Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh được nhiều người yêu thích vì khá dễ trồng, xanh tốt quanh năm lại không đòi hổi chăm sóc cầu kỳ. Cây còn mang ý nghĩa sức khỏe và sự trường thọ.
Nếu biết cách chăm sóc, cây có thể ra nhiều chồi non. Từ đó, bạn có thể nhân giống cây một cách dễ dàng mà không cần mua thêm cây giống mới.
Cây lưỡi hổ có nhiều loại khác nhau như lưỡi hổ trắng, lưỡi hổ viền vàng, lưỡi hổ gân bạc, lưỡi hổ lá tròn... Mỗi loại cây có hình dáng, màu sắc lá có đôi chút khác biệt nhưng đặc điểm chung của chúng là dễ sống, xanh tươi quanh năm.
Cây này có thể đặt ở phòng khách, phòng ngủ, ban công hoặc trồng ngoài trời đều được. Cây có tác dụng trang trí cho không gian sống đồng thời thanh lọc không khí, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Khi trồng cây lưỡi hổ, bạn cần nhớ 3 bí quyết dưới đây để cây phát triển tốt.
Để cây lưỡi hổ phơi nắng nhiều
Cây lưỡi hổ ưa sáng nên cần được tắm nắng thường xuyên để có thể phát triển tốt, đặc biệt là trong giai đoạn sinh trưởng, ra chồi mới. Nếu thiếu đi ánh sáng tự nhiên, lá cây sẽ bị xỉn màu, cây yếu dần, không thể ra các chồi mưới.
Khi đem cây đi phơi nắng, bạn nên tránh để nắng gắt chiếu trực tiếp vào cây quá lâu. Nếu nắng quá mạnh, có thể che chắn cho cây để tránh tình trạng cháy lá.
Nếu trồng cây trong chậu thì có thể đặt cây ở các khu vực như bệ cửa sổ, ban công... để cây đón nắng tự nhiên.
Nếu nhà không có đủ ánh sáng tự nhiên thì có thể dùng đèn chiếu để bổ sung ánh sáng cho cây, giúp cây quang hợp.

Xới đất thường xuyên
Cây lưỡi hổ có bộ rễ phát triển mạnh. Nếu trồng trong đất bị nén quá chặt, rễ không thể phát triển. Vì vậy, bạn nên thường xuyên xới đất để tăng khả năng lưu thông không khí, thoát nước cho cây.
Không nên xới quá sâu khiến bộ rễ của cây lưỡi hổ bị tổn thương.
Trong quá trình xới đất, nếu thấy chậu cây quá chật, bạn nên tính đến phương án tách chậu thành nhiều chậu cây nhỏ hơn hoặc đổi sang một chiếc chậu có kích thước lớn hơn.
Không tưới nước quá nhiều
Cây lưỡi hổ có thể tích trữ nước, chịu hạn tốt nên không cần tưới quá nhiều. Khi thời tiết nóng, bạn chỉ cần tăng lượng nước lên một chút, không tưới quá nhiều làm rễ cây bị úng. Ngoài ra, nên lựa chọn thời điểm tưới nước cho cây phù hợp. Nên tưới vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối mát mẻ, tránh tưới cây vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Sau khi tưới, nên đặt cây ở nơi thông thoáng, khô ráo để nước dư thừa có thể thoát đi, tránh nguy cơ bị úng nước, thối rễ.
Có thể quan sát tình trạng đất trước khi tưới. Nếu đất còn ẩm, bạn có thể chưa cần bổ sung nước ngay. Nếu đất đã kho thì tưới một lượng nước vừa phải cho cây.