Hạ nhiệt cho vô lăng và cần số
Da hoặc sợi carbon là những chất liệu thường được sử dụng để chế tạo vô lăng. Khi ánh nắng có nhiệt độ cao xuyên qua kính lái chiếu vào vô lăng, dù sử dụng chất liệu nào thì bộ phận này cũng sẽ hấp thụ nhiều nhiệt năng và trở nên rất nóng. Do đó, tài xế nên phủ lên bề mặt vô lăng một chiếc khăn để tránh ánh nắng trực tiếp từ ngoài trời.
Cũng như vô lăng, cần số là một trong những bộ phận bắt nắng khá nhanh trên ô tô và đây cũng là chi tiết tài xế thường sử dụng đầu tiên khi lái xe. Trước khi rời ô tô, chúng ta nên đặt một chiếc khăn ướt lên cần số để tránh tình trạng này, lưu ý sử dụng những loại khăn có nồng độ chất tẩy rửa thấp để bảo vệ bề mặt.
Phủ bạt lên xe
Như đã nói ở trên, vỏ ô tô luôn được làm bằng chất liệu kim loại nên nếu để xe ở ngoài nắng gắt và đóng kín cửa, nó như một chiếc nồi đang đun sôi. Để giảm một phần nhiệt độ, chủ sở hữu nên sử dụng bạt để phủ lên toàn bộ bề mặt xe, giúp cho phần vỏ bên ngoài ít có "cơ hội" tiếp xúc với ánh nắng.
Thêm vào đó, tài xế có thể che nắng bằng các tấm phản quang cho những chi tiết nội thất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như bảng táp lô, vô lăng, ghế ngoài. Dán phim cách nhiệt cũng là cách được nhiều chủ sở hữu xe hơi ưa chuộng để giảm nhiệt trong xe, bảo vệ nội thất và ngăn chặn tia cực tím.
Mở, đóng cửa liên tục
Theo một số tài xế lâu năm, đây là một biện pháp hữu hiệu để giảm nhiệt độ không khí bên trong xe. Họ coi khoang nội thất là một ống xi lanh, mở cửa bên phụ sẽ là đầu ra đồng thời đóng, mở cửa bên lái khoảng 5 đến 6 lần trong 30 giây sẽ giúp ô tô đẩy đáng kể luồng khí nóng ra khỏi xe.
Khởi động máy khoảng 5 phút trước khi vào xe
Nếu là người hay nhạy cảm với nhiệt độ cao, sau khi đóng, mở cửa liên tục để đẩy luồng khí nóng ra khỏi ô tô, tài xế nên khởi động động cơ và bật điều hòa ở mức 25 đến 26 độ để không khí trong xe trở nên dịu mát hơn. Nhờ đó, hành khách sẽ không phải chịu cảm giác bí bách khi ngồi vào ô tô.
Tìm những nơi có bóng mát để đỗ xe
Vào những ngày hè, tài xế nên tìm những điểm đỗ xe có bóng râm, thường là dưới gốc cây hoặc các tòa nhà cao tầng để giảm tiếp xúc giữa nắng nóng và ô tô. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi thời tiết chuẩn bị mưa dông, chúng ta cần di chuyển ô tô khỏi các gốc cây ngay vì chúng có thể đổ bất cứ lúc nào, gây thiệt hại tới "xế cưng".
Thực hiện phun nước lên kính
Trên những chuyến đi đường trường, việc phun nước lên kính cũng khiến ô tô giảm nhiệt một phần. Cùng với đó, chúng ta cũng nên điều chỉnh điều hòa phù hợp với nhiệt độ bên ngoài để tránh trường hợp hành khách ra khỏi xe bị sốc nhiệt, gây cảm giác mệt mỏi, chóng mặt.
Điều chỉnh điều hoà đúng cách
Dựa theo nguyên lí khí nóng bay lên, khí mát tụ ở dưới, khi ngồi vào xe hơi, tài xế nên bật điều hòa ở chế độ quạt gió ở cường độ cao rồi chĩa hướng gió xuống dưới chân. Ở cách này, chúng ta cần mở một phần cửa sổ để luồng khí nóng nhanh chóng bay ra khỏi khoang nội thất. Nếu thấy nhiệt độ đã bắt đầu giảm, bật điều hòa AC để trải nghiệm cảm giác dễ chịu nhất có thể.
Lưu ý, khi đỗ xe ngoài nắng nóng, chúng ta không nên vào xe, đóng kín cửa và bật điều hòa ở cường độ cao vì nhiệt độ giảm đột ngột có thể khiến kính xe bị nứt, động cơ phải hoạt động với công suất cao, gây tốn nhiên liệu. Thậm chí việc này có thể khiến một số hành khách bị sốc nhiệt.