Ăn cua chết
Nhiều bà nội trợ thường mua cua xay sẵn về nấu. Tuy nhiên, cách này tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Bởi người bán hàng có thể không loại bỏ những con cua đã chết trước khi xay và bán.
Trong cua có chứa axit amin histidine. Khi cua chết, chất này biến thành histamine khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, đau đầu, choáng váng, nôn mửa. Cua chết càng lâu thì càng độc.
Do đó, bạn nên tự tay chọn những con cua còn sống để đảm bảo an toàn.
Ăn cua sống, cua chưa nấu chín kỹ
Cua sống có thể chứa nang trùng hút máu phổi. Quá trình nấu ở nhiệt độ cao sẽ diệt các loại vi sinh vật gây hại này. Việc ăn tái sống khiến người ăn dễ mắc bệnh "trùng phổi".
Khi nang trùng vào cơ thể sẽ ký sinh hút máu trong phổi dẫn tới ho, khạc ra máu. Không những thế, chúng có thể xâm nhập lên não, dẫn tới co giật, bại liệt...
Nấu đi nấu lại nhiều lần
Khi ăn cua đồng, các bà nội trợ nên chế biến đến đâu dùng hết đến đó. Bởi thịt cua chứa nhiều đạm cũng như các chất dinh dưỡng, sau khi nấu chín và để ngoài môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu…
Trong mùa hè nắng nóng, việc nấu di nấu lại cua sẽ làm mất đi dinh dưỡng, khiến món ăn bị biến chất, gây độc.
Ăn cua đồng và uống nước trà
Trong và sau khi ăn các món chế biến từ cua khoảng 1 giờ đồng hồ, bạn nên tránh uống nước trà. Khi trà đi vào cơ thể sẽ làm một số thành phần của cua kết tủa, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng, gây ra đau bụng, đi ngoài.
Ăn cua đồng và quả hồng
Quả hồng có chứa chất tannin có thể làm protein trong thịt cua kết tủa và đọng lại trong ruột. Chất rắn này lâu dần sẽ đọng lại trong ruột rồi lên men và thối rữa. Việc này có thể gây ra tình trạng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Những chất đó còn có thể kết thành sỏi gây hại cho cơ thể.