Theo thông tin VFA, 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Thế nhưng, khối lượng bị hủy lên đến gần 1 triệu tấn gạo. Phần lớn các hợp đồng bị hủy là ký với các thương nhân Trung Quốc. Số khác là các thương nhân Philippines ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu, nên tàu không được phép cập cảng. Việc than thở này rất kịp thời vào đúng dịp vụ lúa hè thu của bà con nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long vào mùa thu hoạch lại là mùa mưa vốn không có điều kiện phơi sấy nên người dân phải bán lúa non.
Lúa non còn đang rất rẻ giờ ế thêm cả triệu tấn vì bị đối tác chê đắt thì có nhiều khả năng người nông dân sẽ còn phải chịu mức giá lúa gạo thấp nữa. Thứ đến, VFA dội thêm tiếp thông tin cho biết so với cùng kỳ năm 2012, lượng gạo xuất khẩu giảm 7,8%, giá bình quân giảm 15 USD/tấn. Lượng gạo thơm xuất khẩu tăng hơn 78%, nhưng gạo trắng cao cấp giảm hơn 32%. Như vậy xuất khẩu 2 tháng qua không đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm, lượng gạo xuất khẩu chỉ còn khoảng 650.000 tấn.
Xuất khẩu gạo quý III/2013 dự kiến trên 1,8 triệu tấn (giảm 230.000 tấn so với kế hoạch) và có thể sụt giảm tiếp trong quý IV năm nay. Các thị trường truyền thống như Philippines giảm 60,5%, Malaysia giảm 38,6%.
Sau hai cú sốc về thị trường lúa gạo có nhiều biến động, mới đây, VFA còn thông báo về việc Thái Lan đã “đại hạ giá” gạo 100% B xuống chỉ còn 380 USD/tấn thay vì 420-430 USD trước đó. Thông tin này là rất đáng ngờ, bởi những nguồn thông tin công khai cho thấy giá gạo 100% B của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với các mức giá đó.
Những thông tin trên khiến giọt nước mắt của người nông dân thêm mặn chát. Đã nghèo, đang bỏ ruộng nhiều người nông dân không còn thiết tha gì đến cây lúa, không còn quan tâm đến chính sách tạm trữ lúa gạo mà chính phủ đang nỗ lực muốn tiếp sức cho người dân thì ai được lợi nhất.
Trước thông tin từ VFA, TS Alan Phan đã nói điều này rất lạ bởi thị trường thế giới không có biến động nhiều nên việc thị trường Việt Nam biến động như thế là rất đáng ngờ. Có nhiều khả năng thị trường gạo đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích nào đó.
Ý kiến của TS Alan Phan chưa có lời giải thì hôm 10/9, báo Tuổi trẻ có đăng bài viết như tăng thêm nghi ngờ về thị trường lúa gạo vốn nhiều bất ổn như hiện nay. Bài báo cho biết theo chuyên trang thông tin lúa gạo Oryza, vào đầu tháng 8/2013 Thái Lan chào gạo 100% B với giá 465 USD/tấn và sau năm lần giảm, kết thúc tháng này ở mức 435 USD/tấn.
Những thông tin tiêu cực về thị trường xuất khẩu gạo đang gây hoang mang cho nông dân. |
Hơn nữa, ngày 19/8 Bộ Thương mại Thái Lan đã mở cuộc bán đấu giá trên 200.000 tấn gạo, nhưng chỉ có sáu doanh nghiệp tham gia và bán được 30.000 tấn. Dù giá trúng thầu không công khai nhưng nguồn tin của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết giá dự thầu chỉ ở mức 12.000 -13.000 baht/tấn (383-415 USD/tấn). Như vậy, không thể nói Thái Lan đã “đại hạ giá” gạo xuất khẩu của mình, bởi đó chỉ mới là giá xuất kho, còn phải cộng thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển, tiền lãi của doanh nghiệp và có thể cả chi phí tái chế (trong trường hợp gạo tồn kho lâu ngày).
Ngoài ra, một số báo của VN khẳng định “theo nguồn tin chính thức từ Thái Lan, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong cuộc họp gần đây giữa hai bên”. Đây là thông tin không đáng tin cậy. Bởi lẽ, theo nguồn tin Văn phòng Thông tin quốc gia Thái lan (National News Bureau of Thailand - NNT), trong chuyến làm việc tại Trung Quốc, thương mại gạo là một trong những nội dung đã được thủ tướng Thái Lan trao đổi với thủ tướng nước chủ nhà.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẵn sàng mua 1 triệu tấn gạo của Thái Lan và ông đã chỉ thị các cơ quan có liên quan của Trung Quốc cùng xem xét. Như vậy, việc Trung Quốc có mua 1 triệu tấn gạo của Thái Lan hay không hãy còn ở “thì tương lai”. Hơn thế, ngay cả các hợp đồng cụ thể về việc mua bán hơn 260.000 tấn gạo đã được doanh nhân hai nước ký tại thời điểm này thì năm tháng đầu năm nay chỉ mới thực hiện được hơn 80.000 tấn. Do vậy, khả năng Thái Lan thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc ngay trong năm nay là rất mong manh.
Cũng theo thông tin từ một số báo, các doanh nghiệp Trung Quốc đã được thông báo rút hầu hết hạn ngạch nhập khẩu được cấp trước đó để tập trung tiêu thụ lúa gạo trong nước. Đây đích thị là chiêu ép giá không hơn không kém! Bởi lẽ, nhiều khả năng nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm nay sẽ tăng như dự báo của FAO và USDA do tác động kép của hai yếu tố. Đó là các tỉnh vựa lúa phía nam của Trung Quốc bị hạn nặng vào giữa năm, tiếp sau đó lại hứng chịu bão liên tiếp nên năm nay sẽ không được mùa. Chưa hết, xìcăngđan gạo nhiễm cadmium tại vựa lúa lớn nhất Trung Quốc (sản lượng lúa lớn hơn vùng ĐBSCL) khiến tiêu thụ lúa gạo ở đây bị trì trệ. Đây chắc chắn là những lý do chủ yếu khiến giá gạo tại các thành phố của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đang cao kỷ lục.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo trong bảy tháng đầu năm nay mới đạt gần 1,5 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2012. Như vậy, nếu dự báo của USDA là đúng, nhập khẩu của Trung Quốc từ nay tới cuối năm còn tăng mạnh. Việc các thương nhân Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu gạo của VN là điều gần như chắc chắn.
Vậy những thông tin trên do chính VFA thông báo thì người dân nên hiểu như thế nào về thị trường lúa gạo thực hiện nay?