù Cang Chải hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 100 kg gạo để giải quyết khó khăn trước mắt.

Công ty TNHH Thịnh Đạt hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng. Các đơn vị như Hội Chữ thập đỏ, các ngành từ tỉnh đến huyện cũng đã tiến hành thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị nạn.

Điều đau lòng là trong 18 người chết thì có 9 nạn nhân ở bản La Pán Tẩn đều là anh em họ hàng, 6 nạn nhân ở bản Trống Páo Sang cũng chung một họ, tương tự là 3 nạn nhân ở bản Trống Tông. Vợ mất chồng, cha mất con, anh mất em và có khoảng 6 đứa em trở thành mồ côi.

Còn nhớ như in cách đây 2 năm, vào chiều 22/8/2010, cũng tại huyện Mù Cang Chải, một mảng đất đá rộng hơn 2ha từ trên sườn núi cao đổ ập xuống, văng qua bờ suối phát ra một tiếng nổ như bom làm rung chuyển cả mặt đất, bùn đất bắn tung tóe cao cả chục mét, vùi lấp 7 người dân đang hái ngô trên đó. Một số người chạy thoát ngoái lại chỉ thấy một màu đỏ của đất và dòng nước đục ngầu chảy ra từ ruột núi...

Trở lại vụ việc lần này thì trước đó, Công ty TNHH Thịnh Đạt đã cho công nhân nghỉ 3 ngày để đảm bảo an toàn lao động do trời mưa to dễ sạt lở đất. Mưa to đã rửa trôi đất để lộ ra những cục quặng chì kẽm, người dân lại lũ lượt kéo nhau đi mót quặng trở lại.

Khi thấy người dân mót quặng gần khu vực thi công của công ty, Công ty TNHH Thịnh Đạt  cử 2 nhân viên bảo vệ ra yêu cầu họ về không được qua lại vùng nguy hiểm.

Ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết rằng: Sau khi hoàn tất việc tìm kiếm nạn nhân, tỉnh Yên Bái sẽ chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, qui rõ trách nhiệm đối với những sai phạm dẫn đến nguyên nhân trên.

Một thực tế cho thấy, việc di dời dân ở những khu vực nguy hiểm tại Mù Cang Chải hiện tại gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây nhất mới chỉ có gần 40 hộ dân ở ba xã Nậm Có, Cao Phạ và La Pán Tẩn được di dời. Tuy nhiên, số hộ hiện đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao còn rất nhiều. Nhưng cũng do huyện nghèo nên kinh phí để thực hiện di dời gần như không có.

Yên Bái tạm dừng lễ hội ruộng bậc thang

Do thảm họa sạt lở đất vùi lấp 20 người dân ở xã La Pán Tẩn và Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã quyết định không tổ chức lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2012 mặc dù các khâu chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất.

Ông Giàng A Tông, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải cho biết, một số chương trình của lễ hội có thể tổ chức vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (18/10/1957–18/10/2012) với một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như lễ hội “gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi,” thi đấu các môn thể thao, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động….

Trước khi xảy ra tai nạn kinh hoàng này, theo kế hoạch lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến 20/9 tại 4 xã: La Phán Tẩn, Dế Xu Phình, Púng Luông, Chế Cu Nha. Đây là dịp tôn vinh vẻ đẹp của ruộng bậc thang, "kỳ quan của đôi bàn tay" từng được Bộ VH-TT&DL công nhận là danh thắng quốc gia.

Hình ảnh: Bới đất tìm hàng chục người bị chôn sốngYên Bái

 

  • Đỗ Nguyễn

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc