Vo gạo, nấu cơm là việc mà hầu như ai cũng biết làm và có những người thực hiện nó hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng khi vo gạo, nếu thêm vài hạt muối, thành phẩm khi nấu chín sẽ có sự khác biệt khá lớn.
Vì sao nên thêm muối khi vo gạo?
- Cơm dẻo thơm hơn
Thêm muối sẽ giúp tăng độ pH của nước. Khi vo gạo với muối, hạt sẽ có khả năng hấp thụ một phần nước muối loãng. Nhờ đó, gạo được nấu chín sẽ mềm dẻo, tơi xốp hơn, vị của cơm cũng đậm đà, mang lại cảm giác ngọt hơn.
- Cơm lâu thiu hơn
Muối có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn. Vì vậy, vo gạo thêm muối hoặc thêm vài hạt muối vào nồi nấu cùng cơm sẽ giúp cơm lâu thiu hơn. Cách này đặc biệt hữu ích khi nấu cơm vào những ngày nắng nóng.
- Làm sạch gạo
Tương tự như việc rửa rau, rửa thịt bằng nước muối loãng, việc dùng nước muối loãng để vo gạo cũng có tác dụng giúp làm sạch gạo tốt hơn.
Gạo tương đối sạch nhưng trước khi nấu, chúng ta vẫn nên rửa qua nước để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất bên trong. Tuy nhiên, không phải cứ vo gạo nhiều lần hay vo gạo mạnh tay là tốt. Việc chà xát gạo quá mạnh hay vo gạo nhiều lần đều làm mất đi một lượng dinh dưỡng quý giá trong gạo.
Lớp màng mỏng bên ngoài hạt gạo chứa nhiều vitamin B1. Vo gạo quá kỹ sẽ làm mất đi lượng vitamin quý giá này, ngoài ra cũng làm mất các glucid, lipid, khoáng chất cần thiết đối với cơ thể.
Vì vậy, khi vo gạo, bạn chỉ cần khoắng nhẹ cho bụi bẩn trôi ra ngoài là được. Không nên vo gạo quá 3 lần.

Một số lưu ý khác khi nấu cơm
- Nên dùng nước nóng để nấu cơm
Khi nấu cơm, nhiều người không chú ý việc nên sử dụng nước nóng hay nước lạnh. Tuy nhiên, nếu dùng nước lạnh, hạt gạo sẽ trưởng nở, các chất dinh dưỡng bị hòa tan vào nước và dễ bay hơi.
Trong khi đó, nếu dùng nước nóng, bề mặt bên ngoài của hạt gạo nhanh chóng co lại, tạo thành một lớp bảo vệ giữ các chất dinh dưỡng ở bên trong hạt gạo. Vì vậy, lượng dinh dưỡng được giữ lại sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, nấu cơm bằng nước nóng cũng giúp cơm nhanh chín hơn.
- Không nên mở nắp nồi quá thường xuyên
Khi nấu cơm, bạn không nên mở nắp nồi quá thường xuyên để kiểm tra. Mỗi lần mở nắp nồi, nhiệt độ và hơi nước cần thiết để làm chín cơm sẽ mất đi. Như vậy, cơm sẽ lâu chín và kém ngon hơn. Bạn chỉ nên mở nắp nồi khi cơm đã chín.
- Ngâm gạo trước khi nấu
Thông thường, đối với gạo tẻ, gạo trắng dùng để nấu cơm hằng ngày, bạn không cần ngâm nước trước khi nấu. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, ngâm gạo trước khi nấu sẽ giúp hạt gạo ngậm nước, nở đều, có độ dẻo ngon hơn. Tùy theo sở thích mà bạn có thể ngâm gạo trong khoảng 30-60 phút hoặc không ngâm mà nấu trực tiếp.
Trong đi đó, với gạo lứt, thời gian nấu chín lâu hơn, bạn có thể ngâm gạo trước khi nấu để hạt gạo nở, khi nấu sẽ mềm dẻo hơn. Tương tự, gạo nếp cũng nên ngâm trước khi nấu để hạt gạo ngậm nước, nếu lên sẽ chín đều hơn, không bị khô cứng. Khi ngâm gạo, bạn có thể thêm một ít muối để hạn chế tình trạng gạo có mùi chua.
Cơm sau khi nấu chín có thể ủ thêm 10-15 phút để hạt cơm chín đều, dẻo ngon hơn.