Mưa lớn trong thời gian dài khiến nhiều tuyến đường bị ngập úng. Nhiều nơi xảy ra ngập nước nghiêm trọng làm cản trở giao thông. Các phương tiện qua lại có thể gặp tình trạng nước tràn vào động cơ gây chết máy, đặc biệt hay gặp ở các loại mô tô, xe máy. Để đối phó với tình huống, bạn có thể lưu ý tới một số điểm sau đây.
2 việc phải làm ngay khi xe chết máy do ngập nước
- Không cố gắng đề, đạp máy
Xe ga hay xe số đều có khả năng hỏng hóc khi đi qua vùng ngập nước. Khi xe không thể chạy được nữa, nhiều người có thói quen cố gắng đề, đạp nổ để khởi động động cơ của xe. Tuy nhiên, đây chính là việc khiến động cơ xe bị hỏng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi cố gắng đề, đạp máy, nước sẽ vào ống xả, vào xilanh, buồng đốt gây ra hiện tượng thủy kích làm hỏng động cơ xe. Do đó, khi xe không hoạt động do đi qua vùng ngập nước, bạn nên tránh khởi động lại xe và nên dắt bộ để đưa xe đến nơi sửa chữa.
Có nhiều trường hợp cố gắng nổ máy xe trong tình trạng ngập nước, khi đi sửa, người thợ phải mở hết động cơ ra để loại bỏ nước, khắc phục các vấn đề. Với trường hợp này, chi phí sửa chữa thường rất tốn kém.
Trường hợp chưa kịp đưa xe đến cửa hàng sửa chữa, người dân cũng có thể tự xử lý trước bằng các thao tác như tháo bugi, tháo bầu lọc gió để lau chùi cho khô ráo. Trường hợp xe chạy qua vùng nước ngập sâu, người dân có thể tháo cả ống xả sau đó đề đạp để đẩy nước trong xilanh ra ngoài.
Đưa xe đến cơ sở sửa chữa có uy tín
Để sửa chữa các xe gặp sự cố vì ngập nước, người thợ phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Nhiều thợ mới vào nghề, còn non tay, vừa dắt xe vào đã đề, đạp xem xe có nổ không rồi mới tiến hành các bước sửa chữa khác. Tuy nhiên, việc này rất có hại cho xe, khiến việc sửa chữa trở nên phức tạp hơn. Do đó, người dân nên tìm nơi sửa chữa có uy tin, có thợ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để tránh hư hại tài sản, không phải chịu mức chi phí sửa chữa quá cao.
Xe bị ngập nước thường khiến phần nhớt có màu cà phê sữa. Với trường hợp này, bắt buộc phải súc thay nhớt. Phải tới cơ sở có uy tín để kiểm tra, tháo vệ sinh nồi côn. Tùy tình trạng hết bánh, ngập tới yên hay ngập toàn bộ, người thợ có thể xem xét mức độ hư hỏng để chủ xe biết phải sửa những gì, chi phí như thế nào.
Với xe ngập nước, ngoài việc lau khô bugi, bầu lọc gió, người thợ cũng phải sấy khô các đầu mối trong hệ thống điện, tránh tình trạng chập, cháy phải thay phụ kiện, khiến chi phí sửa chữa cao hơn.