Học “Buông bỏ”
Có những việc hôm nay được xem là chuyện lớn, nhưng ngày mai lại chỉ là chuyện nhỏ; việc xảy ra trong năm nay dù có lớn đến mấy, sang năm chỉ còn là câu chuyện; việc xảy ra trong kiếp này dù có to cỡ nào thì sang kiếp sau cũng chỉ là truyền thuyết; chúng ta cùng lắm chỉ là những người có câu chuyện mà thôi.
Khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay trong công việc, hãy tự nhủ với bản thân rằng: Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi sẽ đến, một ngày mới sẽ lại bắt đầu.
Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.
Học “nhận lỗi”
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Đã sai lại đổ lỗi cho người khác thì nghiệp báo càng nặng nề hơn.
Học “Độ lượng”
Con người sống ở trên đời, không cần thiết việc gì cũng phải quá minh bạch, rõ ràng, bởi “nước trong quá thì không có cá, còn người thanh cao quá thì không ai chơi”.
Khi bạn tranh giành với người nhà, tình thân sẽ rạn nứt; tranh giành với người yêu, tình yêu sẽ phai nhạt; tranh giành với bạn bè, tình nghĩa sẽ tan vỡ. Tranh giành là lý trí, nhưng thua lại là tình cảm, tổn thương vẫn là chính mình.
Học “thấu hiểu”
Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Học “nhẫn"
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Chỉ cần biết nhẫn mọi thứ đều sẽ đi vào quỹ đạo.