Theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì lái xe ra đường cần phải có Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thường gọi bảo hiểm xe máy bắt buộc. Người dân cần lưu ý những điều sau để thực hiện cho đúng:
1. Bảo hiểm xe máy bắt buộc khác với bảo hiểm xe máy tự nguyện
Trên thị trường có 2 loại bảo hiểm xe máy. Trên 1 phiếu bảo hiểm cũng thường có 2 cột nội dung về 2 loại bảo hiểm xe máy này. Người dân mua phần nào sẽ được ghi thông tin vào phần đó. Chính vì thế khi mua người dân cần chú ý nhìn thông tin và hiểu về loại hình bảo hiểm mình mua, đừng vì chống đối mà mua loại rẻ cho xong.
- Bảo hiểm tự nguyện là bảo hiểm cho người ngồi trên xe của chủ xe. Giá thường tính theo số người được bảo hiểm, dao động 10-20 nghìn đồng.
- Bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm thể hiện nghĩa vụ của chủ xe với người bị gây tai nạn, tức người đi trên xe máy khác không phải xe của chủ xe. Loại này có giá 50-65 nghìn tùy dung tích xe.
Để bảo hiểm đúng luật và bảo hiểm toàn diện thì mua cả 2 loại. Để đúng luật tránh bị CSGT xử phạt thì nhớ phải mua bảo hiểm bắt buộc.

2. Bảo hiểm xe máy bắt buộc mua bản cứng bằng giấy phải mang theo bản cứng
Hiện nay hầu hết bảo hiểm xe máy vẫn phát hành bản cứng bằng giấy, bán lại nhiều địa điểm từ vỉa hè, tạp hóa, gia đình... Người dân cần chú ý nếu không mua phiên bản điện tử mà mua bản giấy thì phải luôn mang theo xe.
Bởi vì theo nghị định 168 việc CSGT xử phạt liên quan tới bảo hiểm xe máy là phạt người không mua và phạt cả người không mang theo bảo hiểm khi lái xe ra đường.
Bởi thế nếu mua bản điện tử thì có thể xuất trình bản mềm nhưng nếu mua bản giấy thì phải luôn mang theo bản cứng. Hiện Bảo hiểm xe máy chưa tích hợp được lên VNeID như Đăng ký xe, Bằng lái xe nên không thể xuất trình bản đã tích hợp trên này.
3. Bảo hiểm xe máy hư hỏng rách nát cần phải cấp đổi
Khi bản bảo hiểm cứng mà bị hư hỏng rách nát, không đọc rõ thông tin thì không thể tra cứu. Do đó người dân cần chú ý nếu bị mất, hư hỏng rách nát cần liên hệ người bán để xin cấp lại bản cứng khác, hoặc mua lại bản mới.

4. Bảo hiểm xe máy có thời hạn hiệu lực thường 1 năm
Bảo hiểm xe máy thường được bán trong khoảng 1 năm. Do đó người dân cần chú ý mua lại khi gần ngày hết hạn, tránh bị CSGT xử phạt khi Bảo hiểm xe máy hết hạn.
5. Khi mượn xe máy người khác ra đường phải mượn luôn bảo hiểm xe máy
Chú ý vì bảo hiểm xe máy đã có nhưng không mang theo cũng bị xử phạt. Do dó khi mượn xe máy cần mượn luôn Đăng ký xe và Bảo hiểm xe máy mang theo để tránh bị CSGT xử phạt.
Tóm lại mặc dù đã nhiều lần cử tri địa phương có kiến nghị về quy định bỏ việc người dân buộc phải mua bảo hiểm xe máy nhưng Bộ Tài chính trả lời đây là vấn đề đã được quy định trong luật. Các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cũng áp dụng quy định này. Do đó người dân cần chú ý, chưa có thông tin về việc bỏ quy định bảo hiểm xe máy. Hơn nữa mức phạt không có, không mang bảo hiểm xe máy hiện nay là 200-300 nghìn đồng, so với việc mua bảo hiểm chỉ mất vài chục nghìn thì người dân nên chủ động mua. Ngoài ra khi không may có tai nạn xảy ra, có thể nhận được bồi thường. Mặc dù báo chí phản ánh việc xử lý bồi thường bảo hiểm còn gặp nhiều phiền phức khó khăn nhưng phía Bộ Tài chính cũng đã đưa thông tin sẽ rà soát thanh tra kiểm tra vi phạm để thủ tục giải quyết bảo hiểm cho người đi xe được thuận lợi hơn trong thời gian tới.